Hòa giải ở cơ sở: Góp phần hạn chế khiếu kiện

Thứ Sáu, 08/06/2018 | 16:10

Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, tự quản ở cộng đồng. Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác này trong việc góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Qua hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng góp phần giảm thiểu, hạn chế các vụ khiếu kiện, tiết kiệm được thời gian, chi phí của nhân dân, Nhà nước khi phải thụ lý, giải quyết những vụ việc lẽ ra có thể kết thúc từ cơ sở.

Bài 1: NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU

Tập huấn kiến thức cho các hòa giải viên ở cơ sở. Ảnh: K.K

Thời gian gần đây, tình hình khiếu nại có chiều hướng diễn biến phức tạp, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế, đơn thư gửi tràn lan, từng lúc, từng nơi trở nên gay gắt. Không ít trong số đó, các khiếu nại lại nảy sinh từ xã, phường, thị trấn - cơ quan quản lý cấp cơ sở. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hoạt động hòa giải ở cơ sở không kịp thời, thậm chí yếu kém, nhiều địa phương không quan tâm hòa giải một cách thực chất. Hơn nữa, nhiều thay đổi của các luật mới cũng dẫn đến những khó khăn khi áp dụng.

NỖ LỰC CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

Trong năm 2017, các tổ hòa giải trong toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 1.907 vụ, đưa ra hòa giải 1.803 vụ, hòa giải thành 1.454 vụ, đạt tỷ lệ 80.64%. Có 349 vụ hòa giải không thành phải chuyển về trên. Trong số hàng trăm vụ phải chuyển về trên, có không ít vụ trở thành những khiếu kiện dai dẳng, gay gắt, không chỉ tốn tiền của, công sức của người khiếu kiện mà còn tốn kém từ ngân sách Nhà nước cho nhiều hoạt động giải quyết khiếu kiện về sau. Sự việc này trở thành vấn nạn, làm đau đầu các nhà quản lý hành chính nhà nước, thậm chí ảnh hưởng không tốt đến dư luận trong nhân dân.

Từ những lý do đó, thời gian qua ngành Tư pháp tỉnh không ngừng nỗ lực để nâng cao năng lực hòa giải cho các hòa giải viên cơ sở. Trong đó, tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở (HGƠCS), công văn chỉ đạo về phối hợp thực hiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án, hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở và tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ HGƠCS cho hơn 1.500 hòa giải viên trên địa bàn tỉnh. Các nội dung bồi dưỡng liên quan đến các quy định của pháp luật về công tác HGƠCS; các quy định của pháp luật về đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình áp dụng trong hoạt động hòa giải; các kỹ năng, nghiệp vụ trong công tác HGƠCS.

Sở Tư pháp cũng thường xuyên tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật HGƠCS và các văn bản hướng dẫn nhằm góp phần nâng cao ý thức pháp luật, nhận thức của cán bộ, nhân dân để tránh những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, giảm bớt các khiếu nại, tố cáo, tăng cường tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Thực hiện biên tập, phát hành 1.230 quyển tài liệu nghiệp vụ HGƠCS cấp cho 528 tổ hòa giải khóm, ấp; 7 phòng Tư pháp cấp huyện; 64 đơn vị cấp xã (công chức tư pháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 64 xã, phường, thị trấn trong tỉnh) và 350 quyển sổ theo dõi hoạt động HGƠCS cấp cho các tổ HGƠCS. Đồng thời hỗ trợ 960 quyển sách pháp luật cho 22 tủ sách pháp luật ở các chùa Khmer, 10 tủ sách pháp luật đầu mối tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

LUẬT ĐI VÀO ĐỜI SỐNG

Hơn 3 năm qua, công tác HGƠCS trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nhiệt huyết, cống hiến của đông đảo đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Việc thực hiện luật trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động HGƠCS đi vào nền nếp, thống nhất và hoạt động có hiệu quả, tạo bước chuyển biến trong công tác HGƠCS. Hầu hết các tổ hòa giải đã được kiện toàn bảo đảm đúng quy định, chất lượng hòa giải được nâng lên, thể hiện qua tỷ lệ các vụ hòa giải thành năm sau cao hơn năm trước.

Số vụ hòa giải thành ngày càng tăng đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Những mâu thuẫn nhỏ, những khúc mắc trong quan hệ gia đình, làng xóm đã được các hòa giải viên hóa giải, đem lại cuộc sống bình yên, ổn định và phát triển hơn. Mạng lưới tổ hòa giải được củng cố, mở rộng thu hút nhiều thành phần, nhiều lực lượng tham gia.

Tuy nhiên, việc triển khai luật vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn vướng mắc. Đơn cử như việc phê chuẩn kết quả bầu hòa giải viên ở các đơn vị còn chậm so với quy định. Một số tổ hòa giải thay đổi hòa giải viên nhưng chưa được kiện toàn kịp thời. Việc ghi chép và quản lý sổ theo dõi hòa giải ở một số đơn vị chưa thực hiện đúng quy định; một số đơn vị cập nhật số liệu hòa giải chậm không đúng quy định thực tế.

Việc áp dụng hòa giải và Luật Đất đai ở các đơn vị chưa thống nhất dẫn đến những vụ việc tranh chấp đất đai hầu hết khi chuyển hồ sơ về trên là quá hạn. Đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải thường kiêm nhiệm nhiều công việc nên chưa dành nhiều thời gian cho việc tiếp cận đối tượng để hòa giải. Kỹ năng hòa giải và kiến thức pháp luật của một số hòa giải viên còn hạn chế dẫn đến có địa phương tỷ lệ hòa giải thành chưa cao. Một số hòa giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải nên kết quả hòa giải còn hạn chế. Trong quá trình hòa giải, một số hòa giải viên ngại va chạm, chưa mạnh dạn, thiếu nhiệt tình nên chưa kịp thời giải quyết các vụ việc phát sinh. Hoạt động hòa giải còn mang tính hình thức, chưa chú trọng chiều sâu; phong trào hòa giải chưa thật sự đồng đều trong phạm vi toàn tỉnh.

KIM PHƯỢNG

----------------------------------------------

Bộ luật Tố tụng dân sự được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, tại chương XXXIII của bộ luật này quy định Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án.

Theo đó, quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, tức là sau khi có quyết định công nhận của tòa án, các bên phải tự nguyện thi hành thỏa thuận của mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của tòa án. Hết thời gian này, bên phải thực hiện nghĩa vụ có điều kiện thực hiện nghĩa vụ mà không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện, bên có quyền được nộp đơn yêu cầu thi hành cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.