Huyện Hồng Dân: Loay hoay xử lý việc hỗ trợ người chăn nuôi

Thứ Tư, 10/06/2020 | 15:53

Là huyện cuối cùng của tỉnh công bố bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) và cũng là địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh với gần 27.000 con trước khi công bố dịch, những tưởng Hồng Dân đã học hỏi và tự đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong công tác chống dịch từ các địa phương khác. Thế nhưng, khi dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh, Ban chỉ đạo phòng chống DTHCP huyện Hồng Dân lại tỏ ra khá lúng túng trong việc xử lý.

Dân nói: có…

Ông Nguyễn Văn Hột (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Do tổng đàn nuôi trong dân lớn nhưng lại thiếu việc giám sát của cơ quan chuyên môn nên khi thấy heo nuôi có dấu hiệu nhiễm bệnh, nhiều hộ đã tự ý bán tháo để mong thu hồi chút vốn liếng đã đầu tư. Số còn lại do không được chính quyền địa phương quan tâm xử lý theo đúng quy trình, kỹ thuật nên nhiều hộ không có điều kiện chôn lấp đã vứt xác heo chết ra sông. Chỉ một số ít heo còn lại trong chuồng của bà con là được cán bộ thú y cơ sở thống kê và đây cũng là căn cứ để Ban chỉ đạo phòng chống DTHCP huyện áp dụng để chi tiền hỗ người chăn nuôi”. Vấn đề này cũng đã được người dân phản ánh trong chuyến thị sát, tìm hiểu về công tác phòng chống dịch bệnh ở huyện Hồng Dân của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do ông Trịnh Hoài Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT làm trưởng đoàn vào ngày 13/3/2019.

Bức xúc trước cách làm trên, nhiều hộ chăn nuôi đã gửi đơn kiến nghị UBND huyện Hồng Dân xem xét, giải quyết thấu tình, đạt lý, đúng trình tự pháp luật. Ông Đỗ Văn Nghiệp (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) bày tỏ: “Lúc heo có dấu hiệu nhiễm bệnh DTHCP, chủ đàn heo thông báo cho cán bộ thú y tới để lấy mẫu xét nghiệm thì chẳng thấy ai. Đến khi heo chết, nhờ cán bộ thú y đến cân trọng lượng, ghi nhận mức độ thiệt hại và phụ hộ nuôi chôn lấp, xử lý đúng kỹ thuật… thì họ cũng không màng tới. Heo chết, chẳng lẽ để trương sình trong chuồng bốc mùi hôi thối, nên người nuôi đành đào vội cái hố chôn lấp tạm, hoặc mang thả trôi dưới sông. Bây giờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì họ nói bà con tự chôn heo, tự xử lý heo chết nên không có căn cứ để hỗ trợ. Rõ ràng, đây là việc làm thiếu trách nhiệm với dân. Chúng tôi không đồng tình với cách giải quyết của lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện về vấn đề này”.

Vớt xác heo chết do mắc bệnh dịch tả heo châu Phi bị vứt trôi sông về điểm chôn lấp tập trung ở huyện Hồng Dân. Ảnh: K.N

…Chính quyền bảo: không?

Qua xác minh, giải quyết nội dung yêu cầu của 20 hộ dân thuộc xã Ninh Quới, UBND huyện Hồng Dân đã có văn bản trả lời cụ thể như sau: “Theo các hộ dân có đơn yêu cầu trình bày thì thời điểm heo của các hộ dân chết hầu hết xảy ra trước thời điểm UBND xã Ninh Quới tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả dương tính với bệnh DTHCP theo phiếu kết quả xét nghiệm ngày 13/8/2019 của Chi cục Thú y vùng VII. Cũng theo trình bày của các hộ dân là có trình báo đến chính quyền địa phương khi heo chết; tuy nhiên qua quá trình làm việc của tổ xác minh thì không có chứng cứ và cơ sở để kết luận cán bộ xã thiếu trách nhiệm, không xử lý các thông tin của người dân trình báo có đàn heo bị thiệt hại do nghi mắc bệnh DTHCP. Đồng thời, các hộ dân có đơn yêu cầu cũng cho biết khi heo bệnh thì tự mua thuốc về điều trị, hoặc bán cho thương lái, đối với heo chết thì tự tiêu hủy...”.

Vì vậy, theo huyện, cũng không có cơ sở, chứng cứ để xác định tình trạng heo bị thiệt hại theo như yêu cầu của các hộ dân. “Trong công tác phòng chống, xử lý DTHCP, huyện đã làm đúng và đầy đủ các yêu cầu cần thiết. Còn về các khiếu nại của bà con liên quan đến việc hỗ trợ thiệt hại heo chết do DTHCP thì huyện đã chỉ đạo các bên có liên quan tiến hành đối thoại trực tiếp với người dân. Nếu cá nhân hay đơn vị nào làm sai thì sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho bà con”, ông Nguyễn Văn Thới - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, khẳng định.

Còn nhớ, khi dịch bệnh mới bùng phát trên địa bàn, UBND huyện Hồng Dân cũng đã chậm công bố dịch. Lý giải cho việc chậm trễ này, theo lãnh đạo UBND huyện thì địa phương đã ghi nhận kịp thời số heo nghi mắc bệnh và đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý tiêu hủy theo quy định. Trong khi địa phương đang tổ chức thống kê để báo cáo Ban chỉ đạo tỉnh, thì bất ngờ từ ngày 14/8/2019, dịch bệnh bùng phát dữ dội nên địa phương chưa kịp thống kê, báo cáo bằng văn bản, công bố dịch theo quy định?!

Chính vì sự chậm trễ “đúng quy trình” theo cách lý giải của lãnh đạo huyện mà hàng trăm hộ chăn nuôi heo giờ đây phải lâm vào cảnh khổ vì không nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào do tự xử lý dịch bệnh theo “hướng dẫn” của cán bộ thú y cơ sở. Nỗi khổ này, chính quyền địa phương có thấu?!

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.