Phạt nặng hành vi vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Thứ Sáu, 29/12/2017 | 16:30

Ban chỉ đạo 389 tỉnh kiểm tra hàng hóa thiết yếu tại siêu thị Co.opmart Bạc Liêu. Ảnh: T.Q

Từ ngày 15/12/2017, Nghị định 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã chính thức có hiệu lực. So với quy định cũ, nghị định này tăng nặng hình thức xử phạt đối với nhiều lỗi vi phạm. Liên quan đến nghị định này, ông Hà Thanh Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết:

Đối tượng điều chỉnh theo Nghị định 119 là những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, sản phẩm lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, nghị định cũng điều chỉnh đối với những hành vi vi phạm của kiểm định viên, tổ chức kiểm định; kỹ thuật viên hiệu chuẩn, tổ chức hiệu chuẩn; kỹ thuật viên thử nghiệm, tổ chức thử nghiệm.

Nếu là hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng thì khi đưa ra thị trường vẫn phải chịu sự điều chỉnh của nghị định này (vẫn bị xử phạt vi phạm hành chính).

PV: Thưa ông, hình thức xử phạt vi phạm có gì khác hơn so với quy định cũ?

Ông Hà Thanh Hải: So với Nghị định 80/2013/NĐ-CP, Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định cụ thể, đầy đủ hơn, chi tiết và phù hợp với diễn biến tình hình vi phạm hiện nay. Nghị định 119 thêm các nội dung mới như sau: Phạt cảnh cáo nếu lợi dụng giải thưởng chất lượng quốc gia được trao tặng để gây tổn hại đến uy tín của giải thưởng chất lượng quốc gia; Phạt tiền từ 30 - 70 triệu đồng nếu vi phạm về hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm là chất oxy hóa, các hợp chất oxit hữu cơ, các chất ăn mòn; Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định trong sản xuất mũ bảo hiểm khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc sử dụng giấy chứng nhận đã hết hiệu lực; Phạt tiền 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, pha chế khí, xăng dầu khi chưa được cấp giấy chứng nhận hoặc sử dụng giấy chứng nhận đã hết hiệu lực.

Hình thức phạt tiền cao hơn so với Nghị định 80/2013/NĐ-CP như sau: Vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng (Khoản 1 Điều 17 phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định trong sản xuất hoặc nhập khẩu, Nghị định 80 mức phạt chỉ có 2 - 4 triệu đồng; Điểm a khoản 2 Điều 17 phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, hoặc nhập khẩu sản phẩm hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, Nghị định 80 mức phạt chỉ 6 - 10 triệu đồng; Điểm a khoản 4 Điều 31 phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5 triệu đồng, đối với hành vi kinh doanh hàng hóa phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa, Nghị định 80 mức phạt chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 - 300 ngàn đồng…).

PV: Mức phạt tiền thấp nhất và tối đa theo Nghị định 119 là bao nhiêu? Nếu so với quy định cũ thì tăng nhiều hay ít và liệu có đủ sức răn đe đối tượng vi phạm?

Ông Hà Thanh Hải: Mức phạt thấp nhất của Nghị định 119 là 100 ngàn đồng đối với cá nhân và 200 ngàn đồng đối với tổ chức. Phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức 200 triệu đồng. Phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng. Mức phạt tối đa theo Nghị định 119 không tăng so với Nghị định 80. Tuy nhiên, mức phạt tiền theo từng hành vi cụ thể tăng lên gấp nhiều lần, có những hành vi xử phạt 2 - 4 triệu đồng theo Nghị định 80 thì tăng lên 10 - 20 triệu đồng theo Nghị định 119.

PV: Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã được Chi cục Quản lý thị trường chuẩn bị ra sao, thưa ông?

Ông Hà Thanh Hải: Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trên, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội Quản lý thị trường trực thuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; không vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại trên thị trường. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian trước, trong và sau tết Nguyên đán. Các mặt hàng tập trung kiểm tra, gồm: thuốc lá, thực phẩm, thực phẩm công nghệ (rượu, bia, nước giải khát, bánh, mứt kẹo, các sản phẩm từ bột, tinh bột, thực phẩm đông lạnh…); vải sợi và quần áo may sẵn; mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh; vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, điện tử, điện gia dụng; vàng trang sức, mỹ nghệ; dịch vụ trao đổi ngoại hối; dịch vụ vận chuyển, dịch vụ trong giữ xe…

Ngoài ra, Chi cục Quản lý thị trường còn chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban chỉ đạo 389 của tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tấn Đạt (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.