Cuộc thi bút ký văn học ĐBSCL năm 2016 - 2017: Gửi lòng vào những triền sông

Thứ Hai, 22/01/2018 | 16:26

Không hẹn mà gặp, nhiều tác phẩm trong cuộc thi bút ký văn học ĐBSCL năm 2016 - 2017 lại nhắc nhiều đến những triền sông Cửu Long. Đó là con “sông mẹ”, rồi những vàm, những nhánh sông cùng chảy trên những triền sông vùng đất Chín Rồng đã để lại trong tâm thức rồi trôi trên văn chương những dòng trăn trở, nghĩ suy đầy tình cảm, trách nhiệm của những cây viết có tấm lòng với quê hương mình.

Là một trong những hoạt động liên kết của các Hội VH-NT ĐBSCL, cuộc thi bút ký văn học ĐBSCL lần thứ VI, năm 2016 - 2017 do Hội Liên hiệp VH-NT tỉnh Long An đăng cai. Từ tháng 8/2016 - 3/2017, Ban tổ chức đã nhận 138 tác phẩm của 83 tác giả ở 12 tỉnh, thành phố (Trà Vinh không tham gia). 34 tác phẩm được chọn vào chung khảo và 11 tác phẩm xuất sắc nhất được xếp hạng, trao giải. 
Khác với những loại hình khác, bút ký văn học mất nhiều thời gian hơn để Ban giám khảo chiêm nghiệm, cân nhắc và quyết định xét giải. Riêng bản thân khi thưởng thức các tác phẩm, tôi cho rằng, văn chương ĐBSCL tình cảm quá! Đọc bút ký nào cũng thấy hiện lên những dòng nghĩ suy, trăn trở mà người viết ắt phải có tấm lòng với quê cha đất mẹ mới viết nên được. Dù mỗi tác phẩm đầy ắp những thông tin, ngồn ngộn trên nhiều trang viết, thì người đọc vẫn không thấy… dài, nếu biết yêu nơi được nhắc đến, chuyện được khơi dậy trong đó! Câu chữ ở đâu mà “ra” nhiều như thế nếu không có những suy tư, trăn trở tận trong lòng.  

Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh Bạc Liêu - Nguyễn Vũ chúc mừng tác giả Lương Ngọc Thơ đoạt giải Ba và Trần Chí Thành đoạt giải Khuyến khích. Ảnh: C.T
Không hẹn mà gặp, nhiều bút ký tập trung viết về những triền sông, những câu chuyện, con người dính dáng đến sông nước, biển đảo quê hương, có thể điển hình như: “Man mác Vàm Nao” (giải Nhất), “Một đời người, một đời biển” (giải Nhì), “Những người sống giữa hai bầu trời” (giải Ba), “Đau đáu sông Mẹ” (giải Khuyến khích), “Chờ đò” (giải Khuyến khích), “Thương sao một kiếp thương hồ” (giải Khuyến khích), và nhiều tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo như: “Sông nước quen mà lạ”, “Nhớ lắm mùa nước quê tôi”, “Phận sông nổi chìm”, “Gió qua miền sông chảy”, “Nơi ấy đầu nguồn”, “Có những dòng sông”, “Đêm Tháp Mười thao thức cùng dòng sông”… Chuyện sông hồ, biển cả, chuyện con nước lớn ròng cứ như dòng chảy chính thống của bút ký văn học năm nay. Phải chăng, chính vì những người đặt bút, gửi lòng mình vào văn chương, đã luôn dành một tình cảm đặc biệt cho nơi này: đất Chín Rồng nhìn quanh đâu cũng thấy bóng dáng những triền sông nuôi nấng bao đời dân quê ấy! Và những con sông hiền hòa đầy kỷ niệm, tạc vào tâm thức con người bấy lâu nay là tiềm năng, lợi thế, là những tên gọi ghi danh những chiến công hiển hách… cũng lại là nơi đang đầy những bất trắc, báo động nếu con người không biết yêu và biết “nghĩ” cho dòng sông quê mình.
“Đau đáu sông mẹ” của tác giả Trần Chí Thành (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT Bạc Liêu) dù chỉ dừng lại ở giải Khuyến khích, nhưng lại là bức tranh toàn cảnh về “sông mẹ” trên đất Chín Rồng với những trăn trở đầy trách nhiệm của một ngòi bút hiểu biết rộng về vùng đất này. Tôi ấn tượng với cách báo động của tác giả: “Thế giới đã bêu tên 10 con sông lớn bị ô nhiễm nặng… May mắn là sông Cửu Long chưa bị liệt vào danh sách này, nhưng theo tôi, có vẻ như sông Cửu Long xếp sau danh sách đó không xa!”. Theo tác giả, những khu công nghiệp mọc lên chứng tỏ ĐBSCL ngày một phát triển, nhưng nạn “một số nhà máy có cách “qua mặt chính quyền” về xử lý nước thải khá thú vị” đã làm đen những dòng sông. Và chuyện riêng của tỉnh Bạc Liêu được tác giả đề cập là việc lãnh đạo tỉnh đề xuất Trung ương hủy bỏ dự án Nhiệt điện Cái Cùng (ở huyện Đông Hải) ra khỏi Quy hoạch Điện VII lại được tác giả reo vui “may mắn thay, Thủ tướng đã đồng ý”, bởi vì theo tác giả, đó là cách Bạc Liêu muốn góp phần giữ cho “Sông Hậu khỏe khoắn, tiếp tục là bầu sữa mát ngọt, bổ dưỡng nuôi ĐBSCL, đừng để sông Hậu nói riêng, sông Cửu Long nói chung một ngày nào đó bị liệt vào danh sách những dòng sông chết”.
Chuyện nhỏ hơn ở một tên sông, thuộc địa phận tỉnh An Giang lại vươn tới đỉnh cao - giải Nhất cuộc thi, đó là “Man mác Vàm Nao”. Tác giả Trương Chí Hùng, một cây viết khá trẻ vùng ĐBSCL đã chiếm được cảm tình người đọc qua những suy tư trên một vàm sông. Đó là một tên sông man mác buồn, nội cái tên cũng có giả thuyết cho rằng chính vì nó làm nao lòng người nên người ta đã đặt đó là Vàm Nao. Cũng từng đi vào sử sách An Giang bằng những trận đánh oai hùng nhưng Vàm Nao “không bận tâm làm sử, chỉ âm thầm bổn phận làm sông”. “Làm sông” cũng có bổn phận? Vàm Nao được tác giả bóc tách ở từng tiểu mục gây ấn tượng người đọc, “Cái nết con sông, tấm lòng con cá”, “Vàm Nao, bông lau nao lòng người xa xứ”, “Tang điền biến vi thương hải”, “Vàm Nao, bông lau làm sao thu hút khách?”. Từng tiểu mục đủ khiến người đọc cảm nhận được sự “man mác” của Vàm Nao, hay chính là của người viết khi nghĩ đến Vàm Nao đầy hồi ức, kỷ niệm, trăn trở và tình yêu về một nhánh sông. 
Và một nhận định bên lề của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về “Những người sống giữa hai bầu trời” - tác phẩm đoạt giải Ba của Lương Ngọc Thơ (Bạc Liêu) đã trở thành động lực để nữ tác giả trẻ này tiếp tục phấn đấu trong nghiệp viết lách! Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (tham gia Ban giám khảo vòng sơ khảo) cho rằng, đó là tác phẩm xứng đáng đoạt giải cao hơn, theo nhận định riêng của chị! Vì đó là cảm xúc thật, từ câu chuyện có thật và dù viết từ những chuyến đi riêng tư, nhưng lại mang ý nghĩa lớn về nỗi lòng giữa những người sống ở đảo và sống ở bờ, những hy sinh thầm lặng của người nơi đầu sóng ngọn gió, kẻ ở trong bờ với muôn vàn yêu thương, nhung nhớ… tất cả vì sự yên bình của biển đảo thân yêu! Không chủ quan, nhưng năm nay, Bạc Liêu có 3 tác giả dự thi với 4 tác phẩm, 2 tác phẩm đoạt giải thì đó là một vinh dự lớn! Quan trọng hơn, gửi gắm trong ấy là những thông điệp thời sự và những câu chuyện lòng rất đỗi nhân văn!
Từ những trăn trở, suy tư đầy trách nhiệm của người viết, cuộc thi bút ký văn học ĐBSCL lần này khép lại nhưng mở ra những định hướng đáng quan tâm cho vùng đất Cửu Long. Là vì, mỗi một cuộc thi, theo nhà báo Nguyễn Phấn Đấu (người đoạt nhiều giải nhất trong cuộc thi năm nay: giải Nhì, giải Ba, giải Đặc biệt viết về Long An) “là cái cớ để ngồi lại trải lòng mình trên những trang viết về vùng đất mình đang sống và yêu thương”.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.