Cô thợ may và người lính Cụ Hồ

Thứ Sáu, 21/12/2018 | 16:27

Ngọn gió bấc sáng nay len lỏi qua những con đường làng, báo hiệu ngày tết gần kề và ngọn gió ấy như nhắc nhở chị Tư Hường đã đến ngày hẹn của mình. Chị chỉn chu trang phục và xách chiếc giỏ đã chuẩn bị sẵn hôm qua với bánh trái, nhang đèn… Khác với mọi người, chị viếng nghĩa trang liệt sĩ vào ngày của riêng chị.
Năm nay chị cũng ngấp nghé tuổi 70, vậy mà nhìn vẫn còn phảng phất nét thanh xuân của cô thợ may ven rừng U Minh hồi thập niên 70 của thế kỷ trước. Có lẽ vì thế mà ngày xưa bất kể bộ đội nào mỗi lần chèo xuồng tới cái tiệm may nhỏ của chị Tư Hường cũng đều ghé qua một chút. Chị là con thứ tư trong gia đình có đông anh em, nghề may của chị có tiếng ở vùng này, nhất là may đồ lục quân cho bộ đội, đường kim mũi chỉ thật khéo léo, dáng người như thế nào chị may cũng đẹp. Bởi vậy, anh chàng nào diện bộ đồ mới thì có người hỏi ngay: “Tư Hường may phải không?”. Và người mặc cảm thấy tự tin vì biết câu hỏi ấy là lời khen gián tiếp.
Gần tết, thợ may rất bận rộn nhưng chị thường ưu tiên cho cán bộ, chiến sĩ trước. Một hôm có người lính đem khúc vải màu cỏ úa nhờ chị đo may, chị nhận lời nhưng nói trước là không được hối vì đồ may còn nhiều lắm, người lính ấy trả lời: “Bao lâu cũng được!”. Rồi vài lời hỏi thăm, xã giao, chỉ vậy thôi! Hôm sau anh ấy đến nhờ chị khâu dùm chiếc áo sứt chỉ, hôm sau nữa lại nhờ đơm dùm chiếc nút, rõ ràng là anh ấy muốn được trò chuyện với chị Tư Hường nhiều hơn. 
Bộ đồ màu cỏ úa đã may xong 5 ngày, 10 ngày… mà không thấy anh tới nhận, chị hỏi thăm người quen mới biết đơn vị anh đã hành quân qua vùng khác làm nhiệm vụ đặc biệt nên anh không từ giã chị lúc lên đường. Một cảm giác trống vắng len lén xuất hiện trong chị, chị cố lý giải những điều hoang mang nhưng không thể, hình như càng lúc nó càng đậm hơn, rõ hơn trong lòng mình, từ đó chị ít cười, ít nói, đôi mắt cứ xa xăm.
Người ấy không trở lại, cả đơn vị anh không ai trở lại! Các anh đi một chuyến thật xa mà người ta ví là đi “trả nợ non sông” hay “đền nợ nước”. Dù từ ngữ nào thì cũng không mô tả hết cái cao cả của người lính trong thời chiến, các anh đã luôn sẵn sàng tiến về phía kẻ thù dù biết rằng đó là nơi nguy hiểm, là một mất một còn…
Năm mươi năm sau, trong chiếc rương cũ vẫn còn nguyên vẹn bộ đồ lục quân màu cỏ úa, chỉ vậy thôi! Không có một kỷ vật nào khác, không có một bức thư tình nào hết! Và chị vẫn một mình…
Cứ đến ngày 22/12 hàng năm là ngày hẹn của chị với anh, người lính Cụ Hồ năm xưa, chị thắp hương lên hàng trăm ngôi mộ, lâm râm đọc tên từng liệt sĩ. Trong lòng chị hình như người lính có nước da bánh mật, dáng cao cao ấy vẫn còn hành quân đâu đó chưa về. Nắng đã lên cao, gió bấc từng đợt phả vào không gian làm dịu đi ánh mặt trời đang tỏa nhiệt, chị cảm thấy lòng nhẹ tênh trên con đường trở về nhà.
Căn nhà cũ đã được cất lại khang trang, tiệm may cô Tư Hường giờ trở thành cửa hiệu thời trang áo cưới, trang điểm cô dâu. Ngày ngày, nhìn những cô gái lộng lẫy trong những chiếc váy cưới rực rỡ, duyên dáng bên người chồng tương lai cũng chững chạc trong bộ veston sang trọng, chị âm thầm nở nụ cười vui theo hạnh phúc của họ. Chị tự nhủ “anh chưa được làm chú rể, nhưng anh đã xây đài hạnh phúc cho tất cả những ai đang hưởng cuộc sống thanh bình, trong đó có những lứa đôi đang sánh bước vào lễ đường trong mùa cưới năm nay”.
Bút Ngọc 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.