Đặc sắc lễ Vu lan của người Hoa ở Bạc Liêu

Thứ Sáu, 25/08/2017 | 15:34

Một trong những lễ hội dân gian truyền thống được xếp vào lễ lớn và quan trọng của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu là Vu lan, hay còn gọi lễ báo hiếu. Lễ Vu lan của người Hoa ở Bạc Liêu mang những nét văn hóa đặc sắc riêng và đậm tính cộng đồng. Đối với người Việt, nếu như Vu lan chủ yếu được tổ chức ở các chùa thờ Phật, thì đối với cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu lễ hội này không chỉ diễn ra ở những chùa thờ Phật mà còn tập trung ở các miếu thờ Thần. 

Đậm tính cộng đồng
Lễ Vu lan của người Hoa ở Bạc Liêu không nhất thiết diễn ra vào Rằm tháng 7, mà được tổ chức ngay từ những ngày đầu đến hết tháng 7. Có miếu, chùa tổ chức cúng vào mùng 2, hay vào ngày 12 - 15 hoặc ngày 30 của tháng 7... Và đây trở thành phong tục đặc sắc của địa phương.
Tính cộng đồng của lễ Vu lan được thể hiện ở chỗ̉ việc tổ chức lễ không chỉ là trách nhiệm của các nơi thờ tự, mà còn được xem là trách nhiệm của cộng đồng. Điều đó được thể hiện ở việc trước khi khi diễn ra lễ Vu lan, các chùa, miếu của người Hoa thường thành lập các tổ đi vận động quyên tiền ở các khu dân cư, các chợ điểm. Tùy vào lòng hảo tâm và điều kiện mà người dân đóng góp tiền từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí có người đóng góp cả tiền triệu. Danh sách những người đóng góp và số tiền cụ thể sẽ được dán công khai ở chùa, miếu. Số tiền này sẽ dùng cho việc mua sắm lễ vật để tổ chức lễ Vu lan và mua gạo, nhu yếu phẩm… phát tặng người nghèo. Do vậy, lễ Vu lan còn được xem là dịp để mọi người làm phúc, chia sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh không may.
Xuất phát từ ý nghĩa này, lễ Vu lan của người Hoa ở Bạc Liêu thường có hai phần chính. Thứ nhất là lễ chay đàn cầu siêu cho các vong linh người đã khuất. Thứ hai là làm phước bằng cách tổ chức “thí giàn” để tặng gạo, phát quà… cho người sống. 

Các lễ vật được bày cúng trong lễ Vu lan của người Hoa. Ảnh: Thanh Thanh

Xây dựng văn minh lễ hội
Để tiến hành lễ Vu lan, một trong những nghi thức quan trọng là lễ dựng cây phướn (giống như cây nêu của miền Bắc). Cây phướn được chặt từ cây tre xanh còn lá, trên đầu cây tre treo tấm phướn với dòng chữ “A Di Đà Phật” hoặc “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật”. Có một điều đáng lưu ý, thước tấc cây phướn không phải muốn cao bao nhiêu cũng được, mà phải gắn với lễ Vu lan được tổ chức cúng nhỏ hay cúng lớn. Nếu cúng lớn, lễ vật nhiều thì phướn phải cao, còn cúng nhỏ thì cây phướn thấp. Vì theo truyền thuyết dân gian của người Hoa, cây phướn treo cao thì cô hồn nhiều nơi sẽ thấy và kéo đến đông, nên phải cúng lễ vật nhiều mới đủ ăn, nếu không cô hồn sẽ phá. Thường cây phướn được dựng trước sân chùa, miếu cao trung bình từ 5 - 10m.
Còn vì sao lễ Vu lan ở Bạc Liêu còn gọi là tổ chức thí giàn, hay giật giàn, vì trước đây cùng với lễ cầu siêu, vào ngày cuối của lễ Vu lan các chùa, miếu còn cất một giàn cao từ 3 - 5m và trên đó để rất nhiều đồ cúng. Ngoài thức ăn chay, còn có các lễ vật khác dành cho thí giàn thông qua hình thức thảy (quăng) thẻ. Thảy thẻ là hình thức người đứng trên giàn cao thảy các thẻ được trộn ngẫu nhiên với nhau xuống đám đông đi giật giàn. Trên mỗi cây thẻ được thảy ra đều có ghi tên lễ vật trúng được như: thẻ gạo - muối, thẻ kẹo (đụng kẹo), thẻ trầu - cau gắn với bao lì xì (đụng trầu - cau), thẻ mía - giò heo (đụng giò heo)… Ai giành được thẻ nào thì lãnh thưởng lễ vật được ghi trên thẻ đó. 
Theo quan niệm của nhiều người, đi giật giàn không đơn thuần là đi tranh lễ vật, mà chính là đi đón lộc. Bởi trong các lễ vật được đem ra thí giàn có ba lễ vật mà dân gian gọi là đụng (đụng trầu - cau, đụng kẹo, đụng giò heo) là những lễ vật mang lại tài lộc và cát tường. Do vậy, năm nào ai giành được đụng đó coi như may mắn. Như đụng trầu - cau, ngoài trầu - cau được xem là “lộc” còn kèm theo bao lì xì với giá trị lớn và được ví như “tài”. Tuy nhiên, hình thức thí giàn này hiện nay đã được nhiều chùa, miếu bỏ đi, vì tạo nên cảnh tranh giành, mất trật tự và thường gây tai nạn do chen lấn giành giật. Thay vào đó là hình thức phát phiếu tặng gạo từ 5 - 10kg/phiếu.
So với những năm trước đây, lễ Vu lan của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu đã thay đổi khá nhiều. Trong đó, nhiều chùa, miếu đã mạnh dạn cắt ngắn thời gian tổ chức tế lễ và cầu siêu từ 7 - 15 ngày xuống còn 2 - 3 ngày, rồi hạn chế đốt vàng mã nhằm tránh gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, có nguy cơ cháy nổ. Đồng thời, dành những phần tiền ấy cho việc mua gạo tặng người nghèo, mua cá phóng sinh, tặng tiền cho bệnh nhân nghèo, xây cầu, làm đường...
Với những đổi thay trong việc tổ chức lễ Vu lan và mạnh dạn bỏ đi những tục lệ gây lãng phí, lễ Vu lan của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu đã góp phần xây dựng văn minh trong lễ hội.
Lư Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.