Đã thấy "hình hài" Bảo tàng Bạc Liêu!

Thứ Sáu, 21/12/2018 | 16:26

Xây dựng một bảo tàng “đúng chuẩn” thiết chế văn hóa cấp tỉnh đặc biệt phải nói là yêu cầu cấp thiết ở Bạc Liêu trong rất nhiều năm qua. Từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Bảo tàng tỉnh đã nhiều lần di dời, tuy vẫn hoạt động nhưng chưa thật sự là điểm đến hấp dẫn cho người tham quan. Khi nào bảo tàng mới thật sự thu hút khách tham quan và làm sao để người ta chủ động tìm đến? Để trả lời câu hỏi này, một bảo tàng được đầu tư chỉn chu và phát huy đúng công năng cần sớm được ra mắt. Đã thấy “hình hài” đó trên một phác thảo đề cương. Những ý kiến đóng góp cho bước chuẩn bị này thật sự là cần thiết để có một bảo tàng có giá trị về nhiều mặt ở Bạc Liêu.

Vấn đề hệ thống bảo tàng cấp tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng cũng như hoạt động, cần nói rõ, không phải chỉ riêng ở tỉnh Bạc Liêu. Rất nhiều địa phương có những cái khó na ná, như thiếu thốn về diện tích đất xây dựng, chưa được phê duyệt nguồn vốn đầu tư… Sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở từng địa phương, vai trò tham mưu tích cực của ngành chủ quản mới chính là điều kiện quan trọng để tạo nên sự khác biệt, nhằm giải quyết những cái khó để ưu tiên cho một thiết chế văn hóa cấp tỉnh đặc biệt này. 
Và ở Bạc Liêu, “hình hài” một bảo tàng quy mô được xây dựng đáp ứng những nhu cầu theo quy định, chấm  dứt tình trạng di dời đã có tín hiệu đầy khả quan! Ngay từ giữa năm 2016, đã có chủ trương của UBND tỉnh về việc xây dựng và di dời Bảo tàng tỉnh về Trung tâm Triển lãm VH-NT và Nhà hát Cao Văn Lầu (khối nhà B và C). Sau những cuộc họp, các bước thực hiện nhiều thủ tục liên quan thì mới đây, “Đề cương trưng bày Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu” đã một lần nữa được UBND tỉnh tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp.

Quang cảnh buổi họp lấy ý kiến đóng góp cho đề cương trưng bày Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: C.T

“Bảo tàng là một thiết chế văn hóa cấp tỉnh đặc biệt, bảo tàng sẽ cho người ta biết địa phương đó “đối xử” với lịch sử như thế nào, đối mặt với hiện tại và tương lai như thế nào. Đó không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật quý giá về lịch sử, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Bạc Liêu đến với du khách”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lâm Thị Sang khẳng định như thế tại cuộc họp lấy ý kiến đóng góp “Đề cương trưng bày Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bạc Liêu”. Hơn 2.000 hiện vật tại Bảo tàng tỉnh lưu giữ hiện nay sẽ được phân loại, chọn lọc để phù hợp các chuyên đề ở một Bảo tàng được đầu tư mới trên cơ sở đảm bảo tính khoa học, tính xác thực.
Nội dung trưng bày chính là cốt lõi của một bảo tàng. “Thể hiện đầy đủ, trung thực những giá trị riêng biệt, điển hình của vùng đất, con người; tạo điểm nhấn nhằm tôn vinh các giá trị nổi bật, tránh sự trùng lắp gây nhàm chán. Tôn trọng sự thật lịch sử, không phô trương, sai sự thật lịch sử. Tạo thành một không gian khám phá suốt tuyến, mạch lạc, dễ hiểu, tạo độ thông thoáng, đảm bảo sự thoải mái cho du khách tham quan theo đoàn và khách tự do…”, đó là những cam kết của đơn vị tư vấn - Công ty TNHH Lê Phan. Tuy nhiên, tại cuộc họp đã ghi nhận nhiều ý kiến mà đơn vị tư vấn phải chỉnh sửa mới đáp ứng cam kết đó, để đề cương thật sự hoàn chỉnh và là cơ sở xác đáng đề nghị UBND ra quyết định triển khai thực hiện.
Ở chức trách chuyên môn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh - Lê Thanh Tự cho rằng, trong các hạng mục trưng bày tránh sự dàn trải, phải tập trung vào chủ đề chính; đặc biệt phải tạo điểm nhấn đặc biệt đối với sự kiện Nọc Nạng và sự kiện Ninh Thạnh Lợi cũng như hai lần giành lại chính quyền không nổ súng ở Bạc Liêu. Đại diện Ban quản di tích tỉnh góp ý cần chỉnh sửa, cập nhật nhiều số liệu trong đề cương cho sát hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là những con số mang tính chất so sánh, và một số mô hình phục dựng các điểm di tích đặc biệt ở Bạc Liêu là nên có trong trưng bày tại bảo tàng. Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu - Lê Hồng Thu cũng đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về nội dung lẫn hình thức trưng bày: nên tích hợp hình ảnh để trình chiếu, không nên trưng bày quá nhiều, dàn trải; phải chú ý tính mỹ thuật (độ tinh xảo, độ tỷ lệ, màu sắc, hiệu ứng đèn, hài hòa bố cục không gian…). Ở bức phù điêu gò đồng “Cảnh quan thiên nhiên Bạc Liêu” cần tái hiện đủ đầy Bạc Liêu là vùng đất có hai hệ sinh thái mặn - ngọt hài hòa; ở hạng mục trưng bày trang phục Bạc Liêu không thể phân biệt thành hai loại trang phục “tầng lớp giàu có” và “tầng lớp nông dân” (như đề cương) mà nên phân thành trang phục đời thường và lễ hội, trang phục 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa…
Ngoài ra, còn rất nhiều ý kiến của đại diện Hội Khoa học - Lịch sử, lực lượng vũ trang xoay quanh việc chỉnh sửa tên gọi các địa danh, sự kiện, từ ngữ phải đảm bảo tính chính xác để tôn trọng sự thật lịch sử và văn hóa địa phương.
Như vậy, vẫn còn rất nhiều chi tiết quan trọng mà đơn vị tư vấn phải chỉnh sửa để phù hợp thực tế và để đề cương là cơ sở quan trọng đề nghị UBND tỉnh ra quyết định đầu tư thực hiện. Gần 69 tỷ đồng là khái toán của đơn vị tư vấn, số vốn đó phù hợp với dự toán mức đầu tư của tỉnh đối với công trình này. Thế nhưng, một đề cương hoàn chỉnh với những căn cứ pháp lý, cơ sở khoa học đảm bảo tính thuyết phục mới là những yếu tố cấn thiết để sớm có một quyết định chính thức. “Đơn vị tư vấn tổng hợp các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh đề cương một lần nữa, sau đó gửi các đơn vị tiếp tục đóng góp”, đó là phát biểu kết luận cuộc họp của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lâm Thị Sang. Qua nhiều lần đóng góp, chỉnh sửa, hy vọng Bảo tàng Bạc Liêu “chậm” về tiến độ nhưng “chắc” về chất lượng khi ra mắt công chúng. Một chiếc nón lá là Nhà hát Cao Văn Lầu đã “sáng đèn” tối thứ Bảy hàng tuần và là sân khấu lý tưởng tổ chức các hội diễn văn nghệ nói chung. Hai chiếc nón lá còn lại đi vào hoạt động với danh nghĩa một bảo tàng hiện đại sẽ giúp “ba nón lá” - công trình đã được ghi vào sách Kỷ lục Guiness Việt Nam - phát huy trọn vẹn công năng.
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.