Khai thác đất mặt ruộng không giấy phép sẽ bị xử lý và xử phạt hành chính

Thứ Tư, 07/06/2023 | 16:49

Việc lấy đất mặt ruộng có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36 ngày 24/3/2020 xử phạt các hành vi khai thác khoáng sản không giấy phép, kể cả đất mặt ruộng.

Ngày 7/4/2022, ông T.T.Q được 5 hộ dân thuê cải tạo đất tại nhà của 5 người này. Phần đất dư ra sau khi cải tạo thì 5 người này cho ông Q., ông chở đi lấp ao ở nhà ông và phần còn lại ông bán cho 2 người dân khác đang cần san lấp mặt bằng. Trong quá trình chở đất thì ông bị cơ quan có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính xử phạt ông Q. về hành vi khai thác khoáng sản (đất) làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có giấy phép khai thác khoáng sản (đất) của cơ quan có thẩm quyền với tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50m3 trở lên (1.0006,376m3).

Ông Q. cho rằng bản thân không kinh doanh mua bán đất thịt, chỉ là được 5 hộ dân nhờ cải tạo đất, phần đất dư ra nếu không mang đi cũng không có chỗ để bỏ, nên việc ông chở đất hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Từ đó ông Q. đã khởi kiện ra tòa án để yêu cầu hủy toàn bộ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản. Trong đó, bồi thường tiền mất thu nhập từ nguồn hoạt động của xe mỗi ngày là 500.000 đồng; bồi thường tiền công lao động của người điều khiển xe bị thất nghiệp, mức lao động của người lái xe mỗi ngày 400.000 đồng theo quy định của pháp luật kể từ ngày 7/4/2021. Vụ việc đã được tòa án thụ lý và đang trong quá trình giải quyết.

Đối chiếu với các quy định pháp luật, dễ dàng nhận thấy, hành vi của ông Q. đã vi phạm quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 47 Nghị định 36 ngày 24/3/2020 của Chính phủ, mức tiền phạt là từ 40 - 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn liên quan đến Luật Khoáng sản và hướng dẫn của Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam về xác định và xử lý vi phạm hành chính đối với việc khai thác đất mặt trên ruộng lúa, ao nuôi trồng thủy sản ngoài phạm vi quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đã xác định hoạt động khai thác đất nêu trên để “chuyển đi nơi khác bán cho người dân trong vùng để san lấp mặt bằng” là hành vi vi phạm pháp luật được xử lý theo quy định tại điểm b, khoản 1 và khoản 4 Điều 43 Nghị định 36 ngày 24/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Dựa theo các quy định này, nếu cá nhân có hành vi khai thác đất (không cần biết mục đích là gì) mà không có giấy phép là sẽ bị xử lý vi phạm và bị xử phạt hành chính. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, hành vi khai thác đất phải được Nhà nước cho phép và cấp phép hoạt động, mọi hành vi khai thác đất mà không xin phép đều là vi phạm. Ngoài hình thức phạt tiền, còn có thể bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm; trong một số trường hợp (có tiền sự) còn có thể bị khởi tố theo Điều 227 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

KIM KIM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.