Bờ kênh xóm cũ

Thứ Tư, 12/12/2018 | 17:49

Nhiều năm tôi không làm công việc ruộng vườn giúp gia đình như ngày trước nữa, thi thoảng về nhà ra ruộng một buổi đã thấy mệt đừ. Ngày trước, đó là công việc hàng ngày, mỗi mùa, nên thấy nó bình thường không để ý tới. Chất lúa bó xuống xuồng xong, tôi men theo bờ ruộng lội bộ về nhà. Trên bờ đất, tôi xoay một vòng để nhìn cánh đồng quen thuộc đã lâu không nhìn lại. Hương rạ thơm thơm quen thuộc. Nước xâm xấp trên mặt ruộng, cánh đồng bây giờ trống trải do ruộng lúa đã gặt gần xong, vụ mùa kết thúc. Có thể nhìn thấy hàng cây tràm, cây so đũa xa xa lờ mờ với những mái nhà liêu xiêu trong xóm. Đường đi với tôi đã quen thuộc bởi đã từng lặn ngụp, qua lại khi ra đồng hay khi đi kiếm cá, bắn chim từ thời còn nhỏ.

Ngang qua những miếng vườn, thi thoảng dừng lại nhìn những bụi tre, gốc xoài, bụi chuối… miếng đất quen mắt của những gia đình trong xóm. Đâu đó vẫn còn thấp thoáng hình ảnh tuổi thơ mình nơi miền quê mà khi đi đâu, vài hôm đã nhớ đến nao lòng. Phần đất cặp với con kênh nhỏ là nhà của Phương, bên kia kênh là đến phần đất vườn nhà tôi.

Không vội qua kênh về nhà, tôi theo đường mòn trong vườn ra phía trước nhà Phương. Bên song nhà, chiếc sạp tre cũ kỹ đã được chống đỡ bởi nhiều cây khác nên vẫn còn đó, là nơi gia đình Phương thường ăn cơm chiều từ trước giờ. Thấy tôi, Phương và đứa con trai nhỏ cười tươi tắn và kêu tôi sẵn bữa, ăn cơm cho vui. Mâm cơm chỉ vẻn vẹn cái ơ đất, trong đó còn cái đuôi con cá lóc nhỏ xíu. Một dĩa rau muống luộc, trên đó có nhiều trái đậu rồng tươi non và tô nước luộc rau muống nặn chanh.

Tôi ngồi ngay góc sạp tre thòng chân xuống nền đất. Lấy một trái đậu rồng tươi non trên dĩa rau, quẹt vào chút nước kho sền sệt trong cái ơ có cái đuôi con cá lóc nhỏ chưa ai dẻ miếng nào. Cắn một miếng đậu rồng giòn thơm hương vị ruộng vườn quen thuộc. Thêm một mùa gió chướng lại về. Lấy trái đậu rồng thứ hai tôi mới nói, năm nào ăn trái đậu rồng cũng thấy mới, bởi mỗi năm chỉ ăn được có một mùa. Phương cười hỏi, ngon không? Tôi nói ngon, Phương giải thích về bữa cơm đạm bạc trước mắt tôi nãy giờ: “Mấy hôm rồi bận ra đồng gặt lúa, không ai ở nhà kiếm cá ăn được…”.

Phương lại cười, nụ cười của Phương bây giờ thoang thoáng nét buồn. An ủi bạn, tôi nói bên nhà tôi lóng rày vô mùa làm cũng vậy, với lại cá xuống mương nhiều rồi, trên đồng không còn được bao nhiêu, kiếm ăn cũng khó. Có bữa còn gửi người ta mua cá mắm ngoài chợ về ăn. Nhớ hồi nhỏ mình đi kiếm cá dễ dàng quá trời. Vừa giăng lưới, vừa câu vừa tắm ao, vừa đùa giỡn mà bữa nào cá cũng ăn không hết. Phương lại cười nhưng lần này vui hẳn như vừa nhớ lại hình ảnh một thời niên thiếu. “Ừa!” - Phương nói - “Hồi đó vui hén!”.

Hồi đó còn nhiều chuyện vui. Người cùng xóm, tôi và Phương còn là bạn học. Thời còn cắp sách đến trường, sáng nào tôi cũng ghé xuồng cho Phương quá giang ra ngoài đầu lộ. Hai đứa chung lớp, chung trường một dạo. Buổi sáng, Phương đứng trên bờ kênh chờ tôi cặp xuồng bước xuống. Tôi không đưa mũi xuồng đi trước mà de de để chiếc xuồng be tám cặp lái vô bờ. Khi xuồng đụng bờ đất, tôi cặm mái dầm xuống kênh, rồi đi lần ra giữa xuồng, ngồi quay mặt lại. Cà nanh, buộc Phương bơi xuồng. Hiểu ý, lần nào Phương cũng cười mỉm. Xuống xuồng, để cái bọc nylon đựng tập vở trước mặt. Nhổ cây dầm, nhỏ chỏi một cái thật mạnh vào bờ đất để xuồng lấy trớn rồi từ từ bơi xuồng theo cặp bờ kênh.

Có lần Phương nói, chiếc xuồng có hai đứa, mà con gái bơi cho con trai ngồi, ngộ ghê! - Con gái xóm này giỏi vậy đó. Nhớ lại thử coi, trong xóm, hễ có xuồng bơi, có nam, có nữ thì thường nữ bơi xuồng hà. Con trai người ta làm chuyện nặng nhọc. Bơi xuồng là chuyện nhỏ mà! Tôi chống chế.

Bơi xuồng là chuyện nhỏ, nói vậy chớ nhà neo đơn, chuyện nhỏ lớn gì cũng đều có Phương ngoài những buổi học ở trường. Việc trong nhà, ngoài ruộng, mưa nắng dãi dầu. Có lần ra ruộng, gặp Phương dọc đường, anh năm Nghiệp cùng đi chung xuồng nhìn tôi nói: “Nữa, đứa nào cưới được con Phương có phước ba đời. Con gái mà giỏi quá trời, thanh niên muốn qua không dễ!”.

Sau này có lần Phương hỏi tôi chừng nào lập gia đình, già rồi còn đợi chờ, kén chọn gì nữa! Có gia đình cho biết vui, biết buồn với người ta. Tôi hỏi, có gia đình vui hay buồn mà đốc thúc dữ vậy? Phương trả lời - Đủ hết, buồn - vui, sướng - khổ đủ đầy, có điều có lúc cái nào nhiều hơn cái nào thôi. Tránh đi đâu cho khỏi mà hỏi. Tôi nói, thấy Phương lập gia đình bộn bề, vất vả nên ngán. Nhớ hồi nhỏ mỗi lần đi học nhìn Phương bơi xuồng lủi bên này, quẹo bên kia tôi cười thầm mà tội nghiệp Phương ghê. Phương cười: “Vậy sao, nhớ lâu dữ vậy? Bây giờ mới biết thương người ta đó hả? Có sao đâu, chuyện nhỏ mà!”.

***

Học chưa hết lớp 9 Phương đã nghỉ học rồi, 2 - 3 năm sau đó thì lập gia đình với một người trong xóm. Đám cưới đơn sơ nhưng rộn ràng và rất vui bởi thanh niên trong xóm và nhiều bạn học cũ đến giúp, chung vui cả ngày. Hai bên gia đình nhín vài công ruộng cho vợ chồng Phương lập nghiệp. Chỉ vậy thôi qua nhiều năm đủ ăn. Tới giờ, mọi thứ cũng đều trông vào mùa lúa.

Chồng Phương, ngoài việc ruộng đồng, khi rảnh rỗi cùng anh em lối xóm đi phụ hồ, hoặc chạy xe ôm. Cuộc sống tất bật nhưng yên ả, bình dị của xóm tôi từ thuở nào trôi qua trong thầm lặng cũng không ít bộn bề. Quanh đi, ngoảnh lại vẫn là cánh đồng hai mùa mưa nắng, mảnh vườn còi cọc và con kênh tôm, cá dần cạn kiệt.

 Mọi thứ trong đời đều trong tay và do mình quyết định. Ngày đó, nghe vậy, biết vậy, Phương nói. Lớn lên lại hiểu thêm, để có điều gì đó cho mình chọn lựa, quyết định trong cuộc đời có khi chờ đợi đến cả đời vẫn chưa chắc có. Điều mà nhân gian thường gọi là nhân duyên…      

 Cà Mau, tháng mười một, hai ngàn lẻ tám

  Tản văn: Trần Xuân Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.