Đưa bản “Dạ cổ hoài lang” lên sóng YouTube

Thứ Hai, 09/12/2019 | 16:12

“Dạ cổ hoài lang” (DCHL), từ khúc nhạc lòng của người nghệ sĩ hiếu nghĩa - tài hoa, qua nhiều thế hệ mà sinh sôi, đâm chồi nảy lộc với sức sống của rừng mắm, rừng đước; thầm lặng nhưng mãnh liệt suốt trăm năm không ngừng nghỉ, qua những cuộc “tung hứng nhịp phách” và điệu thức đã trở thành một cuộc đại hòa nhạc tập thể của lòng người, của cả vùng đất Nam bộ trong một không gian giao duyên bất ngờ nhưng tất yếu: giữa cổ nhạc và tân nhạc, giữa âm nhạc và sân khấu, giữa sáng tác và diễn xướng, giữa nghệ sĩ và công chúng.

Ca sĩ Hạnh Nguyên trình bày ca khúc “Cảm xúc điệu hoài lang” tại chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019. Ảnh: C.T

Khi cải lương lên mạng

Tại một hội thảo về Thực trạng sân khấu cải lương trong thời đại mạng xã hội, đạo diễn -  biên tập viên Lâm Viên (Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Cách đây 30 năm, muốn xem cải lương chỉ có 2 cách, hoặc phải đến rạp hát, sân khấu biểu diễn; hoặc khán giả mướn đầu máy, những cuộn băng video cải lương để thưởng thức. Cách đây 20 năm, chương trình truyền hình trực tiếp cải lương đầu tiên xuất hiện trên sóng Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, khán giả chỉ cần chờ giờ lên sóng. Cải lương video đi vào thời kỳ suy thoái và nhanh chóng lụi tàn. Cách đây 10 năm, khán giả đã bắt đầu thưởng thức lại những chương trình cải lương qua mạng xã hội thông dụng nhất thế giới - YouTube. Các nhà đài, các công ty truyền thông bắt đầu sản xuất các chương trình cải lương chủ yếu dựa vào lượt xem YouTube để có doanh thu. Và hiện nay, những chương trình cải lương “hit” nhất như “Vầng trăng cổ nhạc”, “Ngân mãi chuông vàng”, “Chuông vàng vọng cổ”, “Tài tử miệt vườn”… đều được trực tiếp song song trên 2 kênh: Kênh truyền hình chính thống và kênh YouTube”.

Ý kiến trên không chỉ xác đáng với sân khấu cải lương mà rộng ra là cả với nhu cầu thưởng thức vọng cổ, đờn ca tài tử… Khán giả đã dần chuyển dịch từ cách xem truyền hình truyền thống trên tivi sang xem trên thiết bị di động thông minh bằng nhiều giao thức khác nhau: App TV, IPTV, mạng xã hội, mà đặc biệt là qua con đường của YouTube! Đã có nhiều công ty, nhiều nghệ sĩ đang nỗ lực đầu tư sản phẩm của mình để vừa đưa lên sàn diễn, vừa lên sóng truyền hình, vừa đăng tải lên YouTube, thậm chí rất nhiều sản phẩm cải lương, đặc biệt là tân cổ giao duyên được sản xuất chỉ để đăng tải YouTube và tìm kiếm doanh thu từ nguồn thu này.

DCHL lên sóng YouTube - tại sao không?

DCHL, bản tình ca bất hủ với nhịp đôi 20 câu 113 chữ, xứng đáng được phong tặng danh hiệu “anh hùng”: Anh hùng âm nhạc dân tộc, anh hùng bản sắc văn hóa! Phận sự của những ai thừa hưởng tài sản vô giá này, từ nghệ sĩ đến nhà báo, từ người làm nghệ thuật đến cán bộ quản lý văn hóa, là phải làm sao cho DCHL, tiền thân của vọng cổ, rộng ra hơn nữa là sân khấu cải lương và ĐCTT tiếp tục sức sống mãi mãi ấy trong thời đại mới! Thời đại mới, chính là thời đại của kỹ thuật số với Internet, Wifi, và các thiết bị di động. Thời đại mới chính là thời đại của thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, văn minh nghe nhìn, giao tiếp mạng xã hội… Thời đại mới chính là thời đại của app, của Facebook, của YouTube… Thời đại mới, gắn liền với sự xuất hiện của những nhu cầu mới, những thói quen tiêu dùng mới, và cả những phương thức thưởng thức nghệ thuật mới!

Hãy nghĩ đến YouTube như một kênh quảng bá cho DCHL trong thời kỳ mới với những ưu thế chưa bao giờ có. Những ưu thế đó là: Tiếp cận nhanh chóng với số lượng lớn công chúng, kể cả công chúng trẻ và người Việt ở nước ngoài; kết nối không giới hạn, mọi lúc mọi nơi, với mọi thiết bị mà không lệ thuộc vào lịch phát sóng, số lần xem; chi phí đầu tư không cao, lại có khả năng thu lợi từ việc chia sẻ quảng cáo của nhà mạng, khả năng bảo vệ bản quyền hiệu quả; truyền cảm hứng và tương tác mạnh mẽ với người xem, có thể điều chỉnh nội dung và cập nhật thông tin phù hợp với nhu cầu khán giả.

Vậy thì chúng ta nên nghĩ đến việc tạo ra một “bảo tàng” về DCHL và nhạc sĩ Cao Văn Lầu trên YouTube (đó là câu chuyện, tư liệu, bài DCHL, ý kiến của du khách về DCHL, 2 bài thơ của cây phóng sự Vũ Trọng Phụng về DCHL chẳng hạn…). Tại sao không có một Nhà hát Cao Văn Lầu với những tuồng tích và chương trình hấp dẫn trên kênh YouTube, rồi chương trình học làm tài tử dành cho tất cả những ai yêu quý ĐCTT, vọng cổ và các loại bài bản của cổ nhạc trên kênh YouTube?...

DCHL, vọng cổ, sân khấu cải lương và đờn ca tài tử lên sóng YouTube không chỉ là quảng bá cho cổ nhạc Nam bộ mà cũng chính là mở đường cho du lịch Bạc Liêu!

Dương Thành Truyền

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.