Biển chiều

Thứ Sáu, 21/07/2017 | 15:41

Tháng Bảy, vùng biển này ban ngày khá nóng, nhưng khi ông mặt trời trùm chăn dỗ dành giấc ngủ thì cái oi bức cũng theo về cõi xa nào. Chiều nào cũng thế, ông lão chống gậy ra ngồi trước hàng ba để hóng gió. Gió từ sông thổi lên mát rượi làm phất phơ chòm râu bạc lưa thưa trông ông rất tiên phong đạo cốt. 
Đã ngoài bảy mươi, cái tuổi thuộc hàng xưa nay hiếm. Với tuổi đó không có nhiều người còn sức để theo nghề sông nước mà có chăng thì con cái họ cũng giành phần cáng đáng chứ đời nào để ông phải vào lộng ra khơi. Sông sâu, dòng rộng lại gần cửa biển nên sóng lúc nào cũng lớn, nhất là khi thủy triều lên, tay lái "lơ tơ mơ" thì khó có thể giữ cho tàu khỏi nghiêng ngả, chòng chành. 

Hoàng hôn trải dài trên mặt sông một màng đỏ ối làm nổi bật đoàn tàu đang lũ lượt kéo nhau về. Nhớ lại ngày đó ông thường ngồi trên nóc tàu nhìn vào bến cá, không phải để tìm ai mà là tìm tất cả bởi ông muốn chia vui cùng tất cả là cá đã đầy khoang còn tàu thì chật ních tiếng cười. Niềm vui của bạn chài là thế, giữa cái tôi và chúng ta thì họ luôn biết giữ cái tôi của mình thật bình thường. Khi vất vả, hiểm nguy không còn, người ta luôn sống thật hơn bao giờ hết. Bản tính sao thì thể hiện vậy, hung dữ hay hiền hòa, nói nhiều hay nói ít, hoạt bát hay lầm lì đều rất tự nhiên. Gần trọn cuộc đời với cái bến cá này thì chẳng có gì mà ông không biết, chẳng có ai mà ông không thông. 
Trước hết là bà “trùm cá” vừa béo vừa lùn nhưng giàu sụ, vàng ròng đỏ tay đỏ cổ nhưng keo kiệt bủn xỉn đến từng cắc từng đồng. Nhà cao, rộng thênh thang nhưng chỉ mỗi ôsin là… ông chồng ốm như cây sậy, suốt ngày bò lê lau quét. Đã thế lại kiêng bò, kiêng gà, chỉ thích mỗi món lòng heo và rượu nên ông ta trông càng hom hem. Chẳng phải khó nuôi hay tốn kém gì nhưng bà vợ luôn càu nhàu khi phải trả tiền mua món mà chẳng mấy khi bà ăn. Ông lão cười một mình, nghĩ là ông thì ông đã dông tám xứ. Gia đình vợ ông nghèo, buôn bán lẹt xẹt nhưng con cái thì rất thảo hiền. Âu cũng là phúc đức cho ông bởi ông ngoài tráng kiện, giỏi giang ra thì chẳng có gì. 
Đoàn tàu đã vào bến cá. Bến sáng rực đèn. Lại ồn ào náo nhiệt. Ông lão muốn đến, nhưng sao ông vẫn ngồi thừ đó. Mà đến đó để làm gì kia chứ. Cái ồn ào, tấp nập kia đâu còn dành cho ông. Nó là của trai tráng lực lưỡng, của những cái miệng to và đôi tay sẵn sàng giành giật mà các bà hàng tôm cá trang bị cho mình. Còn trẻ con thì khỏi phải nói, chúng chạy nhảy khắp nơi góp phần làm cho cái ồn ào, tấp nập kia thêm náo nhiệt. Ông nhớ ngày đó ông còn khỏe lắm, vác giỏ cá trăm ký lên vai là chạy ro ro. Chạy tới khi lòng tàu không còn thứ gì mới thôi. Nặng nhọc là vậy, nhưng chỉ đủ cơm ngày ba bữa, không sướng như bây giờ có các loại xe đẩy, xe kéo thay cho sức người. Nhưng lúc ấy ông không thấy khổ mà thấy vui và tự hào, bởi ông và bạn bè ông đã đạt thành tích vượt trội hơn người, đánh bắt ngư trường xa hơn, cá lớn hơn và cũng nhiều hơn. 
Thường thì khi qua được cơn hoạn nạn thập tử nhất sinh nào đó, người ta như sống thọ hơn dẫu thương tích có khi phải mang vác suốt đời. Sống trên đời ai cũng phải lao động, học tập, phải có lý tưởng để phấn đấu, có ý chí để dấn thân. Nghề biển là một trong những nghề nguy hiểm nhất mà người ta phải đối mặt khi muốn giữ nghề hay có miếng cơm manh áo. Hải sản càng quý thì càng ở dưới sâu, ngoài xa; càng nhiều phong ba bão táp nhưng vì yêu nghề, giữ nghiệp hay duyên nợ với biển mà người ta luôn gắn kết từ bao đời trước cho đến đời này. Lớp cha không còn thì lớp con thay thế. Biển vẫn xanh và cuộc đời vẫn xanh. 
Mấy lần suýt chết là mấy lần ông học được ở thiên nhiên nhiều điều. Lằn ranh giữa rủi may là quá mỏng. Ngày đó biển đang bão dữ, tàu thuyền phải ẩn mình vào những đoạn sông khuất, neo vào chờ đợi. Ông cùng vài bạn chài dùng xuồng nhỏ vây lưới, rung chà để bắt cá ở những đoạn sông đó. Chà không phải là cành cây có nhiều lá mà là sợi dây chắc chắn được neo vào một vật nặng rồi thả xuống đáy sông. Dọc theo dây này người ta buộc lá mây hay tàu dừa, phía trên cùng là phao. Chà được đặt nơi có nhiều thức ăn để cá đến trú ngụ. Khi lưới đã vây xong người ta dùng dầm hay sào đập mạnh xuống nước, cá hoảng sợ lao nhanh ra tứ phía, "tra tay vào còng" là các loại lưới vây. Xui cho ông là lũ cá vược cũng sợ giông tố bão bùng nên vào ẩn náu nơi này. Cá vược là loài cá dữ ở biển, đầu nhọn, miệng to, răng sắc, vây có nhiều gai cứng. Khi hoảng, loài cá này thường lao lên khỏi mặt nước, phóng nhanh về phía xa. Lơ ngơ thế nào để phải lãnh trọn cú lao trời giáng đó, ông ngã sóng soài xuống sàn thuyền. May mà chỉ bị đâm sượt mạn sườn, chứ ngay tim thì đã thành ông tiên, ông vãi. Vết thương không cho ông đi biển nhiều ngày. Quanh quẩn nhà hoài cũng chán, thả bộ theo dọc thềm sông ngấu nghiến cho hết khoảng thời gian ăn không ngồi rồi, tình cờ ông gặp bộ xương trắng hếu của con cá vược nằm im lìm bên mép nước. Áng chừng con cá này cũng to như con cá đã lao vào người ông, còn đúng nó hay không thì ông làm sao biết được. Đúng nó thì cũng vậy thôi, bởi mọi chuyện cũng đã qua rồi. Nó làm sao biết sinh nghề tử nghiệp, phúc bất trùng lai, luân hồi quả báo. Không ai trách kẻ không biết gì. Một lực vô hình xui ông cúi xuống nhặt nó đem về nhà và giữ nguyên đến giờ. Nhiều người bảo ông là lẩm cẩm, ông chỉ cười mà chẳng nói gì. Người ta có quyền sống với kỷ niệm mà không cần một tác động nào. 
Hoàng hôn ngã sấp, tấm thảm nhung mà nó trải trên mặt sông cũng đã lật nhào. Đêm kịp về giăng màn chăm giấc ngủ muôn loài, cây cỏ. Ông vẫn ngồi với kỷ niệm, với quãng đời hào hùng và khổ cực đã qua. Biển vẫn xanh và mãi mãi vẫn xanh bởi lớp lớp người sau ông đã tiếp bước, đã đem khoa học - công nghệ ra tận ngư trường, xuống tận biển sâu để làm giàu thêm quê hương đất nước. Ông vui vì vất vả, hiểm nguy của ông không thừa. 
LÝ THỊ MINH CHÂU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.