Gian nan đường đến danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

Thứ Tư, 18/07/2018 | 16:35

Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) hơn trăm năm qua luôn cuộn chảy trong đời sống tinh thần của người dân Nam bộ. Mặc dù là loại hình âm nhạc đã được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng chuyện phong danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đối với những người đã gắn bó với ĐCTT gần trọn một đời, vẫn còn là câu chuyện dài! 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam đã từng kêu gọi các nghệ nhân trong tỉnh (trong đó có 14 NNƯT được công nhận vào năm 2016) ra sức rèn luyện, hoàn thiện kỹ năng và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ, xem đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của mình với dân tộc. Vâng! Ở một chừng mực nào đó, những người yêu ĐCTT cống hiến cho bộ môn nghệ thuật này không phải để được vinh danh (mà “xem đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của mình với dân tộc” như lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam), nhưng thiết nghĩ, công sức họ bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận bằng danh hiệu cao quý NNƯT. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam (bìa trái) trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân ĐCTT của Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Nghệ nhân Từ Duy Toàn (phường 8, TP. Bạc Liêu) là một trong những người được đề cử xét danh hiệu NNƯT trong dịp này, bộc bạch: “Tôi năm nay ngoài 60 tuổi, đam mê ĐCTT hồi mới vài tuổi đầu. Đến giờ nghe tin được đề cử xét tặng danh hiệu, tôi cũng mừng lắm, vì chặng đường cống hiến của tôi cuối cùng đã được ghi nhận. Nhưng nếu không được phong tặng, tôi vẫn sẽ cống hiến hết mình. Bởi đối với những nghệ nhân chúng tôi, ĐCTT được xem như máu thịt. Chúng tôi cố gắng gìn giữ bộ môn âm nhạc độc đáo của dân tộc không phải để được ghi nhận bằng danh hiệu nghệ nhân dân gian, NNƯT, mà chỉ vì niềm đam mê”.
Ở Bạc Liêu, không ít nghệ nhân có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kết cục viên mãn như nghệ nhân Từ Duy Toàn. Thời gian qua, việc vướng thủ tục hoàn thiện hồ sơ đã khiến không ít nghệ nhân chưa được phong tặng. Trường hợp của nghệ nhân Cao Hoài Phương (phường 8, TP. Bạc Liêu) là một điển hình. Ông đã dành cả đời mình tự tìm tòi, học tập, trao truyền loại hình nghệ thuật mà ông đã trót đam mê. Chập chững ca, chập chững sáng tác…, đến nay khi gần chạm mốc tuổi 60, ông Hoài Phương đã sở hữu bộ giải thưởng, bằng khen đáng ngưỡng mộ. Trong đó có bằng khen của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Thế nhưng, chỉ thiếu mỗi cái “đơn xin xét tặng danh hiệu” mà ông vẫn chưa được công nhận NNƯT. Nghệ nhân Cao Hoài Phương tâm sự: “Tôi đến với ĐCTT bằng cả trái tim. Dù không có danh hiệu nào, tôi vẫn cháy hết mình với nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng, ai xứng đáng thì sẽ được xét công nhận danh hiệu, chứ phải làm đơn thì thấy có vẻ gượng ép quá”. 
Bên cạnh đó, trong tiêu chí phong tặng danh hiệu NNƯT còn đòi hỏi một số tiêu chuẩn khó đáp ứng. Chẳng hạn như tiêu chí giải thưởng cá nhân. ĐCTT là bộ môn nghệ thuật được chơi theo hình thức tập thể, nên việc có giải thưởng cá nhân như nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác là khá khó khăn. Mối quan hệ mắc xích và hỗ tương giữa người đờn - người ca luôn bện chặt, khiến cho nghệ nhân muốn làm đầy bộ sưu tập giải thưởng để hoàn thiện hồ sơ xét danh hiệu là khá gian nan. 
Việc ghi nhận danh hiệu cho các nghệ nhân là việc làm cần thiết, nhưng xem ra con đường đến với danh hiệu NNƯT của các nghệ nhân ĐCTT Bạc Liêu vẫn còn lắm gian nan!
Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.