Chợ tết

Thứ Tư, 07/02/2018 | 17:34

Cái chợ ngày thường vốn đã là nơi của sự nhộn nhịp. Mùa sắm sanh cho tết, chợ lại càng tấp nập hơn bất cứ khi nào. Từ chợ nhóm đến chợ phường, chợ trung tâm, rồi luôn cả những siêu thị, nhiều là vậy mà chợ nào cũng đông đúc khách. Những người nội trợ đang đến đó để “mang tết về nhà”.

Cách đây gần 30 năm (xa lắc như thế mà tôi vẫn nhớ), những ngày giáp tết như thế này, mẹ thường dắt tôi đi bộ ra chợ. Một mặt vì mẹ không biết chạy xe, nhưng nguyên nhân chủ yếu là vì chợ búa những ngày vào tết đông lắm, người ta chen chúc nhau, đi bộ còn không đủ chỗ, huống hồ chi chạy chiếc xe cồng kềnh chiếm mất không gian. Tôi chợt nhớ đoạn ký ức này là vì mấy hôm trước khi chạy xe máy vòng vèo vô chợ, bị kẹt xe trong đó mất hơn 10 phút. Bà bán hàng xén nói vọng ra “mấy ngày này đi chợ sao không gửi xe mà chen nhau làm chi cho kẹt xe”, bà ta nói lớn như … rầy, đủ làm ai chạy xe đi chợ cũng thấy nhột nhưng không ai ra mặt trả lời, vì bà nói đúng.
Một đoạn ký ức về những ngày đi chợ tết chợt ùa về, thấy nôn nao trong dạ như hồi mình mới là trẻ lên mười. Đi chợ tết với mẹ, mẹ bảo mặc đồ mới mà đi, dù vài ngày nữa mới tới tết. Thế là, tha hồ mà diện đồ mới, xúng xính cùng mẹ ra chợ. Mẹ cầm cái giỏ, tôi bước theo sau. Mua món gì mẹ cũng trả giá, vì đó là thói quen của những người nội trợ, nhất là những ngày giá cả đắt đỏ như dịp cuối năm, không trả giá, mặc cả là coi chừng bị… chém đẹp. Mẹ còn phải sắm chiếc cân ở nhà để phòng khi bị cân thiếu. Mua món nào về, mẹ cũng cân đọ lại coi có thiếu không, đủ thì thôi, nhích cỡ một đến hơn trăm gram là mẹ nói: “Thấy chưa, bán mắc mà còn cân thiếu, mai mốt không mua chỗ này nữa”. Đó là giải pháp ôn hòa giữa bà nội trợ và kẻ bán hàng. Có người không dùng cách ấy mà đem hàng ra chợ rồi đôi co, thế là chợ búa còn là nơi của những trận cãi vã kịch liệt giữa kẻ mua - người bán. Mẹ tôi đi chợ chưa biết lớn tiếng với ai bao giờ, vì bà chỉ cần rút kinh nghiệm để biết chọn mặt mà… mua đồ.

Ảnh minh họa: H.T


Chợ thời nay ít diễn ra những trận đấu mồm giữa kẻ bán - người mua (mà chủ yếu là giữa người bán với nhau, cãi vì tranh giành khách). Chuyện bán buôn thời trước có câu “trăm người bán, vạn người mua” chứ còn bây giờ, tính toán từ cái chợ nhóm đến chợ trung tâm trong thành phố, rồi luôn cả các siêu thị thì cái tỷ lệ ấy không còn như thế. Vạn người mua thì cũng cỡ… ngàn người bán. Ở đâu cũng thấy những gian hàng phục vụ tết. Một không gian tết cứ bày ra khắp nơi. Đâu còn chỉ ở trong chợ. Nhưng cái gì bán để phục vụ tết thì tôi gom lại thành chợ tết.
Chợ tết trong chợ Bạc Liêu và những sạp hàng xung quanh quy tụ hàng hóa nhiều nhất. Những mặt hàng thiết yếu như các loại khô, bánh mứt, hoa quả, vật dụng trang trí đủ sắc màu, hương vị... Vì đông người bán nên đi đến sạp nào, người tiêu dùng cũng được đón chào đon đả. Học theo tính mẹ, khi vào vai người nội trợ, tôi cũng là một bà nội trợ thân thiện, ôn hòa. Chưa bao giờ tôi phàn nàn chuyện cân thiếu, vì ở nhà không có cái cân để đọ. Nhưng tôi khác mẹ ở chỗ, nguyên tắc đi chợ của tôi là ít khi mặc cả, trả giá. Một là vì, thời buổi cạnh tranh này tôi nghĩ không có chuyện hét giá. Hai là, những người buôn bán, nhất là buôn gánh bán bưng, họ vất vả thì mình cũng có thể bỏ một số tiền (nếu chẳng may bị nói thách) để giúp đỡ. Cả hai lý do đó, mẹ tôi bảo “con lầm chết”, vì thời buổi cạnh tranh nhưng nhiều người vẫn có thể bán giá đắt, những người càng quen thì càng bán… đắt vì họ biết mình sẽ không trả giá, ở nguyên nhân thứ hai, mẹ nói những người buôn bán không phải ai cũng nghèo khó, nên khi mua là phải mặc cả. Mỗi bà nội trợ có một suy nghĩ riêng nhưng dù muốn dù không thì thì sự tấp nập, chen lấn khi đi chợ tết cũng chẳng còn khoảng trống nào để tôi trả giá, mua cho nhanh để đến lượt người khác mua.
Những mặt hàng tết bây giờ đâu chỉ có ngoài chợ và trưng bày thật bắt mắt trong các siêu thị. Người bán có đủ hình thức để bán. Thuê một góc đường hay vỉa hè là có ngay một góc chợ tết xôn xao (chính quyền cũng tạo điều kiện giúp đỡ những người bán hàng, chứ đúng ra việc bán hàng trên vỉa hè là sai nguyên tắc). Điển hình ở nội ô TP. Bạc Liêu, có thể kể đến con đường Trần Phú, những gian hàng phục vụ tết mọc đầy, tha hồ cho khách tiêu dùng sắm sửa. Một hình thức nữa là bán hàng qua mạng, những người “bạn hàng” này ngày thường là công nhân, viên chức, cán bộ, giáo viên… Họ tranh thủ để có đồng vô đồng ra chi tiêu trong dịp tết. Những đơn hàng được “ký kết” qua mạng xã hội, qua mối quan hệ đồng nghiệp để đặt mua khô, hoa, mứt… thật xôm tụ cũng làm nên một cái chợ tết âm thầm mà không kém phần nhộn nhịp trên mạng Facebook hay ở những văn phòng, công sở. Thế mới thấy, có đủ loại chợ tết!
Trên con đường Nguyễn Tất Thành của TP. Bạc Liêu, dù khởi động sau các gian hàng bán tết khác, nhưng con đường hoa này đem lại một cái tết vui vẻ và đầy sinh động nhất! Những nhà vườn tận miệt Đồng Tháp, Bến Tre, Cần Thơ… mang thành phẩm sau những tháng ngày vất vả vun trồng để mang về chợ hoa Bạc Liêu những sắc màu của tết. Bắt chước mẹ tôi mấy chục năm trước, chiều chiều tôi lại dẫn bộ hai đứa nhóc nhà mình đi ngắm con đường hoa. Đi chợ hoa không có nghĩa là để mua hoa, mà còn để mấy đứa trẻ thích thú với cái không gian tết nhứt vui vẻ, mà người lớn như mẹ chúng còn thấy vui, đừng nói chi trẻ nhỏ. Những thiếu nữ làm điệu bên hoa để ghi những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa xuân và tươi như thời xuân thì của họ.
Chợ tết đang xôn xao từng ngày, kéo dài cho đến chiều 30 tết. Thật vui khi ra chợ tết những ngày này. Hãy gác công việc lại, thả một vòng ra chợ tết, đi lang thang trên những con đường, vào trong siêu thị hoặc lang thang trên mạng xã hội để cảm nhận mùa xuân đang rộn ràng.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.