Giao thông đường thủy nội địa: Nhiều phương tiện vi phạm chở quá tải trọng

Thứ Hai, 02/07/2018 | 16:55

Chiếm trên 70% các lỗi vi phạm về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy là việc chở quá tải trọng thiết kế phương tiện (hay còn gọi là chở quá vạch dấu mớn nước an toàn trên phương tiện thủy nội địa). Thực trạng này làm gia tăng các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trong mùa mưa bão.

Cảnh sát đường thủy phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền ATGT trên tàu cá.

Cảnh sát đường thủy Bạc Liêu kiểm tra phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước an toàn. Ảnh: T.H

Nhiều bất cập trong xử lý vi phạm

Vạch dấu mớn nước an toàn là vạch đánh dấu trên phương tiện thủy để giới hạn phần thân phương tiện được phép chìm trong nước khi hoạt động. Theo quy định, các phương tiện thủy nội địa không được chở hàng hóa, hành khách vượt quá tải trọng, tức là không được vượt quá vạch dấu mớn nước an toàn. Tuy nhiên, vi phạm này vẫn còn diễn ra phổ biến trên các tuyến đường thủy.

Mỗi ngày, khi con nước lớn là lúc cán bộ tại các trạm kiểm soát của cảnh sát đường thủy làm việc cật lực. Đây được xem là thời điểm vất vả nhất trong ngày - thời điểm kiểm soát, xử lý các phương tiện chở quá vạch dấu mớn nước an toàn. Các phương tiện vận tải hàng hóa, từ ghe chở nông sản như lúa, mía… đến các tàu lớn, sà lan chở vật liệu xây dựng, hầu như phương tiện nào cũng chở quá tải trọng cho phép, tùy theo phương tiện lớn nhỏ mà mức độ vi phạm ít hay nhiều. Cùng với các lỗi vi phạm phổ biến như: vi phạm về giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, vi phạm về đăng ký - đăng kiểm thì hành vi chở quá tải trọng trên đường thủy chiếm tỷ lệ trung bình khoảng 70%. Số liệu từ Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) trong 6 tháng đầu năm 2018 cho thấy, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản gần 1.000 trường hợp vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 400 triệu đồng. Trong đó, hành vi chở quá tải trọng cho phép là trên 800 trường hợp, chiếm trên 73%. Các phương tiện vi phạm nhiều nhất là các ghe có tải trọng lớn, sà lan chở cát, đá, xi măng, xăng dầu, sắt…

Hành vi chở quá tải trọng trên đường thủy hiện nay được xử lý theo Điều 28, Nghị định 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, mức phạt khá nhẹ, dao động từ 50.000 đồng đến cao nhất là 12 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi chở hàng hóa quá vạch dấu mớn nước an toàn trên 1/2 chiều cao mạn khô của phương tiện, đối với phương tiện trọng tải toàn phần từ 15 tấn đến trên 1.500 tấn sẽ áp dụng hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng từ 1 - 2 tháng.

Theo Thượng tá Bùi Xuân Khởi - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh): “Bất cập hiện nay là xử phạt chở quá tải trọng trên đường thủy chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính, tiếp tục cho phương tiện lưu thông mà không thể buộc hạ tải đến vạch dấu mớn nước an toàn vì không có vị trí tập kết hạ tải, phương tiện hạ tải, bến bãi bảo quản hàng hóa…”.

Đây là nguyên nhân chính khiến việc vi phạm về tải trọng trên đường thủy không thuyên giảm. Thậm chí, chủ phương tiện rất sẵn lòng, tự giác… nộp phạt, bởi số tiền nộp phạt không đáng là bao so với lợi nhuận mà hàng hóa chuyên chở mang về. Trong khi đó, cảnh sát đường thủy là lực lượng có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm khi phương tiện đang hoạt động trên tuyến giao thông, còn trách nhiệm kiểm tra, đình chỉ vận tải của phương tiện chở quá tải trọng ngay tại các bến bốc dỡ hàng hóa thì thuộc về Cảng vụ đường thủy.

Đó là chưa kể theo quy định, trong một ngày, lực lượng cảnh sát trên cả nước chỉ được xử lý vi phạm một lần đối với các phương tiện chở quá tải trọng. Do đó, Cảnh sát đường thủy Bạc Liêu dù phát hiện rất nhiều phương tiện chở quá tải trọng đi qua địa phận quản lý, nhưng không thể xử phạt thêm, chỉ kiểm tra giấy tờ, ghi nhận rồi… cho đi.

Ngoài ra, theo ghi nhận trên thực tế, việc xử lý phương tiện thủy chở hàng hóa quá tải trọng cho phép vẫn còn gặp nhiều khó khăn khác. Trong đó, có việc phát hiện, xử lý các phương tiện thủy nội địa cố tình không kẽ vạch dấu mớn nước. Cụ thể, nhiều phương tiện không gắn, kẽ hoặc để mờ vạch dấu mớn nước an toàn gây khó khăn trong việc phát hiện và xử lý phương tiện chở hàng vượt quá trọng tải đăng kiểm. Trường hợp này, muốn xác định phương tiện chở quá tải để xử phạt, cảnh sát đường thủy phải đo đạc, đối chiếu mất nhiều thời gian, công sức. Trong khi, mức phạt cho các lỗi “Để mờ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” và “Không kẽ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện” chỉ từ 50.000 - 100.000 đồng và từ 100.000 - 200.000 đồng, nên không đủ sức răn đe. Về những khó khăn này, các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có điều chỉnh phù hợp.

Mặc dù, đến nay Bạc Liêu chưa ghi nhận vụ tai nạn giao thông đường thủy nào gây hậu quả về người từ nguyên nhân chở hàng hóa vượt quá tải trọng cho phép, tuy nhiên việc va chạm, chìm phương tiện làm thiệt hại tài sản đã xảy ra. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, việc vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT đường thủy nói chung, vi phạm chở quá tải trọng nói riêng càng làm gia tăng nguy cơ xảy ra mất an toàn kể cả về người và tài sản.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chủ phương tiện thủy

Trước tình hình này, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy đã chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định hiện hành. Đồng thời, tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức đảm bảo ATGT cho các chủ phương tiện, thuyền viên. Trong đó, tập trung tuyên truyền vào các nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông, kể cả chở quá tải. “Từ đầu năm đến nay, Cảnh sát đường thủy đã phát gần 4.000 tờ rơi và tuyên truyền trực tiếp cho gần 13.000 lượt chủ phương tiện, thuyền viên và những người hành nghề trên đường thủy thông hiểu các quy định về đảm bảo ATGT. Về lâu dài, đơn vị vẫn đang kiến nghị sửa đổi Nghị định 132/2015/NĐ-CP để tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Có như vậy, công tác đảm bảo ATGT đường thủy sẽ đạt được hiệu quả cao hơn” - Thượng tá Bùi Xuân Khởi cho biết.

Theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, vào mùa mưa lũ, các phương tiện vận tải thủy phải giảm bớt tải trọng từ 10 - 15%, tùy vào độ nổi của phương tiện để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên sông nước trong điều kiện thời tiết xấu. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi tham gia giao thông trên sông, đề nghị các chủ phương tiện vận tải thủy - nhất là các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng không chở vượt dấu mớn nước an toàn và tuân thủ đúng quy định về vận tải thủy khi mùa mưa bão có thể còn diễn biến phức tạp.

Mai Đinh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.