Một số điều cần biết về việc nâng tuổi nghỉ hưu

Thứ Tư, 04/12/2019 | 16:45

Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 đã chính thức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (khóa XIV) vào ngày 20/11/2019 với nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý nhất là vạch ra một lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.

Tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được nâng lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ. Ảnh minh họa: Internet

BLLĐ năm 2019 có 17 chương, 220 điều được thông qua đã kết thúc những tranh luận về độ tuổi nghỉ hưu, khung giờ làm thêm, ngày nghỉ lễ... Việc chính thức tăng tuổi nghỉ hưu đã nhận được sự đồng tình của đại đa số người lao động (NLĐ). Bởi trong điều kiện hiện nay, tuổi trung bình của người dân Việt Nam tăng cao, nên việc tăng tuổi nghỉ hưu như vậy là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo không còn trường hợp sức lao động còn tốt, khả năng cống hiến cho xã hội còn nhưng đã phải nghỉ hưu.

Lộ trình tăng độ tuổi nghỉ hưu theo phương án tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh tăng dần. Điều này có nghĩa đến năm 2028 mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, và đến năm 2035 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60.

Cụ thể, tại Điều 169 BLLĐ (sửa đổi) năm 2019 quy định về tuổi nghỉ hưu như sau: NLĐ bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. NLĐ bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Hiện nay, so với BLLĐ năm 2012 thì tuổi nghỉ hưu của NLĐ tăng thêm 2 năm đối với nam, 5 năm đối với nữ. Đối với NLĐ làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vùng sâu, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, hoặc NLĐ làm việc bị suy giảm sức khỏe từ 61 - 81%... thì được giảm thời gian làm việc và về hưu ở độ tuổi thấp hơn 5 năm, thậm chí thấp hơn đến 12 năm. Luật cũng quy định với những NLĐ có trình độ, năng lực, có sức khỏe mà chủ sử dụng lao động cần và NLĐ mong muốn thì có thể kéo dài thời gian lao động tối đa thêm 5 năm nữa…

Kim Kim

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.