Băn khoăn sáp nhập thư viện vào các thiết chế văn hóa khác

Thứ Hai, 02/07/2018 | 16:09

Thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy cán bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương báo cáo với Chính phủ về việc có thể sáp nhập thư viện vào các thiết chế văn hóa hay không. Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ với nhiều băn khoăn ở các đơn vị nghiệp vụ này. 
Thời gian qua, hệ thống thư viện tỉnh nhà đang ra sức xây dựng và phát triển văn hóa đọc bằng các hoạt động thiết thực và gần gũi với cuộc sống của người dân. Nhiều hoạt động liên quan đến sách được phát động và tổ chức; nhiều mô hình đã và đang được duy trì với mong muốn văn hóa đọc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống “công nghệ số” hiện nay. Điển hình như: hội thi viết cảm nhận “Quyển sách đã đọc” tại huyện Hòa Bình; các hoạt động chào mừng Ngày sách Việt Nam tại Thư viện tỉnh như: kể chuyện theo sách; hướng dẫn, thực hành làm sách mini; hướng dẫn kỹ năng đọc sách… Vào các dịp: Tết Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi…, một số thư viện tại các trường học còn tổ chức thi làm lồng đèn, biểu diễn văn nghệ với những vở diễn đóng vai các nhân vật trong truyện mà học sinh đã đọc. 
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 108 nhằm thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, đến năm 2020 phấn đấu có 100% xã, phường có thư viện, phòng đọc sách cấp cơ sở; Thư viện tỉnh, 100% thư viện cấp huyện, 20% thư viện cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ truy cập Internet miễn phí để người dân được tiếp cận với thông tin, tri thức, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao hiểu biết và các nhu cầu khác; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về các vấn đề cộng đồng quan tâm. Mục tiêu là số lượng học sinh - sinh viên đến với hệ thống thư viện công cộng tìm hiểu kiến thức học tập đạt từ 50 - 60%...

Một hoạt động liên quan đến sách được tổ chức ở Thư viện tỉnh. Ảnh: N.V 


Như vậy, từ Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, có thể thấy đang có “luồng gió mới" cho văn hóa đọc ở Bạc Liêu nói riêng, cả nước nói chung. Chính vì thế, việc sáp nhập thư viện vào các thiết chế văn hóa khác (như bảo tàng, trung tâm VH-TT) là câu chuyện còn nhiều băn khoăn. Bà Lưu Thị Hồng Liễu, Giám đốc Thư viện tỉnh, chia sẻ: “Đa số ý kiến đều không đồng tình với việc sáp nhập này, vì nhiều lý do. Đơn cử như các đơn vị dự tính sáp nhập có chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau. Khi sáp nhập, đơn vị này sẽ rất bị động khi phải chờ một đơn vị khác lập kế hoạch, quyết định nội dung hoạt động cho một ngành không hiểu rõ chuyên môn”. Trước đó, huyện Đông Hải và TX. Giá Rai đã lập đề án sáp nhập thư viện huyện vào trung tâm VH-TT huyện. Tuy nhiên, đến nay việc sáp nhập này vẫn chưa hoàn thành vì bất cập nói trên. 
Để củng cố hoạt động của thư viện và mong muốn phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện tỉnh đã chuẩn bị kế hoạch hoạt động sắp tới. “Dự kiến, chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng VH-TT TP. Bạc Liêu xây dựng các tủ sách phường, xã. Đồng thời sẽ tập huấn cho cán bộ phường, xã về nghiệp vụ thư viện”, bà Lưu Thị Hồng Liễu cho biết.
Trong thời đại số, việc tồn tại thư viện và các hoạt động liên quan đến sách sẽ như một chất xúc tác tắm tưới tâm hồn con người. Hơn nữa, các thư viện cũng đang tích cực tìm hướng đổi mới để thích ứng với vai trò và nhiệm vụ mới. Bởi vậy, không nỡ “xóa sổ” thư viện trong khi công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa đọc đang bước vào một kỷ nguyên mới cũng là điều dễ hiểu. 
Ngọc Trân 

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.