Chuyện ở đôi bờ…

Thứ Tư, 10/04/2019 | 16:54

Đó là đôi bờ sông rất đẹp, hiền hòa và đằm thắm như chính ngay trong tên gọi của dòng sông và chiếc cầu bắc ngang con sông ấy: sông Bến Hải và cầu Hiền Lương (thuộc địa phận hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị). Thế nhưng, đó cũng là nơi oằn mình chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước suốt hơn 20 năm trời trong thời kỳ chiến tranh… Ở đôi bờ sông ấy, có biết bao nhiêu câu chuyện xúc động được lịch sử ghi chép lại, để người hôm nay khi đứng trước cây cầu mà lòng ngậm ngùi khôn tả.

Với “sứ mệnh đặc biệt” của lịch sử, cầu Hiền Lương luôn đón nhiều khách tham quan. Ảnh: C.T

Đoàn chúng tôi (cán bộ, phóng viên Báo Bạc Liêu) có chuyến hành quân về khúc ruột miền Trung giữa cái nắng gay gắt đầu tháng 4. Một tháng 4 lịch sử được về với những vùng đất in đậm dấu ấn lịch sử oai hùng của dân tộc đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng, kỷ niệm đặc biệt, từ những câu chuyện xúc động bật thành suối lệ trong mắt, trong tim mỗi người. Đó là khi chúng tôi dừng chân ở Thành cổ Quảng Trị - mảnh đất chịu hậu quả nặng nề của cuộc tổng công kích 81 ngày đêm khói lửa mà địch gieo rắc xuống nơi này năm 1972. Người ta ước tính mức độ công phá đó bằng 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Là khi chúng tôi dừng chân mặc niệm thật lâu trước tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở tỉnh Quảng Nam. Là khi chúng tôi được nghe lời thuyết minh của anh Trần Văn Minh, Phó ban Quản lý di tích Bến Hải - Hiền Lương về những câu chuyện ở đôi bờ chia cắt.
“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”
Có một đôi vợ chồng vừa cưới nhau, nhưng nhà người này bên bờ sông, nhà người kia bên nọ sông, thế là câu thơ trên nói thay lời cho những cặp vợ chồng “nhớ nhau thì nhớ mà gần không được gần”, dù chỉ cách một con sông, chung một nhịp cầu. Họ chỉ biết chiều chiều đứng bên đây ngóng sang bên ấy. Rồi còn nữa, là những cuộc văn nghệ, đoàn diễn viên bên này sông biểu diễn, bên kia sông nhân dân tụ tập rất đông để xem, nhưng tuyệt nhiên không ai dám vỗ tay khi kết thúc một tiết mục hay, vì vỗ tay là theo phe bên kia chiến tuyến, là sẽ bị khép tội “phản”… Những câu chuyện cảm động giữa hai miền Nam - Bắc ngay chốn chia cắt này có biết là bao nhiêu... Ngỡ rằng chỉ tạm thời, nhưng không, sự chia cắt ấy kéo dài ngót 21 năm trời.
Theo tư liệu, năm 1954, sau khi Pháp thất bại tại Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết. Theo Hiệp định này, Việt Nam tạm thời chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 với sông Bến Hải làm giới tuyến tạm thời trong 2 năm (1954 - 1956). Nhưng đến năm 1956, Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa - Ngô Đình Diệm, với sự hậu thuẫn của Mỹ đã không thực hiện tổng tuyển cử đất nước như Hiệp định đã ký kết. Thế là cầu Hiền Lương trở thành chứng tích lịch sử 20 năm chia cắt đôi bờ Nam - Bắc, hai miền Bắc - Nam của Tổ quốc Việt Nam.
Và ở hai bờ sông, bên cạnh những câu chuyện xúc động về nỗi chờ mong sum họp một nhà, đất nước nối liền một dải... thì cũng có những câu chuyện gây cấn khác. Chúng tôi được anh Trần Văn Minh, Phó ban Quản lý di tích Bến Hải - Hiền Lương kể khá tận tường về những “cuộc chiến chọi cờ”, “cuộc chiến âm thanh”, sau đó dẫn chúng tôi tham quan chiếc cầu hai màu sơn mang tên Hiền Lương - nơi chứng kiến sự chia cắt đất nước dài đăng đẳng như một vết đau.
“Cuộc chiến chọi cờ” được xem là cuộc chiến gay gắt và quyết liệt nhất diễn ra trong suốt 14 năm ròng. Chiều cao của cột cờ cứ được hai bên “chọi” lẫn nhau, từ cây cột cờ bằng phi lao dài 12m của ta, phe địch dựng cột cờ cao 15m…, cứ thế hai bên kéo cột cờ cao dần, cao dần, đến đỉnh điểm cột cờ cao nhất giới tuyến là cột cờ của ta có chiều cao 38,6m, kéo lá cờ 134m2, nặng 15kg do Chính phủ điều Tổng công ty lắp máy Việt Nam gia công thực hiện. Tất nhiên sau đó cột cờ này cũng chịu nhiều đợt công kích, bắn phá hòng đánh sập… Xung quanh câu chuyện chọi cờ còn có những câu chuyện về sự thầm lặng hy sinh của những người may cờ, treo cờ và bảo vệ lá cờ Tổ quốc nữa…
“Cuộc chiến âm thanh” giữa đôi bên cũng đã để lại khu di tích những hệ thống loa với công suất “khủng” và những chiếc loa với đường kính vòng loa lên đến 1,7m!
Chiếc cầu hai màu sơn hiện nay là phục dựng để người thế hệ hôm nay nhìn chiếc cầu như một chứng nhân lịch sử đã từng làm “nhiệm vụ” chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc trong chiến tranh khốc liệt. Còn thật ra, trong thời kỳ chia cắt ấy, hễ mỗi lần phe địch sơn màu cầu khác với bên ta (để phân chia đôi bờ, hai miền Nam - Bắc) thì bên ta lại sơn lại cùng màu để thể hiện khát vọng thống nhất đất nước non sông. Cuộc chiến sơn màu cầu kéo dài 5 năm và cuối cùng chính quyền Sài Gòn phải chịu thua để cho chiếc cầu chung một màu sơn thống nhất. 
Chúng tôi đứng giữa lằn ranh là một vệt sơn màu trắng, nó nối đôi bên cầu - một bên màu vàng, một bên màu xanh - mà thấm thía nỗi đau chia cắt đất nước trong lịch sử của dân tộc mình.
Đã về khúc ruột miền Trung thì chúng ta không thể không dừng chân ở nơi này. Dừng để ngắm cột cờ cao vun vút trên không, để nhìn hệ thống loa phóng thanh năm nào, nhìn tượng đài anh chiến sĩ canh gác biên cương Tổ quốc, và kia là chiếc cầu hai màu sơn như một chứng nhân chứng kiến sự chia cắt làm nhói lòng dân tộc Việt Nam. Hai bên bờ sông, hai bên chiếc cầu của khu di tích Bến Hải - Hiền Lương (được xếp hạng là di tích cấp quốc gia từ năm 1986) đã mấy mươi năm rồi vẫn xui người ta rưng rưng trong lòng khi dừng chân nơi ấy. 
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.