Cải lương Bạc Liêu: Nỗ lực đào tạo nghệ sĩ trẻ kế thừa

Thứ Tư, 17/10/2018 | 16:16

Trên bước đường hoạt động nghệ thuật, diễn viên, nghệ sĩ trẻ thời nay đối diện với rất nhiều khó khăn. Từ việc thiếu kịch bản hay, ít sàn diễn để thể hiện tài năng, ít vở tuồng được đầu tư dàn dựng, cho đến chuyện khán giả đam mê cải lương ngày càng giảm dần. Số lượng khán giả đến thưởng thức hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại tỉnh An Giang vừa qua là một minh chứng. Tuy vậy, lớp người trẻ vẫn âm thầm nỗ lực, cống hiến cho nghệ thuật tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung giữ được chỗ đứng trong lòng khán giả. 
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, từng phát biểu rằng: “Sân khấu đang tìm cách để không bị quên lãng”! “Vận mệnh” của cải lương phụ thuộc khá nhiều vào tài năng và sức cống hiến của những người trẻ. Bởi thế hệ nghệ sĩ, diễn viên tài năng gạo cội trong làng cải lương rồi sẽ vắng bóng dần vì quy luật của thời gian, tuổi tác. PGS-TS. Phan Thị Bích Hà, Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP. HCM thì lạc quan cho rằng: “Cải lương vẫn luôn sống được dù không hoàng kim, thịnh vượng như xưa. Thực tế vẫn có một lớp nghệ sĩ trẻ đang cố gắng nỗ lực làm nghề, từ từ khẳng định mình. Nhưng, vì các em không có nhiều cơ hội cọ xát thực tiễn. Sống với những vai diễn, số phận nhân vật, dưới ánh đèn sân khấu, từng đêm, từng đêm, như lớp phù sa bồi đắp dần tạo nên phong cách, bản lĩnh, tên tuổi nghệ sĩ nên không thể đòi hỏi các em tỏa sáng như các lớp thế hệ trước được”. 

Diễn viên Đoàn cải lương Cao Văn Lầu trình diễn tiết mục “Dạ cổ hoài lang” trong lễ Giỗ Tổ sân khấu. Ảnh: N.V

Từ những đánh giá của những “người trong cuộc”, có thể thấy công tác chăm bồi và đào tạo đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ kế thừa cần phải có chiến lược và lộ trình cụ thể. Và Bạc Liêu đang làm khá tốt công tác này. Ông Ngô Quốc Khánh, Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, bộc bạch: “Sau lớp nghệ sĩ, diễn viên cứng tay nghề như Ngọc Đợi, Mỹ Hạnh, Giang Tuấn…, chúng tôi đang tiếp tục lên kế hoạch đào tạo lớp diễn viên kế thừa khoảng 10 bạn trẻ”. Theo đó, Nhà hát Cao Văn Lầu đã lập kế hoạch đào tạo sắp tới, chẳng hạn như năm 2019 sẽ dạy tiếng nói sân khấu, kỹ thuật vũ đạo, kỹ thuật ca, cách giữ hơi… Bên cạnh đó sẽ chọn lọc diễn viên để tham gia tại các hội diễn, liên hoan để các bạn có cơ hội cọ xát thực tế và trưởng thành hơn trong nghề.
Phạm Anh Chàng là một trong những diễn viên trẻ của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu. Nếu như trước đây, anh không có duyên với giải thưởng cao, chỉ gắn tên mình với giải Bạc tại các hội thi, liên hoan, thì giờ đây “tổ nghiệp” đã "chứng nhận" công sức mà Anh Chàng đã bỏ vào trên con đường hoạt động nghệ thuật nghiêm túc của mình. Tại các buổi tập luyện của tập thể, anh em nghệ sĩ đồng nghiệp hay các thầy, cô đứng lớp đều nhận thấy một Anh Chàng miệt mài với những vai diễn. Tập vũ đạo theo thầy, tập ca, nắm bắt tâm lý nhân vật được giao trong vở tuồng… không chỉ riêng Anh Chàng, mà còn là tôn chỉ hoạt động của các diễn viên trẻ ở đây. Chính từ việc nghiêm túc làm nghề, trong hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua, Đoàn cải lương Cao Văn Lầu “rinh” về khá nhiều giải thưởng gồm: 6 huy chương Bạc và 2 huy chương Vàng ở cả 2 vở diễn. Trong đó, Phạm Anh Chàng giành được 1 huy chương Vàng. 
Từ những tấm huy chương tại hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua nói riêng, các sân chơi chuyên nghiệp nói chung, cho thấy Bạc Liêu đang đi đúng hướng trong công tác đào tạo đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trẻ kế thừa. Cũng từ những thành tích này, danh tiếng và sự nghiệp của lớp người trẻ sẽ ngày càng được khẳng định, và đó còn là “đòn bẩy” để đưa sự nghiệp cải lương tỉnh nhà ngày càng bay xa hơn! 
Ngọc Vũ 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.