Bông hồng cài áo

Thứ Sáu, 01/09/2017 | 16:18


Mẹ sinh con.
Mẹ chỉ kể chuyện này một lần. Đó là một đêm cúp điện, cả nhà túm chiếu ra sân nằm nhìn sao. Giọng mẹ chậm rãi, khoan thai nhưng tôi nằm nghe thiếu điều nín thở. Tôi nuốt vào lòng, ghi tận trong tim từng lời của mẹ. Sau này mỗi lần nhớ lại, tôi đều thấy mủi lòng muốn khóc.
Mẹ bảo đó là một ngày thu, đồng lúa đang kỳ gặt rộ. Với người nông dân, đặc biệt là một lực điền (như mẹ) thì ngày mùa bị “treo giò” quả là một “án oan”. Suốt mấy tháng cày bừa gieo sạ, bón phân nhổ cỏ mà tới ngày thu hoạch lại không được chứng kiến khoảnh khắc những hạt lúa vàng óng được đóng bao mang về thì quả là một nỗi “ấm ức” không hề… nhỏ. 
Tiếng lao xao từ cánh đồng trước cửa nhà, tiếng mưa rào rạt trên mái tôn. Mẹ hết nhìn ra đồng lại đưa tay xoa bụng. Cái thai ở tháng thứ chín cứ co cẳng đạp, vừa đạp vừa oằn thấp xuống bụng dưới làm mẹ tức ngực khó thở. Lại nghe tiếng máy đạp lúa ầm ầm, tiếng con trâu cái sau chuồng nghểnh cổ õm ò gọi rơm. Lúc mẹ ở cữ thì trâu sẽ cần rơm, rất cần. Bốn công rơm ruộng nhà thì đâu bõ bèn gì với mấy con trâu nhai rơm như máy. Trâu đói thì nằm hóc sao yên. Vậy là dù chân bước cấn bụng nhưng mẹ vẫn quảy gánh ra đồng, trước là coi sóc đám ruộng đang thuê người cắt, sau còn tranh thủ xin gánh rơm, thêm được nắm nào đỡ nắm nấy. (Bạn sẽ “bức xúc” hỏi ba tôi đâu mà để mẹ đã tới ngày sinh nở phải bươn bả ra đồng? Thật là một chuyện đau lòng, từ lúc mẹ mang thai tôi cũng là lúc ba tôi phải vắng nhà. Xin cho phép không nói lý do nhưng mãi đến khi tôi biết nói ba mới về).
Cảnh một phụ nữ vác cái bụng thè lè ra đồng, chắc là bất nhẫn quá nên ruộng nhà được cô bác làm gọn gàng, thóc rơm đâu đó. Còn đôi trâu giống của mẹ, không cần phải đi xin thì cũng có người nhét đầy rơm. Mẹ phải bám chân trên con đường ướt mưa, nặng nề bước từng bước một để gánh rơm về. Được nửa đường thì bụng co lên từng hồi đau quặn, mẹ bình tĩnh đặt gánh xuống đứng thở. Bác Tám lại đưa vai vào gánh đỡ rồi lầm bầm: “Sắp đẻ rồi còn ham làm, coi đẻ rớt ngoài đường bây giờ”. Mẹ cười: “Sắp rớt chứ chưa…”. Về tới nhà, mẹ đi thẳng xuống bếp bắc ấm nước lên bếp nấu, nhờ cô Năm hàng xóm đi kêu dùm bà mụ. Mẹ gội đầu, tắm rửa xong thì vỡ ối.
Sau này mẹ thường bảo tôi, khổ lúc còn nằm trong bụng là đủ rồi, ráng học để mai mốt không phải làm nông nuôi bò, sống khổ sở, trầy trật như mẹ. 
Rồi mẹ bệnh.
Đêm ở nội trú, đang đùa giỡn với bạn bè thì nhận được tin mẹ nhập viện. Mẹ tôi xưa nay làm “lở núi lở non”, nhức đầu xổ mũi hay đau vai đau cổ cũng chỉ ở nhà uống thuốc khơi khơi chứ nhất định không chịu đi bệnh viện. Mẹ “gan thép” như vậy mà nhập viện thì chắc là bất khả kháng rồi. Tôi mếu máo chạy ào vào bệnh viện. Mẹ tôi nằm đó, còm cõi, võ vàng. Căn bệnh xuất huyết đường ruột đã làm cơ thể người đàn bà lực điền suy sụp thê thảm. 
Trên giường bệnh, mắt mẹ cứ lơ mơ rồi nhắm nghiền, người hầm hập sốt. Nằm mê man ba ngày hai đêm nhưng khi tỉnh dậy, mẹ đuổi các con về hết. Mẹ bảo đang mùa cao điểm, đứa ở nhà không thể bỏ ruộng bỏ lúa, đứa đang học hành không được bỏ trường bỏ lớp. Làm nông thì ruộng vườn là tài sản lớn nhất, đi học thì chữ nghĩa phải đặt hàng đầu, mẹ tự lo liệu được.
 Dù không đành bỏ mẹ nằm viện một mình thì anh em tôi cũng không biết thu xếp sao cho ổn, vậy là chia nhau về. Anh lo mùa vụ, tôi lo thi học phần. Khi mọi thứ xong xuôi thì mẹ cũng xuất viện.


Tôi nằm viện.
Tôi bất ngờ bị tai nạn nặng. Mấy tháng đồng hành cùng con trong các bệnh viện, hết Chợ Rẫy đến Phục hồi chức năng, rồi sang Ngoại thần kinh trung ương, mẹ không ăn cơm tiệm bao giờ. Tới bữa ăn, mẹ đi mua cơm cho con, còn mẹ thì đi xin cơm từ thiện. Con gái nằng nặc bảo mẹ phải ăn cơm tiệm thì mẹ bảo trong cơn nguy khó, phải dành tiền để chữa bệnh, với lại cơm từ thiện cũng rất ngon. Bữa cơm nào mẹ cũng đút nhét nhưng con chỉ ăn được vài muỗng. Mẹ ăn cơm thừa của con và nói: “Nuôi bệnh bây thét chắc mẹ mập lên, ăn uống thỏm thẻm như mèo thì làm sao khỏi bệnh...”. Tôi “khó chịu” gắt: “Con gái lớn rồi, không còn con nít con nôi gì nữa mà mẹ phải ăn đồ mứa”. Mẹ xua tay: “Có bà mẹ nào chẳng ăn cơm thừa của con, con cái thì làm sao lớn với mẹ được”. 
Đã mang thân bệnh lại còn tâm bệnh nên tôi hờ hững với những liệu trình điều trị. Không còn được chút niềm tin tối thiểu, tôi lúc nào cũng trong tình trạng một người sợ… sống. Mẹ bảo: “Đã làm mẹ rồi thì phải nghĩ tới con mà sống”. Mẹ khuyên nhiều, mềm mỏng có, cứng rắn có nhưng tôi vẫn cứ tuyệt vọng, ủ rũ như một con mèo bệnh, mẹ đành dỗ: “ Ráng! Rồi mọi thứ sẽ ổn...”. 
Làm sao ổn được khi cánh tay không cử động linh hoạt được mà cứ tê rân, ngứa ngáy… Tôi nằm thút thít, nghĩ đến việc sẽ không thể cầm phấn được nữa mà nát lòng. “Mẹ mát tay lắm, để mẹ xoa!”.
Chao ôi, khi những vết sần trên tay mẹ chạm vào lớp da mềm mịn, tôi nghe tim mình rát buốt…
Bông hồng trên ngực áo.
Có ai đó đã bảo với tôi, ngày buồn nhất đời bạn sẽ là ngày bạn không còn mẹ, như lời của ca dao: “Mẹ hiền như thể trăng sao/ Một mai trăng lặn đất trời lung lay”. Khi đã trở thành mẹ của một đứa con thì tôi mới thấm thía rằng, dù có đếm hết lá rừng thì cũng không đếm hết công lao của mẹ. Và nếu phải tìm một từ ngữ nào đó để ca ngợi tình mẹ thì tôi đây cũng đành bất lực vì cảm thấy ngôn từ dù có biểu cảm đến đâu cũng không tải hết tình thương…
Vâng, tôi sẽ làm như lâu nay mình vẫn làm. Lễ Vu lan, tôi sẽ lên chùa để thành tâm cài lên ngực mình một bông hồng đỏ thắm, cầu mong mẹ khỏe mạnh sống đời...
Nguyễn Thị Bích Nhàn
 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.