Đồng bào Khmer đón Sen Đôn-ta vui tươi, ấm áp

Thứ Sáu, 23/09/2022 | 16:07

Những ngày cuối tháng 9, đồng bào Khmer khắp nơi trên quê hương Bạc Liêu bước vào lễ chính của Sen Đôn-ta (còn gọi là lễ cúng ông bà). Cùng với tết Chôl-chnăm-thmây và lễ hội Oóc-om-bóc thì Sen Đôn-ta là lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer, thể hiện lòng tưởng nhớ những bậc sinh thành, người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã có công xây dựng, phát triển phum sóc.

Đồng bào Khmer đến chùa Hòa Bình mới (huyện Hòa Bình) dâng lễ vật, nghe các sư thuyết pháp để hồi hướng công đức cho tổ tiên.

Theo phong tục, trước lễ chính thức (từ ngày 24 - 26/9) khoảng 2 tuần, phụ nữ Khmer thường rủ nhau đến chùa phụ giúp chuẩn bị cơm nước để cúng Phật. Tối đến thì vắt cơm, nghe các sư thuyết pháp, tham gia nghi thức đặt cơm vắt quanh chính điện vào rạng sáng hôm sau để cho các hương linh người quá cố được hồi hướng quả phúc từ con cháu, họ hàng.

Về các ấp Cù Lao, Cái Giá, Đay Tà Ni (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) trong những ngày này, chúng tôi bắt gặp hình ảnh đồng bào Khmer đang tranh thủ dọn dẹp lại nhà cửa, bàn thờ gia tiên và chuẩn bị nhiều món ăn truyền thống để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Ông Chau Thương (ngụ ấp Đay Tà Ni) nhiệt tình giải thích cho chúng tôi nghe về ý nghĩa của Sen Đôn-ta, các nghi thức được chùa và người dân thực hiện trong dịp lễ. Trong 3 ngày lễ, ngoài cúng ở nhà thì các nghi thức quan trọng đều tập trung diễn ra tại chùa. Ông Chau Thương chia sẻ: “Cũng mang ý nghĩa tương tự như lễ Vu lan của người Kinh, Sen Đôn-ta được đồng bào Khmer tổ chức trang trọng  hàng năm để tỏ lòng tưởng nhớ ông bà đã mất và tôn vinh giá trị hiếu đạo. Nhà nào cũng chuẩn bị mâm cơm, lễ vật thật tươm tất để cúng kiến, tùy vào điều kiện của mỗi nhà mà vật cúng khác nhau nhưng điểm chung đều thể hiện lòng thành kính của con cháu với tổ tiên”.

Dịp lễ năm nay, trong khi nhiều gia đình chọn cách ra chợ mua bánh trái để cúng ông bà quá cố thì nhà ông Chau Thương tiếp tục duy trì việc làm bánh gừng, bánh ớt. Các công đoạn làm bánh được phân chia rõ ràng, đàn ông lo xay, nhào bột, còn những việc đòi hỏi sự khéo léo như nặn bột, chiên bánh, ngào đường… thì phụ nữ đảm đương. Và cứ thế, những giây phút chuẩn bị cúng kiến, quây quần bên mâm cơm trong dịp lễ của gia đình ông Thương, cũng như nhiều hộ đồng bào Khmer khác càng làm cho tình cảm gia đình thêm khăng khít.

Đồng bào Khmer xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) làm bánh gừng, bánh ớt cúng ông bà trong lễ Sen Đôn-ta. Ảnh: H.T

Trong dịp Sen Đôn-ta, nhiều ngôi chùa Khmer trong tỉnh như được thay áo mới. Trước đó, sư sãi các chùa đã sơn phết lại ngôi chánh điện, mái chùa và những tượng Phật để các nghi lễ diễn ra thêm phần trang trọng. Ngoài ra, người dân cũng kịp đến chùa để quét dọn, sơn mới ngôi tháp đựng cốt của ông bà, người thân.

Vào ngày thứ nhất (còn gọi là cúng tiếp đón), mỗi gia đình cúng mâm cơm, các thành viên cùng nhau khấn vái và rót trà để mời tổ tiên, những người thân đã quá cố về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Đến chiều, mọi người tắm rửa sạch sẽ, cúng ông bà và sau đó mời ông bà cùng vào chùa nghe sư sãi tụng kinh lấy phước. Trong ngày thứ hai, người dân rước vong linh ông bà từ chùa về nhà để mời dùng cơm và chơi với con cháu. Và ngày thứ ba, mỗi gia đình lại chuẩn bị thức ăn, bánh trái như ngày đầu để cúng ông bà tại nhà rồi tiễn linh hồn người quá cố ra đi. Vì vậy, buổi cúng này gọi là cúng tiễn đưa và cũng khép lại Sen Đôn-ta.

Thượng tọa Hữu Hinh - Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, bày tỏ: “Năm nay, tình hình sản xuất ở các phum sóc gặp nhiều thuận lợi nên Phật tử đón Sen Đôn-ta rất phấn khởi, tươm tất. Đặc biệt trong dịp lễ, các chùa Khmer, đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn còn nhận được những phần quà, lời chúc mừng tốt đẹp của lãnh đạo các cấp”.

Không tưng bừng như tết Chôl-chnăm-thmây hay lễ hội Oóc-om-bóc, thế nhưng Sen Đôn-ta vẫn là dịp lễ truyền thống có ý nghĩa độc đáo, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Khmer.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.