Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bạc Liêu: “Giữ lửa” cho nghề truyền thống

Thứ Sáu, 13/10/2017 | 16:11

Được ví là “xứ cơ cầu” của phương Nam, Bạc Liêu đã trở thành chốn dừng chân của nhiều dân tộc anh em trên hành trình khám phá miền đất mới. Trong đó, dân tộc Khmer và Hoa có cư dân đông đúc nhất trong “đại gia đình” dân tộc thiểu số ở Bạc Liêu. Suốt bước đường an cư lạc nghiệp đã qua, họ đã chung tay kiến thiết cho Bạc Liêu những sắc màu văn hóa độc đáo. Điển hình là cách họ trân trọng, “giữ lửa” nghề truyền thống của dân tộc mình…

MỘC MẠC BÚN GẠO KHMER
Mấy năm trước, nghề làm bún gạo ở ấp Bà Gồng (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) vẫn còn xôm tụ. Cái xóm chỉ có vài chục hộ đồng bào dân tộc Khmer mà nhà nào cũng làm bún. Một ký bún có vài ngàn đồng nên nhiều người hay bảo, làm bún là “nghề lượm bạc cắc”. Ấy vậy mà, cái nghề này đã nuôi sống biết bao gia đình, nhiều nhà còn khá lên nhờ cọng bún. Vì được làm bằng một thứ nguyên liệu duy nhất là gạo cứng cơm, nên bún gạo mộc mạc như người dân phum sóc. Bún Bà Gồng được gần xa biết đến vì có độ dẻo, dai, ngọt... dần dần hình thành nên thương hiệu làng bún gạo.   
Trở lại Bà Gồng lần này, tôi thật sự ngỡ ngàng vì nhiều lò bún đã “cửa đóng then cài”. Tôi cảm thấy chạnh lòng vì không được chứng kiến hình ảnh những phụ nữ Khmer lui cui bên chái bếp đỏ lửa trổ tài nhào bột, ép bún, bắt bún… Giờ đây, ở Bà Gồng ít thấy những làn khói nghi ngút bay xuyên qua vách lá, cái âm thanh rột rột quen thuộc khi chiếc cối đá xay gạo cũng vắng hơn.
Hiện, trong xóm chỉ còn nhà bà Danh Thị Lệ giữ nghề làm bún gạo. Nguyên do là nghề này rất cực, thu nhập lại không đủ sống như trước… nên nhiều gia đình buộc lòng phải “treo nồi”. Trong cái chái bếp cũ rộng chừng 4m2, các thành viên gia đình bà Lệ thoăn thoắt thực hiện những công đoạn: xay gạo, nhào bột, trụng bột, ép bún… Lúc này, từ chiếc khuôn, những sợi bún trắng từ từ được ép ra lọt thẳng xuống nồi nước đang sôi ùng ục. Rồi bà Lệ lấy chiếc ca múc nước lạnh châm vào để điều tiết nhiệt độ trong nồi. Thấy tôi tỏ vẻ hiếu kỳ, bà Lệ bật mí bí quyết: “Khi bún ép ra sẽ được ngâm mình trong nước sôi. Tuy nhiên, nước phải đủ độ nóng thì mới được, nhưng không được quá nóng vì có thể làm sơi bún bị chai”. 
Bà Lệ hồi tưởng: “Hồi đó, ấp Bà Gồng nhộn nhịp nghề làm bún lắm. Khi mặt trời chưa thức giấc là năm, ba nhà xúm lại chong đèn dầu làm bún vì không có lò riêng. Rồi mẹ dạy con, bà chỉ cho cháu cách ngâm gạo, nhào bột, bắt lọn bún đẹp ra sao. Dù đã được gìn giữ hơn 1 thế kỷ nhưng giờ đây, nghề này thu nhập “meo” quá nên bà con không đành nhưng phải bỏ nghề”.
Bà Lệ còn kể kỷ niệm về mẻ bún đầu tiên làm phụ mẹ. Khi đó, các chị em của bà ríu rít xin mẹ mỗi người một lọn bún bỏ vào chén, rồi chạy xuống dưới bếp xịt thêm nước tương. Chẳng có thịt, tép hay rau, chén bún ngày ấy đã được ăn một cách ngon lành như thế. Cũng vì tự hào về nghề truyền thống của cha ông mà bà Lệ quyết không để lò bún “tắt lửa” và sẽ truyền lưu cái “vốn quý” này lại cho các con của mình.

* Bà Danh Thị Lệ (ấp Bà Gồng, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) trong một công đoạn làm bún gạo.
* Nghề làm tương của người Hoa ở Bạc Liêu. Ảnh: H.T

ĐẬM ĐÀ TƯƠNG NGƯỜI HOA
Đến với mảnh đất Bạc Liêu hiền hòa, hành trang được người Hoa mang theo là sự cần cù, khéo léo, giỏi giang trong chuyện mua bán. Trong cuộc sinh kế ở đất khách, người Hoa luôn tự hào và mong muốn mang bản sắc văn hóa dân tộc được lưu truyền và phát huy. Việc phát triển nghề làm tương là một minh chứng.
Trưa một ngày tháng 10, tôi lấy xe máy rảo một vòng nội ô thành phố để tìm lò sản xuất tương. Đến đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường 2, TP. Bạc Liêu), từ đằng xa, tôi đã trông thấy những chiếc khạp tương của lò bà Trần Thị Út. Lúc này, gió mang theo hương thơm ngào ngạt của tương xông thẳng vào mũi làm tôi tò mò hơn về nghề truyền thống của người Hoa. Đến nơi, trước mắt tôi là hàng trăm chiếc khạp tương đủ kích cỡ được bày kín cả sân. Trong cái nắng oi ả, những người phụ nữ đội nón lá đi lại kiểm tra tình trạng tiến triển của từng khạp tương. Do thời gian bắt đầu làm khác nhau nên mỗi khạp tương có màu sắc, mùi và vị cũng khác nhau.
Bà Út cho hay, công đoạn nào cũng quan trọng như nhau, quyết định đến chất lượng thành phẩm. Đậu nành sau khi loại bỏ những tạp chất sẽ được ngâm nước nóng rồi cho vào lò hấp. Đến khi đủ độ mềm, đậu được trộn với bột mì, đem đi ủ trong khoảng một tuần để cho ra meo. Tiếp đó là rửa lại bằng nước lạnh rồi cho vào khạp ngâm với nước muối. Trong thời gian hạt đậu “ngậm” nước muối nếu nắng tốt thì sẽ có màu đen, đỏ đậm. Đến đây, hạt đậu được vớt ra ngâm với nước đường (đường mật, đường mía) sẽ trở thành tương hột. Còn phần nước đậu đem hòa chung với nước đường và các loại gia vị sẽ cho ra xì yếu (nước tương). Dù là loại gia vị đặc trưng của văn hóa ẩm thực Trung Hoa, song xì yếu đã trở thành thứ nước chấm quen thuộc trong mỗi bữa cơm gia đình của người Bạc Liêu. Còn tương hột đem đi xào tỏi, hành lá và nêm chút gia vị là “ngon bá phát”.
Khi mới đặt chân đến Bạc Liêu, tài sản lớn nhất mà cha mẹ bà Út mang theo chỉ có chiếc giỏ đệm đựng quần áo. Từ một người đi làm thuê cho các lò tương, cha của bà đã tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng để khởi đầu cơ nghiệp. Cũng chính điều đó đã luôn nhắc nhở bà, làm tương là nghề gia truyền, mà đã là gia truyền thì không thể thất truyền. “Hồi còn nhỏ, tôi thường theo cha ra sân thăm nom từng khạp tương. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người cha với tấm lưng trần, đầu đội chiếc nón Tàu chỉ dẫn tôi các công đoạn làm tương ngon… Chính hương vị đậm đà của tương đã nuôi tôi khôn lớn. Có thể nói, hạnh phúc gia đình và tuổi thơ tôi đã được kết tinh, lưu giữ với nghề này”, bà Út chia sẻ.
Không đơn thuần là cái nghề để mưu sinh, nghề làm bún gạo của người Khmer hay nghề làm tương của người Hoa đã trở thành “hồn quê”, những gì thuộc về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.