Chung tay bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc Khmer

Thứ Hai, 19/03/2018 | 16:06

Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng đồng bào dân tộc Khmer Bạc Liêu luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều công trình kiến trúc được đầu tư xây dựng hoành tráng, các lễ hội truyền thống ngày càng phát huy giá trị, nhiều loại hình nghệ thuật Khmer đặc sắc được quan tâm bảo tồn… có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào dân tộc.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer Nam bộ nói riêng. Đối với Bạc Liêu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm tôn vinh, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách đầu tư của tỉnh có hạn thì việc huy động các nguồn lực từ xã hội, nhất là trong cộng đồng ở phum sóc là việc làm cần thiết.

Đồng bào dân tộc cúng dường tại chùa Khmer ở phường 8 (TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.T
Theo đó, các địa phương trong tỉnh không ngừng ra sức thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật Khmer. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền được tăng cường triển khai bằng nhiều biện pháp, hình thức phù hợp với đặc điểm vùng tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống. Ông Lê Trường Hận, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), cho biết: “Là địa bàn có hơn 70% dân số là người dân tộc Khmer, Đảng ủy, UBND xã xác định vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa Khmer là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, xã đã lồng ghép nội dung này vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa; phát huy tốt vai trò của Ban trị sự chùa Khmer, người có uy tín trong đồng bào để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào. Từ đó, bà con nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng và trách nhiệm đối với công tác bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Nhiều loại hình nghệ thuật Khmer tại xã Vĩnh Trạch Đông từng đối mặt với nguy cơ bị mai một như: nhảy khỉ ngựa, múa gáo, múa Apsara. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương và đồng bào dân tộc đã nỗ lực “giữ lửa” cho những loại hình này bằng cách cho thanh thiếu niên tham gia các phong trào văn nghệ, hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị hoạt động… Ngoài ra, các lễ hội truyền thống Khmer như: Chôl Chnăm Thmây, Đôn-ta… có sự đóng góp của người dân nên được tổ chức long trọng, đậm đà sắc màu văn hóa.
Có dịp về thăm các phum sóc Bạc Liêu sẽ dễ dàng bắt gặp những ngôi chùa Khmer lộng lẫy, mang lối nghệ thuật kiến trúc rất độc đáo. Hầu hết các hạng mục, công trình của chùa đều được xây dựng bằng tấm lòng, sự tôn kính của phật tử Khmer. Vào các dịp lễ, tết cổ truyền Khmer hay các ngày sinh hoạt tín ngưỡng, đồng bào dân tộc đều đến chùa chiêm bái và cúng dường. Và tất cả những kinh phí này đều được chùa sử dụng trong việc xây mới, nâng cấp các công trình phục vụ tín ngưỡng, văn hóa. Ông Lý Pô, phật tử chùa Hòa Bình cũ (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình), bày tỏ: “Đối với đồng bào Khmer, ngôi chùa là một phần rất quan trọng trong đời sống và sinh hoạt tín ngưỡng. Do đó, việc chung tay xây dựng chùa khang trang là trách nhiệm và niềm tự hào đối với mỗi người dân. Ở chùa Hòa Bình cũ, từ những công trình lớn như: ngôi giảng đường, chánh điện, tượng Phật Thích Ca…, đến những hạng mục nhỏ như: tiểu cảnh về Phật, bích họa sự tích Phật, biểu tượng văn hóa Khmer… đều được tạo dựng bởi công sức, tấm lòng thành của phật tử trong và ngoài địa phương”.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer đòi hỏi một quá trình lâu dài, bằng nhiều nguồn lực. Chính vì vậy, đồng bào dân tộc tỉnh nhà đã, đang và sẽ tích cực chung tay với Đảng, Nhà nước gìn giữ, tôn vinh những nét đẹp truyền thống của văn hóa Khmer, góp phần làm đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc anh em trên đất Bạc Liêu.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.