Đau đầu vì thiếu hụt xăng dầu

Thứ Hai, 05/09/2022 | 17:08

Nếu vào đầu tháng 8, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải tạm đóng cửa vì không có xăng để bán, thì khoảng 1 tuần nay các cửa hàng lại tiếp tục “đau đầu” vì không có dầu DO cung ứng cho thị trường. Không chỉ các cửa hàng gặp khó, người dân cũng kêu than, bởi việc mua nhiên liệu phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa hiện đang rất khó khăn.

Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Việt Phương hiện chủ yếu kinh doanh xăng vì nhiều ngày liên tiếp không có dầu để bán. Ảnh: T.Q

Sản xuất - kinh doanh khó khăn

Từ đầu năm đến nay, tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã nhiều lần biến động, hết thiếu nguồn cung xăng rồi đến dầu, khiến nhiều cửa kinh doanh xăng dầu (chủ yếu là cửa hàng tư nhân) lao đao. Theo các cửa hàng xăng dầu, thời gian gần đây, các đầu mối cung ứng xăng dầu đã hạ mức hoa hồng thấp, thậm chí xuống bằng 0, trong khi đó, các cửa hàng còn phải đóng thuế, trả tiền công cho nhân viên… Chi phí cao, kinh doanh thua lỗ nhưng nhiều cửa hàng vẫn cố gắng tiếp tục kinh doanh để cung ứng nhiên liệu cho người dân, nhưng rồi một số cửa hàng do không gồng gánh nổi phải tạm đóng cửa, thậm chí nghỉ bán vì càng bán thì càng lỗ.

Bốn ngày qua, do không nhập được dầu DO để bán nên Doanh nghiệp tư nhân xăng dầu Việt Phương (ấp Thọ Tiền, xã Phước Long, huyện Phước Long) chỉ bán xăng RON 95, E5 RON 92. Chị Việt Phương - chủ doanh nghiệp này, cho biết: “Cửa hàng của tôi kinh doanh xăng dầu của Công ty Cổ phần thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex), vì đầu mối không cung ứng dầu, khiến tôi phải ngừng kinh doanh trụ dầu mấy ngày liên tục, trong khi đó nông dân khu vực và địa bàn lân cận đang rất cần dầu để phục vụ việc thu hoạch lúa, nuôi tôm… Tôi liên hệ với đầu mối rất nhiều lần nhưng họ không còn dầu cung ứng”.

Thiếu hụt xăng dầu, đặc biệt là dầu DO khiến nhiều nông dân trong tỉnh lao đao vì không có nhiên liệu phục vụ sản xuất. Ở các địa bàn ven biển, nhiều ngư dân cho tàu cá nằm bờ do không mua được dầu. Còn đối với các vùng sản xuất nông nghiệp như: Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long… đang vào mùa thu hoạch lúa hè thu, lúa chín rợp đồng nhưng không thể thu hoạch vì không có đủ nhiên liệu cho máy cắt nên nhiều nông dân như “ngồi trên đống lửa”.

Ông Hồng Chanh Ly - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp An Hưng Phát (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi), chia sẻ: “Hợp tác xã có 200ha lúa đang đến đợt thu hoạch. Mặc dù có đến 4 máy cắt lúa cho xã viên, nhưng mấy ngày qua, chúng tôi khốn khổ vì không mua được dầu, các thành viên phải tranh thủ qua tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang để mua nhưng mỗi cửa hàng cũng chỉ mua được vài chục lít gom lại mới đủ nhiên liệu chạy máy”.

Trước phản ánh thiếu xăng dầu của các cửa hàng nhượng quyền, ông Phan Hồng Công - Giám đốc Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Bạc Liêu (PVOil Bạc Liêu), cho biết: “Những ngày qua, công ty luôn đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho 2 cửa hàng và 30 đại lý nhượng quyền. Đối với khiếu nại của các đại lý cho rằng công ty không cung ứng đủ và kịp thời nguồn hàng dẫn đến gián đoạn bán lẻ, phía công ty khẳng định từ đầu năm đến nay luôn theo đúng hợp đồng đã ký với các đại lý, có lúc vượt hạn mức hơn 140%. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm không đáp ứng được yêu cầu đại lý là do thiếu phương tiện chuyên chở xăng dầu. Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu để sớm ổn định thị trường”.

Siết chặt quản lý thị trường xăng dầu

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, ngày 31/8, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh việc người dân phản ánh không mua được xăng dầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là các huyện có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn, khẩn trương thành lập các tổ công tác để phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý ngay tình trạng trên nhằm giúp nông dân thuận lợi hơn trong thu hoạch lúa.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo ngành chức năng nắm tình hình, trao đổi cùng các đơn vị liên quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ để giúp ổn định sản xuất - kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như huyện Phước Long, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra nhằm tránh việc “đầu cơ” xăng dầu. Đồng thời, chỉ đạo các điểm bán xăng dầu ưu tiên nhiên liệu cho các máy gặt; đến nay, cơ bản đảm bảo cho các máy gặt trên địa bàn hoạt động, qua đó giúp nông dân trên địa bàn huyện đẩy nhanh việc thu hoạch lúa.

Ngoài ra các cơ quan chức năng như: Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế… cũng đã nhanh chóng vào cuộc để kiểm tra, xử lý những trường hợp xin tạm dừng kinh doanh và tạm dừng kinh doanh không xin phép.

Theo ông Lê Văn Siêng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, trước khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu và phát hiện nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa bởi nguyên nhân là hết xăng dầu cung ứng, chưa phát hiện trường hợp găm hàng. Đơn vị chủ yếu lập biên bản kết hợp với tuyên truyền, nhắc nhở các cửa hàng phải mở cửa kinh doanh, đồng thời làm việc trực tiếp với các DN đầu mối phải đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho các điểm bán hàng thuộc hệ thống phân phối của đơn vị trên cơ sở các hợp đồng đã ký và tùy vào tình hình diễn biến thực tế tránh để tình trạng thiếu nguồn cung. Hơn hết, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, các đội cũng đã dán số điện thoại đường dây nóng tại các cửa hàng xăng dầu ở vị trí dễ nhìn để người dân liên hệ khi có nhu cầu.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.