Tìm giải pháp để làm dừng, làm giảm người nghiện ma túy

Thứ Sáu, 06/09/2019 | 15:30

Từ hội nghị chuyên đề về công tác cai nghiện ma túy (CNMT) và quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện do UBND tỉnh tổ chức mới đây cho thấy, còn quá nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ, quan tâm nhiều hơn để vấn đề CNMT mang lại kết quả như mong đợi.   

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (ngồi giữa) thăm hỏi, động viên học viên nữ cai nghiện ma túy tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: T.Đ

MA TÚY "PHỦ" KHẮP MIỀN QUÊ

Tính đến ngày 30/6/2019, toàn tỉnh có 1.721 người sử dụng trái phép chất ma túy (MT). Bình quân hàng năm trên địa bàn tỉnh phát sinh mới trên 200 người nghiện (NN). Thống kê của UBND tỉnh cho thấy, NNMT ngày càng trẻ hóa, độ tuổi từ 18 - 30 chiếm 69,1%, nam giới chiếm 95,5%; 59/64 xã, phường, thị trấn có NNMT (chiếm 92,3%) và tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều có NNMT. NNMT có xu hướng chuyển dần từ sử dụng cần sa, heroin sang MT tổng hợp (chủ yếu MT đá, chiếm 88,8%). Bởi với sự ngộ nhận, nhiều người sử dụng MT cho rằng, MT đá không gây nghiện. Thực tế cho thấy, người sử dụng MT tổng hợp, MT đá đều bị nghiện và một khi đã nghiện thì rất dễ bị rối loại tâm thần, có hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.

Đa số NNMT trên địa bàn tỉnh là những thanh niên chơi bời lêu lỏng, thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình dẫn đến việc bị bạn bè xấu lôi kéo, dụ dỗ để rồi sau đó trở thành tay em, tiếp tay mua bán MT để có tiền sử dụng trái phép chất MT. Và do chưa hiểu hết về tác hại của MT nên nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục và các vấn đề khác về sức khỏe của NNMT là rất cao.

Chỉ tính từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Công an, Y tế phối hợp với ngành chức năng tiến hành cảm hóa, giáo dục và qua kiểm tra 2.200 lượt người có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất MT, đã phát hiện 1.328 lượt người có kết quả dương tính với chất MT. Trên cơ sở đó, đã lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn 595 trường hợp; đưa đi cai nghiện bắt buộc 407 người; phạt tiền 217 trường hợp với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, lực lượng đã triệt phá 166 vụ, liên quan 352 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về MT (tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất MT). So với 1 năm trước đó, số vụ phát hiện, triệt phá nhiều hơn 37 vụ, 102 đối tượng.

Dạy nghề đan ghế cho học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh.  Ảnh: T.Đ

HẦU HẾT TÁI NGHIỆN SAU CAI NGHIỆN

Theo đánh giá của UBND tỉnh, do chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nên đến thời điểm hiện tại, tỉnh vẫn chưa thực hiện được công tác CNMT tại gia đình, cộng đồng; chủ yếu thực hiện công tác cai nghiện tập trung tại Cơ sở CNMT tỉnh. Tỉnh đang thử nghiệm điều trị nghiện MT bằng một số thuốc đông y do Việt Nam sản xuất.

Tính đến ngày 31/5/2019, tỉnh đã điều trị nghiện MT bằng thuốc Methadone cho 234 người. Sau khi điều trị thử nghiệm, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án ứng dụng thuốc Cedemex trong hỗ trợ điều trị nghiện MT (bao gồm tại Cơ sở CNMT và tại gia đình, cộng đồng). Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ sử dụng thuốc Cedemex để hỗ trợ điều trị cắt cơn, CNMT cho 450 NNMT nhóm Opiats (thuốc phiện, cần sa, heroin). Trong đó, tại Cơ sở CNMT 195 người, tại gia đình, cộng đồng 255 người.

Nghị định 94 của Chính phủ chỉ quy định áp dụng biện pháp quản lý sau CNMT đối với người CNMT bắt buộc, không áp dụng đối với người cai nghiện tự nguyện. Do đó, chưa có cơ chế quản lý các đối tượng CNMT tự nguyện sau khi hết hạn cai nghiện. Mặt khác, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng không có quy định các biện pháp xử lý hành chính là quản lý sau CNMT; do đó áp dụng biện pháp quản lý sau CNMT trong tỉnh không thực hiện được.

Người sau CNMT khi về địa phương có nơi quy định định kỳ phải trình báo chính quyền địa phương chứ cán bộ chưa trực tiếp đến gia đình gặp gỡ để hỗ trợ, giúp đỡ người sau CNMT nên tỷ lệ người sau cai nghiện tái nghiện đến trên 90%.

Ông Vương Phương Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế xác định địa bàn bức xúc về tệ nạn MT để triển khai thí điểm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực theo cụm xã để tổ chức cắt cơn, giải độc cho NNMT. Vấn đề này cần có đề án cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt. Nói về quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam hoan nghênh một doanh nghiệp chuyên về may, in, thiết kế quảng cáo ở huyện Phước Long đã mời gọi, tiếp nhận người sau CNMT vào làm việc; đồng thời, muốn trong tỉnh có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp như vậy. Doanh nghiệp nào tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện sẽ được tỉnh hỗ trợ bằng nhiều chính sách tùy vào quy mô, nhu cầu và điều kiện cụ thể.    

...............................................................................................................................................................................................................................

Bằng nguồn ngân sách địa phương, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách mới về cai nghiện ma túy là “Người nghiện ma túy cư trú trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu được miễn toàn bộ chi phí trong thời gian cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh”.   

...............................................................................................................................................................................................................................

TẤN ĐẠT

 

Ý kiến

Bà Lê Hồng Thu - Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu: Cần có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp nhận người sau cai nghiện vào làm việc

Sở LĐ-TB&XH cần có hướng dẫn cụ thể công tác quản lý, đưa đi cai nghiện đối với người tái nghiện ma túy. Trên thực tế, người tái nghiện, công tác xử lý, đưa đi cai nghiện còn gặp khó khăn, lúng túng, do hiện nay chưa có văn bản quy định về xử lý người tái nghiện. Việc tiếp cận, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện phải bằng những biện pháp thiết thực, phù hợp với từng người. Cần tăng cường công tác dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm, cho vay vốn đối với người sau cai nghiện.

UBND tỉnh cần có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp nhận người sau cai nghiện vào làm việc.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế: Công tác điều trị còn gặp nhiều khó khăn

Hiện nay, các cơ sở y tế tuyến huyện không có khoa tâm thần, chưa bố trí khu vực cách ly riêng để tạo điều kiện ăn, ở, vệ sinh cho người nghiện trong thời gian điều trị cắt cơn, cũng như để xác định tình trạng nghiện; còn Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu thì không đủ điều kiện tiếp nhận người nghiện ma túy từ tuyến dưới chuyển lên để xác định tình trạng nghiện (cơ sở vật chất, trang thiết bị, an ninh trật tự…).

Bên cạnh đó, cán bộ chuyên khoa về tâm thần còn thiếu và thường xuyên bị thay đổi. Thuốc chống loạn thần điều trị ma túy loại Amphetamin không có, nhất là tuyến huyện. Kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị cũng không có. Ngành Y tế không có cơ sở giữ người nghiện ma túy để xác định tình trạng nghiện từ 3 - 5 ngày.

Sở Y tế đề xuất cần sớm đưa bệnh viện tâm thần đi vào hoạt động. Cần thay đổi mô hình xây dựng trạm y tế, có đủ điều kiện quản lý tốt bệnh nhân. Tỉnh cần bố trí nguồn nhân lực đầy đủ…

Ông Nguyễn Hùng Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Mở rộng cơ sở cai nghiện

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2000 với tổng diện tích 6,3ha, gồm 30 phòng ở cho học viên, có sức chứa tối đa từ 250 - 300 học viên. Để giải quyết tình trạng quá tải học viên (đã nhận tối đa lên đến 380 học viên), đáp ứng yêu cầu cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư xây dựng thêm phòng ở cho học viên với tổng kinh phí 13,8 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2021. Nếu dự án mới hoàn thành sẽ bổ sung thêm 24 phòng ở mới, nâng tổng số phòng ở cho học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh lên 54 phòng, với sức chứa từ 750 - 800 học viên.

T.Đ (lược ghi)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.