Ký ức một thời

ÂN TÌNH DẠ CỔ…

Thứ Sáu, 10/09/2021 | 16:27

“Đời người là một cuốn sách. Có người đọc chậm, có người đọc lướt. Nhưng ai cũng chỉ được đọc cuốn sách ấy một lần trong đời”. Tôi từng chép một danh ngôn với nội dung như vậy. Đôi khi có bài viết cộng tác với chuyên mục “Ký ức một thời” của Báo Bạc Liêu, đó cũng không nằm ngoài tâm cảm ấy. Gần 4 năm làm việc bên ngành VH-TT&DL Bạc Liêu, với tôi là cái duyên may. Tôi gõ những dòng này vào dịp tròn 10 năm tạm biệt ngành để về nơi công tác mới với niềm hàm ơn những ngày tháng ấy. Với tôi, quãng thời gian ấy thật sự là một trường đại học của đời mình.

Giây phút vui mừng trên sân khấu khi lễ khai mạc các hoạt động kỷ niệm 90 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang kết thúc (tháng 9/2009). Ảnh: Phan Thanh Cường

Ở cái ngành “văn thể du gia” ấy, ngày lễ tết và giờ nghỉ lại là những ngày, những giờ tất bật. Có những đêm thức với anh em tới 1 - 2 giờ sáng ở sân khấu ngoài trời. Sự kiện kết thúc, mọi người ai về nhà nấy và chìm vào giấc ngủ thì anh em hậu đài còn lui cui thu dọn. Đằng sau những ánh đèn lấp lánh trên sân khấu, vẫn luôn có những đóng góp thầm lặng của anh em chốn hậu đài… Phải cái tật hay nhớ chuyện xưa, tôi hay mường tượng lại cảnh Duy Năng ôm ghi-ta ngồi đệm đàn cho anh em hát trên sân khấu chờ sáng trước Trung tâm Hội nghị tỉnh; Ngọc Mai của Trung tâm Văn hóa tỉnh, vừa về dự phát tang cha ruột đã vội quay lên, bước ra sân khấu trong một sự kiện quan trọng của tỉnh; nhớ những tô cháo nóng mỗi khi anh em nghệ sĩ, diễn viên kết thúc đêm diễn dưới huyện…

Chắc ai cũng ít nhất một lần nghe bản tân cổ giao duyên “Dòng sông quê em” quen thuộc, nhưng đâu phải ai cũng biết rằng, soạn giả Huyền Nhung tuy quê Long An nhưng lại là nàng dâu của Giá Rai (Bạc Liêu) như chính cô kể tôi nghe trong một lần gặp gỡ. Soạn giả Thanh Hiền, tác giả bản vọng cổ “Chuyến xe Tây Ninh” thì trong một đêm ngồi dự Lễ giỗ Tổ cổ nhạc dưới Đoàn cải lương Cao Văn Lầu đã chỉ cho tôi cách đánh trống khai hội, dành cho những dịp khai hội, khai lễ, khai giảng, khai trường; tôi nghe được từ các cô, các chú về điệu thức Hành Vân nhẹ nhàng, buồn vui lẫn lộn, khi buồn thì ca hơi Ai, lúc vui thì ca hơi Xuân; điệu Lý con sáo màu sắc trữ tình, thôn dã, hồn nhiên, đằm thắm… thường dùng cho vai nữ; hay điệu thức sáu âm trong cải lương còn được gọi là Ngựa ô Nam; tôi được gặp, được học từ những người khác nữa và những điều hay khác nữa; nhất là được diện kiến một thần tượng của mình - nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, người đã cho tôi những bài học mang tính triết lý, đúc kết từ quan niệm sống và trải nghiệm cuộc sống của ông.

Có một kỷ niệm không thể nào quên, đó là đêm khai mạc các hoạt động kỷ niệm 90 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang. Dịp ấy, Giám đốc Sở VH-TT&DL (chị Ái Nam) đi công tác nước ngoài; anh Chí Thiện là Phó Giám đốc Thường trực… Cả ngày hôm đó mưa gió, giông lốc hãi hùng, những tưởng không thể khai hội. Vậy rồi, gần giờ lên sóng truyền hình trực tiếp thì mưa ngớt hạt; trăng Trung thu mỗi lúc mỗi lên cao. Đêm diễn kết thúc trong niềm vui khôn tả ngoài sức tưởng tượng. Mọi người reo lên vui mừng “thành công rồi”, rồi ùa lên sân khấu, và chúng tôi đã có một tấm ảnh ý nghĩa với nhiều gương mặt thân quen, như cô Hồng Phương, anh Bảy Chánh, nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, anh em trong ngành VH-TT&DL, văn nghệ sĩ, diễn viên, cả các em thiếu nhi mà năm học này bước vào năm thứ hai đại học.

Lại còn một kỷ niệm nhớ đời đã bao lúc ùa về mỗi khi chạy xe qua Hồ Nam của khu Địa ốc. Năm ấy, Lễ hội Dạ cổ hoài lang có Đêm hội trăng rằm. Anh Võ Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh lúc ấy đặt ra cho Sở VH-TT&DL một “đề bài”: “Phải thiết kế và tổ chức cho “ngon” một đêm hội cho tuổi thơ, trong đó phải có tiết mục thả hoa đăng trên mặt nước Hồ Nam”. Mọi chuẩn bị tạm coi là ổn. Vậy nhưng, đến 17 giờ, đang trời quang mây tạnh, chỉ trong mấy phút giông gió đã ập đến, mưa xối xả và gió rít nghe ghê người. Trước mắt tôi và anh em Trung tâm Văn hóa tỉnh, phông sân khấu đổ xuống cái ụp. Chị Ái Nam, Giám đốc Sở đang đi công tác dưới Phước Long, nghe tôi gọi điện báo cáo, nói bằng mọi giá phải dựng phông lên cho kịp giờ tổ chức đêm hội. Chỉ sau cuộc gọi của tôi ít phút, chiếc xe tải nhỏ của Đội Thông tin văn nghệ Khmer lao tới, trên xe, anh Thạch Si Phôl cùng các diễn viên của Đội cùng những thang, cây, giàn giáo… Chỉ nhìn vậy, lòng đã ấm vô cùng. Giông gió ngớt dần và mưa từ từ ngớt hạt. Phông sân khấu dựng xong với sự trợ giúp của chiếc xe cần cẩu công trình đậu gần đó neo cứng khung phông như thách thức gió giông, cũng là lúc mà qua máy bộ đàm, được biết hơn 500 em thiếu nhi của các phường nội ô TP. Bạc Liêu bắt đầu xuất phát từ sân Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Bạc Liêu kéo về Hồ Nam, trong tiếng trống thiếu nhi rộn ràng, lồng đèn náo nức và những con thỏ, con khỉ, chú hề vui nhộn do các diễn viên hóa trang thành. Trong lung linh hoa đăng lan dài mặt nước Hồ Nam và rộn rã niềm vui thơ trẻ của các bé, cùng giọng đọc ngọt ngào của MC Cẩm Tú hóa thân thành chị Hằng Nga, tôi chỉ biết lặng nghĩ về ân tình Dạ cổ.

Còn là bao nhiêu kỷ niệm những lần theo anh Thạch Si Phôl, anh Minh Chiến, anh Long Vĩ đem quân, “đem chuông đi đánh xứ người”; nhớ cảm xúc rất ư khó tả khi bấm máy ghi lại cảnh chiếc ghe Ngo Bạc Liêu xé sóng sông Hậu về nhất, mà chỉ trước đó vài giờ, các tay đua nữ của xóm chùa Đìa Muồng, Vĩnh Phú Đông, Phước Long còn… vạch áo cho con bú vội; đó còn là cái lần “làm mai làm mối” cho nhà báo Cẩm Thúy của Báo Bạc Liêu, kết nối và phỏng vấn GS. Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong một lần tháp tùng cô Bùi Hồng Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi dự Fesstival Huế - năm 2010; có lần còn ao ước với nhà báo chuyên về mảng văn hóa - văn nghệ ấy về một niềm mong, rằng một ngày nào đó Bạc Liêu mình sẽ có một Nhà hát mang tên Cao Văn Lầu.

Còn nhiều lắm những câu chuyện ân tình, làm sao kể hết trong một bài viết nhỏ. Giờ thì tất cả đã xa, tất cả đã thành ký ức. Nhưng những tháng ngày công tác trong ngành VH-TT&DL đã cho tôi nhiều lắm tâm cảm, ý niệm về tình đất, tình người. Đó đang là nguồn năng lượng sống và làm việc, gắn bó tôi với miền “Dạ cổ hoài lang” này. Và tôi xin gọi đó là “ân tình Dạ cổ”.

Y LAN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.