Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Sáu, 19/04/2019 | 16:32

Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc tại Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 6 đã chỉ ra rằng, các vùng đồng bào dân tộc sinh sống là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Và Bạc Liêu cũng không ngoại lệ. Để chủ trương giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thật sự đạt hiệu quả như mong đợi, rất cần sự quan tâm chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt là việc ban hành và đưa vào cuộc sống các chương trình, dự án, chính sách cho vùng đồng bào DTTS.

>> Bài 1: Vận dụng chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số - Hiệu quả đến đâu?

Bài 2: Bài toán từ những mô hình kinh tế

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành liên quan luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, đưa kết quả thực hiện các tiêu chí giảm nghèo làm tiêu chí đánh giá, xếp loại hàng năm. Từ đó góp phần giúp công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, nhất là trong việc tạo những mô hình sinh kế cho người dân.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với TP. Bạc Liêu về công tác giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Ảnh: K.P 

Những mô hình sinh kế hiệu quả

Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo được tỉnh cụ thể hóa, vận dụng triển khai có hiệu quả. Các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS như nhà ở, đất ở, y tế, giáo dục… được quan tâm giải quyết, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh áp dụng biện pháp điều tra theo phương thức tiếp cận đa chiều làm căn cứ xác định ưu tiên trong chương trình giảm nghèo kết nối với các dự án khác. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các mô hình, dự án sản xuất có hiệu quả để khuyến khích người dân tham gia sản xuất tăng thu nhập, giảm số lượng hộ nghèo ở nông thôn. Từ đó mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và ngân sách tỉnh hỗ trợ, các mô hình sản xuất nhỏ như nuôi dê, nuôi sò huyết, trồng màu, đan đát, nuôi heo… ra đời, tạo thêm việc làm, sinh kế cho người nghèo.

Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2018 không chỉ góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là các xã, ấp đặc biệt khó khăn, mà còn tạo đà cho phát triển, tăng mức thụ hưởng trực tiếp cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 15,55% năm 2016 xuống còn 4,3% vào cuối năm 2018, trong đó, hộ nghèo người DTTS giảm từ 5.283 hộ xuống còn 1.616 hộ vào cuối năm 2018.

Trong các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, nguồn vốn phân bổ của Trung ương cho tỉnh trong 3 năm liền kề là gần 13 tỷ đồng. Hàng năm tỉnh phân bổ về cho các xã, ấp thụ hưởng Chương trình 135 theo quy định (300 triệu đồng/xã/năm, 50 triệu đồng/ấp/năm) để thực hiện các nội dung hỗ trợ theo quy định ghi trong dự án.

Mô hình nuôi dê tạo thêm việc làm, sinh kế cho hộ người dân tộc ở xã Điền Hải (huyện Đông Hải). Ảnh:  P.T.C

Hạn chế từ những chính sách chồng chéo, manh mún

Các chương trình mục tiêu về giảm nghèo, trong đó có Chương trình 135 dành cho vùng đồng bào DTTS là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, làm thay đổi diện mạo cuộc sống cho cộng đồng các khu vực có đông đồng bào DTTS. Tuy nhiên, có một số mục tiêu nhưng lại có nhiều chương trình cùng triển khai, và việc lồng ghép thực hiện đôi khi lại không mang đến hiệu quả do các chương trình không có điểm thống nhất, khó áp dụng như nhau. Đơn cử như dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện đấu thầu phải theo Luật Đấu thầu. Song, các dự án này quy mô nhỏ, lại ở vùng sâu, vùng xa, ít có nhà thầu tham gia. Tuy có nhiều chính sách ban hành để thực hiện, nhưng nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư thấp, chưa kịp thời nên chưa phát huy tốt hiệu quả dự án.

Hay như vướng mắc từ Thông tư 15/2017 của Bộ Tài chính mà huyện Hòa Bình và nhiều địa phương khác gặp phải. Đó là cuối năm 2017, tỉnh phân bổ kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển và các xã nằm trong Chương trình 135. Huyện Hòa Bình đã lập đề án để hỗ trợ cho bà con nhưng đến ngày cuối cùng của tháng 12/2018 mới triển khai cho 342 hộ nghèo vay. Việc kéo dài trong thực hiện một chủ trương xuất phát từ các quy định chồng chéo đã gây khó khăn cho các địa phương. Đồng thời việc chọn các hộ được hỗ trợ vốn thực hiện một cách vội vàng, gấp gáp (gần như chỉ chia bình quân 5 triệu đồng/hộ) nên nhiều hộ khước từ, không nhận vốn.

Giảm nghèo ồ ạt - lợi bất cập hại

Cuối năm 2017, xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và được công nhận xã NTM vào đầu năm 2018. Theo quy định của Chính phủ, việc công nhận 1 xã NTM phải đạt rất nhiều tiêu chí, trong đó, hầu hết đều không còn chuẩn để được hỗ trợ các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, hay dành cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực bãi ngang ven biển. Điều này gây hụt hẫng cho nhân dân ở một số địa phương như xã Vĩnh Trạch Đông, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, lại là khu vực bãi ngang ven biển, lâu nay luôn nhận rất nhiều hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

Việc đạt chuẩn NMT kèm theo đó là mất khá nhiều quyền lợi về bảo hiểm y tế, các hỗ trợ sinh kế cũng gây nhiều khó khăn cho nhân dân và chính quyền địa phương. Vì vậy, xã Vĩnh Trạch Đông đề nghị Trung ương nên xem xét, có chế độ riêng cho các địa phương có đông đồng bào DTTS thuộc khu vực bãi ngang ven biển.

Điều này có thể thấy một thực trạng là tâm lý chạy theo thành tích trong việc xây dựng NTM. Để đạt chuẩn NTM theo tiến độ, không ít địa phương sẵn sàng xin nợ một số tiêu chí, cho đạt những tiêu chí mà lẽ ra chưa đạt… Do vậy, niềm vui đạt chuẩn NTM chưa bao lâu thì địa phương phải đối mặt với khó khăn khi nhiều chế độ, chính sách không còn được hỗ trợ. Những thiệt thòi này ngày càng trở thành thách thức nếu địa phương đó có đông đồng bào DTTS sinh sống.

Kim Phượng

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.