Giải báo chí truyền thống tỉnh Bạc Liêu năm 2019: Khái quát được bức tranh toàn cảnh của Bạc Liêu

Thứ Hai, 24/06/2019 | 16:53

Nhà báo NGUYỄN DUY HOÀNG

(Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban giám khảo Giải báo chí truyền thống tỉnh năm 2019)

 

Giải báo chí truyền thống tỉnh Bạc Liêu năm 2019 do UBND tỉnh tổ chức là một mùa giải thành công. Chỉ riêng về mặt số lượng tác phẩm (84 tác phẩm) cho cả 3 loại hình: báo viết - phát thanh - truyền hình của 65 tác giả, nhóm tác giả chuyên, không chuyên nghiệp của tỉnh và các tác giả thường trú ở khu vực, các báo Trung ương dự thi phần nào cho thấy sự thành công ấy.

Giải năm nay có số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhất so với những năm gần đây. Các chi hội nhà báo, các tác giả đã tự thẩm định, sàng lọc trước, nên phần lớn tác phẩm dự thi đã đạt được mục đích, yêu cầu của giải đề ra.
Nhưng nội dung của tác phẩm mới là vấn đề đáng nói. Điều ghi nhận đầu tiên là tất cả các tác phẩm đều đã bám sát nhiệm vụ chính trị, bám sát các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước - mà cụ thể là những chủ trương, nghị quyết, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh - kể cả những tác phẩm không trong phạm vi đăng tải của các cơ quan báo chí trong tỉnh - tức các báo thường trú, các báo Trung ương.

Nhà báo Nguyễn Duy Hoàng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban giám khảo Giải báo chí truyền thống tỉnh năm 2019 trao giải cho các tác giả đoạt giải C. Ảnh: H.T

Từng tác giả và nhóm tác giả đều khá linh động và nhạy bén trong việc vận dụng nghiệp vụ để biến chủ trương, nghị quyết, định hướng… đi vào đời sống một cách nhanh nhất, kịp thời nhất để phục vụ người đọc, người nghe, người xem - đây là một trong những chức năng hết sức quan trọng của người cầm bút. Dù rằng những tác phẩm ấy, bây giờ đọc lại, nghe lại đôi khi ta không thấy hết giá trị của nó (bởi có nhiều tác phẩm được viết từ 21/6 năm trước - theo phát động) - nhưng trong thời điểm ấy - thời điểm mà những sự kiện, những quyết sách… đang diễn ra, ắt hẳn không ít người quan tâm, theo dõi, chờ đợi… Các tác giả đã có cái nhìn khá rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội… trên nhiều góc độ khác nhau, nên đã khái quát được một bức tranh toàn cảnh của Bạc Liêu.
Điểm nổi bật tiếp theo là giải báo chí lần này đã xuất hiện khá nhiều những gương mặt mới - kể cả những gương mặt chuyên và không chuyên nghiệp. Đặc biệt những gương mặt mới này có ở các báo thường trú, khu vực, trong ngành Công an và các đài truyền thanh huyện, thị xã… Đây là điều chưa từng có ở các mùa giải trước. Đặc biệt hơn, những gương mặt mới này lại có những tác phẩm báo chí giá trị không thua kém những đàn anh, đàn chị đi trước. Thanh Hải, Báo Bạc Liêu với loạt bài “Trẻ thiếu sự quan tâm của cha mẹ - Những hệ lụy buồn”; Kim Chúc, Báo Bạc Liêu với loạt bài “Toàn cảnh bức tranh “xã hội hóa” đại học”; Hải Linh - Trọng Nguyễn, Công an tỉnh Bạc Liêu với phóng sự “Cảnh giác với tín dụng đen”; Trúc Chi - Duy Phong, Đài PT-TH Bạc Liêu với tác phẩm “Xây dựng thương hiệu gạo: Con đường ngắn, bước tiến dài”… là những chứng minh cho chất trẻ ấy. Và cũng từ đây đánh dấu chất lượng giải năm nay.
Tuy không nhiều tác phẩm nổi trội, vượt bậc (nhờ có sự đều tay) của các tác giả, nhưng phần lớn tác phẩm đứng được đều trong ngạch chuẩn của cuộc thi. Từng tác giả đã khá công phu, trau chuốt cho tác phẩm của mình, từ bố cục, dàn dựng, sắp xếp khá logic, làm cho người đọc, người nghe, người xem dễ đón nhận, thẩm thấu cùng tác phẩm (“Nỗi niềm rừng phòng hộ” của Ngọc Mai, Đài PT-TH Bạc Liêu; “Chênh vênh xóm ngụ cư” của Minh Luân, Báo Bạc Liêu; “Một thế kỷ trôi theo khúc nhạc lòng” của Cẩm Thúy, Báo Bạc Liêu…) là những tác phẩm đi vào lòng người đọc, người xem, người nghe theo những cung bậc rung cảm nhất định.
Nếu được so sánh với các giải trước, tôi xin khẳng định: Giải năm nay là giải đạt độ chuẩn về tay nghề. Các tác giả đã biết chọn cái cốt, cái hồn và trọng tâm của vấn đề để đi sâu, phân tích, lý giải đến nơi, đến chốn. Tôi cho đây là sự khéo léo, tinh ý của người cầm bút chuyên nghiệp.
Nhưng điều đáng trân trọng hơn cả là các tác phẩm đoạt giải cao là các tác phẩm nhạy bén về chính trị. Bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, kịp thời cụ thể hóa, “nghiệp vụ hóa” vào tác phẩm báo chí, truyền tải nội dung, định hướng đó đến bạn đọc một cách mạch lạc, đầy đủ những chỉ đạo, định hướng… nhưng cô đọng, cốt lõi, chuyển tải đến bạn đọc bằng nghiệp vụ báo chí khá điêu luyện, chắc tay nghề. Loạt bài “Bạc Liêu phát triển kinh tế biển từ tiềm năng và thế mạnh” của Lư Dũng, Báo Bạc Liêu; phóng sự “Từ chòi canh đến thủ phủ ngành tôm” của Tăng Định và Thanh Thế, Đài PT-TH Bạc Liêu; loạt bài “Đảng viên đỡ đầu hộ nghèo - Mô hình hay cần nhân rộng” của Tấn Phong, Đài TNVN tại Cần Thơ… là những bài "đặc sệt" chính trị nhưng không hề có bóng dáng nghị quyết, chủ trương - mà chủ trương, nghị quyết đã được nghiệp vụ hóa một cách nhuần nhuyễn, làm hấp dẫn bạn đọc ngay từ đầu. Trình độ, tay nghề của nhà báo chính là đây.
Tuy nhiên, nói như thế không phải không còn những tác phẩm hạn chế về nội dung, đơn điệu về cách thể hiện, sáo mòn về câu chữ, khập khiễng trong cấu trúc. Ban giám khảo lấy làm tiếc là cuộc thi bỏ sót khá nhiều chủ đề, đề tài. Chẳng hạn như đề tài Thi đua yêu nước, Đền ơn đáp nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng… hầu như không có bóng dáng của tác phẩm nào. Ngay cả 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của Bạc Liêu - là một chủ trương lớn - rất lớn vẫn chưa có sự để mắt toàn diện của các tác giả. Y tế - giáo dục là một trụ cột có tầm ảnh hưởng đến mỗi con người trong xã hội, nhưng một nửa trụ cột này là… y tế, hầu như chưa thấy nhà báo nào quan tâm, dù y tế Bạc Liêu đang cần được tuyên truyền, đánh giá, phân tích, chia sẻ. Bởi đây được xem là lĩnh vực mà nhân dân luôn quan tâm - người bệnh thì luôn canh cánh, trăn trở, hy vọng…
Trụ cột nông nghiệp cũng thế. Các tác phẩm cũng chỉ phản ảnh chung chung theo dạng liệt kê tiến độ nông nghiệp ở các lĩnh vực. Chưa thấy tác phẩm nào trăn trở, kề vai cùng nông dân. Ví như đầu ra sản phẩm, rồi giá cả thị trường bấp bênh, rồi trúng mùa - mất giá… Nông dân phần lớn cho đến hiện tại vẫn là lực lượng bị động, phụ thuộc, không có quyền định đoạt ngay chính sản phẩm của mình làm ra - một sự lệ thuộc dai dẳng chưa có lời giải thỏa đáng. Các nhà báo ở đâu và nghĩ gì về vấn đề này?
Du lịch, điện, năng lượng cũng thế, là những trụ cột, là thế mạnh của tỉnh, nhưng có quá ít tác phẩm “nhìn ngắm” đến đề tài này - nếu có cũng chỉ là cưỡi ngựa lướt qua - thiếu sự phân tích, đánh giá và dự báo, dự đoán để khơi dậy một cách xứng tầm của mỗi trụ cột phát triển kinh tế - xã hội theo sự hoạch định, định hướng phát triển…
Đưa ra những ví dụ này, tôi muốn nhắc một điều: Một khi người cầm bút không sống hết mình với chủ đề, đề tài, thiếu sự nhạy cảm chính trị, không đặt mình vào hoàn cảnh, sự kiện cụ thể… thì bản chất của vấn đề đôi khi khó nhận thấy, thậm chí đặt nhầm chỗ. Và vì vậy, cái mà ta viết ra chỉ là hình thức bên ngoài, còn dòng nhựa chảy bên trong thì không thấu hết - dẫn đến tác phẩm khó thuyết phục.
Một điều về nghiệp vụ nữa dễ bắt gặp trong toàn bộ các loại hình trong giải lần này là: Hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm luôn được các tác giả quá “tiết kiệm”. Nên tác phẩm khô - cứng và thiếu cái hồn cho người đọc liên tưởng, ngẫm nghĩ - dù cho tư liệu bài viết có ngồn ngộn đến đâu.
Có một sự khẳng định về mối quan hệ giữa văn hóa và báo chí đã được đúc kết có tính lý luận rằng: “Văn hóa đi qua báo chí là dạng văn hóa được phổ biến nhanh nhất, rộng nhất. Ngược lại báo chí đi qua văn hóa là loại báo chí bác học, văn minh, đi thẳng vào trái tim người đọc, thẩm thấu vào lòng người”… Tiếc thay, cả giải, nhiều tác giả (của cả 3 loại hình) đều “lạnh nhạt” với chất liệu mềm mại và tinh tế này…
Dù vậy, cuối cùng tôi cũng xin được phép nhắc lại lời khẳng định ban đầu. Đây là một mùa giải thành công - dù chưa mỹ mãn. Những nhận xét trên đây chưa phải là sự tổng kết toàn diện của cuộc thi. Đây chỉ là sự trao đổi, nhắc nhớ để cùng suy nghĩ…

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.