Cần cơ chế đãi ngộ cho nhân tài hoạt động văn hóa - nghệ thuật Khmer

Thứ Sáu, 23/10/2020 | 16:17

Những năm gần đây, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều khởi sắc. Trong sự hợp lực từ nhiều phía, có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu (nay trực thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu). Một cơ chế đặc thù đãi ngộ và phát huy nguồn lực nói chung và nhân tài nói riêng, là cần thiết để tiếp tục phát triển hoạt động văn hóa - nghệ thuật Khmer ở Bạc Liêu!

Một tiết mục biểu diễn nhạc cụ của Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu. Ảnh: N.T

Giàu lòng đam mê

Thời gian qua, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu (gọi tắt là Đoàn Khmer) luôn nỗ lực để làm tốt công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị, cũng như góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nghệ sĩ ưu tú Thạch Moly - Trưởng Đoàn Khmer, Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, cho biết: “Mỗi năm, đoàn đi diễn phục vụ trong tỉnh khoảng 30 suất. Ngoài nhiệm vụ phục vụ chính trị, phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền các sự kiện, lễ hội lớn của đất nước và của tỉnh…, nếu có lời mời từ đoàn Khmer các tỉnh lân cận, từ các chùa Khmer thì chúng tôi cũng đi diễn để vừa giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, vừa phục vụ khán giả”.

Với tiếng trống sa-dăm vang dội, tiếng bổng trầm của dàn nhạc ngũ âm, từng giai điệu hòa cùng điệu múa đậm màu sắc văn hóa dân tộc, các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Khmer đã cống hiến cho khán giả Khmer nói riêng, cộng đồng dân cư Kinh - Hoa những màn trình diễn đặc sắc. Đội ngũ của Đoàn Khmer lại rất trẻ, 20/32 người đều thuộc nhóm diễn viên trẻ. Lòng đam mê nghệ thuật là động lực để họ trau dồi, tập luyện thường xuyên để cống hiến những màn trình diễn độc đáo.

Anh Kiên Nô, diễn viên Đoàn Khmer, chia sẻ: “Đã không ít lần tôi muốn dừng lại sự nghiệp ca hát vì thu nhập ít ỏi, cuộc sống khó khăn. Tuy nhiên, với tình cảm và sự động viên của lãnh đạo Đoàn, anh em đồng nghiệp, nhất là với niềm đam mê với âm nhạc dân tộc, tôi sẽ tiếp tục con đường mà mình đã chọn”. Kiên Nô là một nghệ sĩ đa năng đến từ tỉnh Sóc Trăng, đã gắn bó với Đoàn Khmer nhiều năm nay. Anh có thể thổi kèn, sáo, đóng tuồng và là một trong rất ít người còn có thể sử dụng nhạc cụ cổ Khmer. Nhiều hội thi, hội diễn cấp toàn quốc đều có tên anh trong bảng thành tích của đoàn. Vậy mà, ít ai biết ngoài giờ phục vụ khán giả, anh Kiên Nô còn đi bán bánh cam, bánh dừa để trang trải cuộc sống. Hay có chùa Khmer nào yêu mến, mời anh đến dạy riêng cho con em năng khiếu ở đó, anh cũng khăn gói đến dạy nhiệt tình.

Không chỉ riêng Kiên Nô mà nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Khmer cũng đã và đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để theo đuổi đam mê đến cùng.

Cần sự tiếp sức

Hiện nay, Đoàn Khmer cũng đang gặp một số khó khăn trong việc giữ chân những người giỏi nghề. Theo Nghệ sĩ ưu tú Thạch Moly, với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng, không có thu nhập ngoài nghề, diễn viên phải thật sự tâm huyết mới có thể trụ được với nghề. Hơn nữa, cơ chế thu hút nhân tài cũng có nhiều điều bất cập. Nguyện vọng của lãnh đạo đoàn là làm sao thu hút, giữ chân và đào tạo bài bản để đội ngũ diễn viên ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Thực tế thời gian qua, khó khăn của Đoàn Khmer là việc tuyển những người có năng khiếu vào đoàn. Đa số diễn viên được “gom về” từ các chuyến lưu diễn trong vùng có đông đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, hầu hết đều chưa đủ bằng cấp theo đúng yêu cầu, chỉ là mời về đoàn, đào tạo theo kiểu “nghề dạy nghề”. Hơn nữa, khi tìm được người có năng khiếu vượt trội thì đoàn lại hết biên chế, nên đành ngậm ngùi tiếc nuối không chiêu mộ được người tài. Bên cạnh đó, khi đồng lương ít ỏi khiến cho cuộc sống bấp bênh, làm cho diễn viên khó bám trụ được với nghề. Như trường hợp của Liêu Tuấn. Là một diễn viên giỏi, nhưng do không nuôi nổi cha mẹ từ đồng lương của mình nên anh đã từ giã đoàn đến “miền đất hứa” Bình Dương để mưu sinh.

Trước thực tế trên, thiết nghĩ, ngành chức năng cần có những chính sách tiếp sức cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Khmer để họ có thể yên tâm cống hiến, cũng như thay đổi cơ chế để giữ chân và thu hút người tài. Cùng với đó là tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc tham gia học các lớp chuyên ngành Văn hóa - nghệ thuật nhằm đào tạo “ươm hạt giống” mới cho công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer ở Bạc Liêu ngày càng phát triển.

Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.