Bảo tồn đờn ca tài tử xứng tầm với giá trị di sản văn hóa

Thứ Hai, 12/11/2018 | 15:24

Ban chỉ đạo đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Bạc Liêu giai đoạn 2014 - 2020 (gọi tắt là đề án) vừa sơ kết 4 năm thực hiện đề án. Đã qua, Bạc Liêu có nhiều phần việc, hoạt động thiết nhằm bảo vệ loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Mục tiêu và nhiệm vụ sắp tới được tỉnh đề ra là đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy âm nhạc tài tử một cách mạnh mẽ, thực chất hơn để xứng tầm với giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sau Festival ĐCTT quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, Bạc Liêu đã ban hành đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2014 - 2020. Từ năm 2014 - 2018, công tác tuyên truyền đề án được ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh quan tâm, đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều hình thức thiết thực. Sở VH-TT&DL là cơ quan thường trực thực hiện đề án đã xây dựng và phát 48 chuyên mục ĐCTT trên Đài PT-TH Bạc Liêu, đăng 12 chuyên trang về công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trên báo Bạc Liêu. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng tuyên truyền bằng pa-nô, tờ rơi, lồng ghép trong các cuộc họp dân về ý nghĩa, giá trị loại hình âm nhạc tài tử.

Trung tâm Văn hóa tỉnh thường xuyên mở lớp dạy ca tài tử dành cho cán bộ, sinh viên trong tỉnh.  Ảnh: H.T

Một trong những điểm nổi bật trong công tác bảo tồn ĐCTT của tỉnh là tích cực thực hiện các hoạt động truyền nghề. Điển hình là Trung tâm Văn hóa tỉnh đã liên kết với các chuyên gia về ĐCTT ở TP. HCM mở nhiều lớp dạy đờn, sáng tác tài tử, vọng cổ cho đội ngũ nghệ nhân, giáo viên, sinh viên, lực lượng vũ trang…; đưa ĐCTT vào trường học giúp học sinh khối tiểu học, THCS có điều kiện tìm hiểu loại hình âm nhạc tài tử và học ca bản “Dạ cổ hoài lang”. Trong điều kiện kinh phí đầu tư cho sự nghiệp văn hóa hạn hẹp, tỉnh đã dành một phần ngân sách trang bị dàn âm thanh cho các câu lạc bộ ĐCTT ấp để phục vụ sinh hoạt, giao lưu và tham gia hội thi.
Thành quả đạt được khá nhiều, nhưng vẫn còn không ít hạn chế, bất cập trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Ban chỉ đạo đề án nhìn nhận, phong trào ở nhiều địa phương còn mang tính tự phát, hoạt động truyền nghề chưa mang lại hiệu quả, các câu lạc bộ thiếu kinh phí duy trì sinh hoạt, giao lưu… Không chỉ vậy, nhiều địa phương vẫn còn tư tưởng đứng ngoài cuộc, chưa quan tâm đúng mức đến việc củng cố, phát triển phong trào. Theo thống kê, số lượng hội thi, liên hoan, chương trình giao lưu ĐCTT cấp cơ sở được tổ chức hàng năm còn rất khiêm tốn. Chưa kể, nhiều nơi không có chính sách khen thưởng, đãi ngộ để nghệ nhân cao tuổi giữ nghề, truyền nghề và tìm kiếm, chăm bồi những “hạt nhân” mới để tạo sự kế thừa cho phong trào.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam, Trưởng Ban chỉ đạo đề án, nhấn mạnh: “Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện đến nơi đến chốn. Nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra từ đây đến cuối năm 2020 là rất quan trọng. Cùng với việc truyền nghề là phải tổ chức sân chơi để những người đam mê ĐCTT giao lưu, thể hiện tài năng, rồi lan tỏa tình yêu đến mọi tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt, tỉnh đang chú trọng phát triển du lịch, nên phải làm cho ĐCTT trở thành một sản phẩm bài bản, chuyên nghiệp để thu hút du khách. Chính ĐCTT sẽ giúp du lịch phát triển mạnh mẽ, ngược lại doanh thu dịch vụ du lịch sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT”.
Ban chỉ đạo đề án cũng tiếp tục giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh. Trọng trách này cần phải được vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết tâm hơn nữa để ĐCTT được bảo tồn và phát huy xứng tầm với giá trị một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hơn hết là tiếp tục khẳng định vị thế của vùng đất được mệnh danh là một trong những “chiếc nôi” quan trọng của phong trào ĐCTT Nam bộ.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.