Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở: Còn lắm khó khăn!

Thứ Tư, 12/06/2019 | 16:22

Sự ra đời của Luật Hòa giải ở cơ sở (HGƠCS) đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong công tác HGƠCS, đáp ứng  yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống cộng đồng dân cư ngày càng tăng. Bạc Liêu xem Luật HGƠCS là một trong những tiền đề quan trọng để sớm chấm dứt khiếu nại - tố cáo từ cơ sở. Tuy nhiên, để hoạt động này thật sự đạt hiệu quả, phải có sự quan tâm của các cấp, các ngành từ nhận thức đến hành động.

Tập huấn kiến thức pháp luật cho hòa giải viên cơ sở năm 2018. Ảnh: T. Sơn

Một tiểu phẩm trong Hội thi hòa giải viên giỏi năm 2016. Ảnh: K.P

CÔNG TÁC HGƠCS VÀ HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Luật HGƠCS đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động HGƠCS đi vào nền nếp, đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ hòa giải thành tăng ở một số địa phương đã minh chứng cho việc thực hiện hiệu quả Luật HGƠCS.

Qua hơn 5 năm thi hành Luật HGƠCS, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác HGƠCS đã được nâng lên đáng kể. Tỉnh đã tổ chức nhiều hội thi Hòa giải viên giỏi để tạo sân chơi bổ ích, vừa cung cấp thêm kiến thức pháp luật về hòa giải cho các hòa giải viên cơ sở. Nhiều địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về HGƠCS, khen thưởng các hòa giải viên tiêu biểu, trích kinh phí hỗ trợ hoạt động hòa giải. Qua đó khích lệ, động viên hòa giải viên phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của công tác HGƠCS.

Ở các địa phương trong tỉnh, số lượng hòa giải viên ngày càng tăng. Đơn cử như TP. Bạc Liêu đã công nhận 67 tổ hòa giải khóm, ấp gồm 399 hòa giải viên. Ở những vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer (như xã Vĩnh Trạch Đông), thành phần tổ hòa giải có đại diện người dân tộc thiểu số. Trình độ của các hòa giải viên từ trung học trở lên, một số hòa giải viên có chuyên môn Luật. Thời gian qua, TP. Bạc Liêu  đã hòa giải 1.105 trường hợp, trong đó hòa giải thành 825 vụ mâu thuẫn, tranh chấp, chiếm tỷ lệ 74,70%. Thành phố cũng là đơn vị thực hiện chi hỗ trợ cho hoạt động hòa giải theo quy định.

Còn huyện Vĩnh Lợi có 77 tổ hòa giải, trong 5 năm qua đã đưa ra hòa giải 2.455 vụ việc và hòa giải thành 1.997 trường hợp, đạt trên 82%. Phòng Tư pháp huyện trực tiếp hỗ trợ về mặt nghiệp vụ cho các tổ hòa giải, đối với những vụ việc khó thì tham gia với các tổ hòa giải để tháo gỡ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác HGƠCS nên thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, nguồn lực cho công tác này. Không ít địa phương còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo của cấp trên; chưa chủ động hướng dẫn, tổ chức hoạt động, tập huấn pháp luật, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên.

CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HGƠCS

Hiện nay, kinh phí dành cho công tác HGƠCS rất hạn hẹp, chủ yếu được bố trí chung trong kinh phí chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật, nên việc tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ hay cung cấp tài liệu nghiệp vụ HGƠCS cho hòa giải viên chưa được thực hiện thường xuyên. Từ đó hòa giải viên gặp khó khăn khi đưa ra hướng giải quyết mâu thuẫn cho các bên, nhất là khi vụ việc tranh chấp liên quan đến các quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả HGƠCS chưa cao, không đồng đều; không ít vụ việc hòa giải không kịp thời hoặc hòa giải qua loa, chiếu lệ. Đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động, tổ hòa giải ở một số nơi có những thời điểm không đủ số lượng hòa giải viên, hoặc đủ số lượng nhưng không có hòa giải viên nữ, hòa giải viên là người dân tộc thiểu số (theo quy định của Luật HGƠCS). Chưa huy động được lực lượng luật sư, luật gia trong công tác HGƠCS; chưa gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động HGƠCS với hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật. Trình độ học vấn, kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải của phần lớn hòa giải viên còn thấp. Cả nước có 651.215 hòa giải viên nhưng chỉ có 28.006 người có trình độ chuyên môn Luật, chiếm tỷ lệ 4,3%.

Trong đợt khảo sát tình hình thực hiện Luật HGƠCS của Sở Tư pháp (tháng 4/2019), hầu hết các địa phương trong tỉnh đều gặp khó khăn trong việc nâng cao, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Địa phương nào cũng đề xuất tỉnh cần tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền pháp luật giỏi để tăng cường khả năng áp dụng pháp luật, từ đó mới lan tỏa ra quần chúng nhân dân. Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, tỉnh không tổ chức cuộc thi, hội thi nào bởi không có kinh phí cho hoạt động này.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần tổ chức các cuộc thi, hội thi tuyên truyền pháp luật, HGƠCS (mở rộng về nội dung và hình thức) thì mới có thể phát huy hiệu quả tuyên truyền cũng như giúp người dân nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật. Đừng để khi xảy ra tranh chấp dẫn đến khiếu nại vượt cấp thì mới tổ chức nhiều đoàn, nhiều ngành đi giải quyết. Việc làm này vừa tốn kém kinh phí, vừa làm giảm lòng tin của người dân. Hơn nữa, cùng với các chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại - tố cáo; sự tập trung của các cấp, các ngành trong công tác giải quyết khiếu nại - tố cáo cho thấy tầm quan trọng của hoạt động HGƠCS. Từ đó vai trò của công tác HGƠCS cũng nên được đánh giá và nhìn nhận một cách thấu đáo.

KIM PHƯỢNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.