Bảo tàng tỉnh: Xã hội hóa hoạt động sưu tầm hiện vật

Thứ Tư, 17/07/2019 | 15:52

Năm 2019, Bảo tàng tỉnh đã tiếp nhận rất nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị lịch sử - văn hóa do các nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh hiến tặng. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động sưu tầm khá hạn hẹp, việc tăng cường xã hội hóa của đơn vị là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Người có số lượng hiện vật, cổ vật hiến tặng nhiều nhất cho Bảo tàng tỉnh đến thời điểm này là ông Nguyễn Ngọc Ẩn - một trong những nhà sưu tập nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ra ở TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), trong một gia đình có đam mê và truyền thống về sưu tầm cổ vật. Đến nay, ông Nguyễn Ngọc Ẩn đã xây dựng một nhà trưng bày với sức chứa khoảng 40.000 hiện vật, cổ vật thuộc các thời kỳ lịch sử - văn hóa khác nhau của Việt Nam. Bạc Liêu may mắn là một trong những địa phương mà nhà sưu tập này muốn chia sẻ, đóng góp những tinh hoa văn hóa của dân tộc còn được lưu giữ đến hôm nay.
Theo đó, ông đã tặng 519 hiện vật, cổ vật được khai sinh trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu là những chiếc rìu làm bằng đá của thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đông Sơn có niên đại từ 700 - 500 năm trước Công nguyên; các bình, chén, dĩa bằng gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XI - XX; tiền xu với chất liệu đồng, kẽm của các triều đại nhà Nguyễn. Ngoài ra, nhiều hiện vật độc đáo của nền văn hóa Óc-Eo, đồng bào dân tộc Khmer, dân tộc Chăm… được ông Nguyễn Ngọc Ẩn mất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm cũng đã được tặng lại cho Bảo tàng tỉnh. “Thông qua việc hiến tặng các hiện vật, tôi mong muốn lan tỏa tình yêu, thái độ trân trọng giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc đến người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc. Việc đưa những hiện vật đến Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu là hành động góp phần nối dài hành trình tôn vinh để mọi người cùng cộng đồng trách nhiệm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam”, nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn, bày tỏ.

Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn (thứ hai từ phải qua) giới thiệu những hiện vật do ông hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh. Ảnh: H.T

Được Bảo tàng tỉnh vận động, nhà sưu tập Trần Hữu Phước (TP. Hồ Chí Minh) đã có hai lần hiến tặng hiện vật cho Bạc Liêu, với tổng số 464 hiện vật các loại. Từng tham gia hoạt động cách mạng, ông có điều kiện sưu tầm những hiện vật, kỷ vật được dùng trong kháng chiến. Bên cạnh đó, ông còn đóng góp những hiện vật gắn liền với đời sống nhân dân Nam bộ trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất như: công cụ lao động - sản xuất, đồ dùng sinh hoạt… 
Việc kêu gọi đóng góp hiện vật cho Bảo tàng tỉnh còn thu hút các nhà sưu tập trong tỉnh. Đơn cử là nhà sưu tập Trần Quốc Thành (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đã tặng nhiều hiện vật bằng gốm có giá trị văn hóa, chứa đựng tinh hoa độc đáo của nghệ thuật gốm Việt Nam.
Ông Lê Thanh Tự - Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Do ngân sách phục vụ công tác sưu tầm còn hạn chế nên đơn vị đã chủ động tìm kiếm, vận động sự hỗ trợ từ các nhà sưu tập trong và ngoài tỉnh. Việc xã hội hóa hoạt động này đã góp phần làm phong phú thêm kho hiện vật của bảo tàng, cũng như đa dạng hóa nội dung trưng bày đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu lịch sử - văn hóa cho nhân dân địa phương”.
Theo ông Lê Thanh Tự, Bảo tàng tỉnh sẽ trân trọng, bảo quản tốt các hiện vật được hiến tặng. Đồng thời, thực hiện mong muốn của các nhà sưu tập là phát huy giá trị các hiện vật trong giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, niềm tự hào bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; tổ chức trưng bày hiện vật theo chuyên đề để quảng bá, giới thiệu cho khách du lịch khi đến với Bạc Liêu.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.