Bạc Liêu: Tìm hướng đi để trở thành "điểm sáng" du lịch ĐBSCL

Thứ Hai, 13/08/2018 | 16:42

Thực hiện chương trình hành động phát triển du lịch năm 2018, Sở VH-TT&DL vừa phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khảo sát các sản phẩm du lịch Bạc Liêu. Thông qua hoạt động này, quê hương bản “Dạ cổ hoài lang” muốn nhận diện rõ mặt ưu điểm cũng như hạn chế trong cách khai thác du lịch, lắng nghe những đóng góp tâm huyết và chân tình mời gọi bạn bè hợp tác cùng phát triển ngành “công nghiệp không khói”.

ẤN TƯỢNG DU LỊCH BẠC LIÊU
Tham gia chuyến khảo sát tại Bạc Liêu có lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố cùng nhiều công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch - dịch vụ lữ hành trong khu vực và TP. HCM. Việc mời những cơ quan, đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực du lịch cho thấy, Bạc Liêu thật sự quyết tâm tạo đột phá từ du lịch, hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và ĐBSCL.
Tại Khu du lịch Nhà Mát, đoàn khảo sát đã có dịp chiêm ngưỡng những làn sóng nước xanh biếc của biển tắm nhân tạo. Hiện nay, ngoài Khu du lịch Vinpearl Land Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bạc Liêu là tỉnh xây dựng được biển tắm nhân tạo có diện tích lớn nhất miền Tây. Đến với điện gió, đoàn được nghe giới thiệu đôi nét về quy mô công trình, tiến độ thực hiện dự án giai đoạn III và những kết quả bước đầu tham gia phát triển du lịch. Năm 2017, điện gió trở thành một trong những điểm du lịch “hot” nhất của ĐBSCL nói chung, Bạc Liêu nói riêng với việc đón tiếp hơn 200.000 lượt khách, mang về doanh thu dịch vụ khoảng 3,5 tỷ đồng.
Chương trình biểu diễn nhạc ngũ âm và nghệ thuật Khmer tại chùa Xiêm Cán được đoàn đánh giá là sản phẩm du lịch đặc biệt, có thể “ăn tiền” du khách. Không chỉ vậy, du khách cũng khó lòng cưỡng lại vẻ đẹp của những công trình kiến trúc được điêu khắc tinh xảo mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Nhắc đến Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng nhất. Điểm du lịch này như một niềm tự hào của người dân Việt Nam, là kho tàng bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đánh giá: “Vài năm gần đây, du lịch Bạc Liêu có bước phát triển ấn tượng so với các địa phương trong khu vực. Mặc dù điều kiện tự nhiên, sắc màu văn hóa của miền Tây khá tương đồng, song Bạc Liêu đã xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù không “đụng hàng”. Đặc biệt, định hướng phát triển của tỉnh  là khai thác loại hình du lịch năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ cung cấp những sản phẩm du lịch “đinh” trong hành trình kết nối miền Tây”.

Đoàn khảo sát thưởng thức nhạc ngũ âm tại chùa Xiêm Cán. Ảnh: H.T  

NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM
Cần phải nhìn nhận thực tế, mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành điểm sáng thật sự của du lịch đất Chín Rồng đang vướng nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, du lịch Bạc Liêu đang gặp khó trong việc bán sản phẩm mặc dù sở hữu nhiều sản phẩm rất độc đáo. Do đó, việc mời đoàn khảo sát nhằm mục đích nhận diện rõ những hạn chế, đề ra giải pháp đồng bộ để nâng cao chuỗi giá trị cho hệ thống sản phẩm du lịch Bạc Liêu.
Ông Lê Phú Dũng, Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Tây Nam bộ, chia sẻ: “Sản phẩm du lịch Bạc Liêu rất độc đáo, việc cần làm là giúp sản phẩm hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của du khách. Cụ thể, tỉnh cần đầu tư tốt hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến các khu du lịch trọng điểm; kêu gọi xã hội xây dựng các loại hình dịch vụ “ăn theo” điểm du lịch (ăn uống, lưu trú, quà lưu niệm, vui chơi - giải trí) giúp người dân phát triển sinh kế; phát triển du lịch gắn với đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... Đặc biệt là chú trọng phát triển những sản phẩm phục vụ du khách nước ngoài. Bởi đây là đối tượng sẽ mang về doanh thu dịch vụ lớn, góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Bạc Liêu”.
Một vấn đề khá quan trọng được nhiều đơn vị đóng góp cho Bạc Liêu là nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch (thuyết minh viên, lễ tân, phục vụ, bảo vệ). Cùng với tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, tỉnh quan tâm hơn đến chế độ chính sách phù hợp để tạo môi trường làm việc tốt giúp đội ngũ này gắn bó, cống hiến hết mình. Suy cho cùng, sản phẩm du lịch có hấp dẫn, làm hài lòng du khách hay không có sự tác động lớn từ đội ngũ này.

HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂN
Bạc Liêu hy vọng, qua hoạt động khảo sát có thể chia sẻ cơ hội hợp tác, chung sức để tạo nên những thành công mới cho lĩnh vực du lịch. Có ý kiến cho rằng, Bạc Liêu đã có một bước đi thể hiện sự khôn ngoan và chân thành. Đó là việc trân trọng mời các công ty, doanh nghiệp lữ hành hàng đầu khu vực và TP. HCM về chiêm ngưỡng và “rao bán” sản phẩm.
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Công ty Vietravel Cần Thơ, cho rằng: “Qua chuyến khảo sát, chúng tôi cảm thấy tiếc vì chưa có nhiều cơ hội hợp tác với Bạc Liêu để đưa các sản phẩm du lịch vào tua miền Tây. Chắc chắn kế hoạch hoạt động của Công ty sẽ có sự bổ sung, hoàn thiện bộ sản phẩm lữ hành đưa du khách đến Bạc Liêu để có những trải nghiệm thú vị về vùng đất và con người nơi này, từng bước giúp Bạc Liêu trở thành điểm nhấn trên cung đường du lịch ĐBSCL”.
Trước sức hấp dẫn của du lịch Bạc Liêu, đại diện Công ty Du lịch Fiditour chi nhánh Cần Thơ cũng đã “bật đèn xanh” về kế hoạch hợp tác. Công ty sẵn lòng được đồng hành với Bạc Liêu trong việc quảng bá sản phẩm du lịch, bàn bạc kế sách phát triển các loại hình dịch vụ để giữ chân du khách.
“Với tâm thế lắng nghe, tiếp thu những quan điểm tiến bộ, Bạc Liêu xem đây là hoạt động để tạo cú hích phát triển du lịch theo đúng định hướng của du lịch ĐBSCL, khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh vốn có của tỉnh. Đặc biệt, đây là cơ hội vàng để Bạc Liêu chia sẻ cơ hội hợp tác trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích chung, góp phần giúp du lịch Bạc Liêu dần trở thành điểm sáng của du lịch đất Chín Rồng, thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Bạc Liêu”, bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.