Giáo sư Nguyễn Anh Trí: “Cần làm lan tỏa hình tượng nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Tư”

Thứ Hai, 24/09/2018 | 17:03

Đó là tâm nguyện được Giáo sư (GS) - Tiến sĩ - Thầy thuốc nhân dân - Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) nhắc nhiều lần trong một buổi tiếp xúc cử tri đặc biệt vừa được tổ chức tại xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi). Buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề “Người có công” do Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu tổ chức chính là “cầu nối” để vị GS này gặp lại nhân chứng, làm sáng tỏ hơn một câu chuyện lịch sử. Đó là chuyện về nữ liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, nhân vật trong bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn.
Tiếp xúc người thân, đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư, xác nhận lại những tình tiết liên quan đến câu chuyện; GS. Nguyễn Anh Trí khẳng định tấm gương của chị xứng đáng được tôn vinh là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân! Chúng tôi đã được GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ cụ thể về một hành trình tìm về lịch sử thấm đẫm nhân văn này:
Trước hết, tôi chân thành cảm ơn đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, đã cho tôi có buổi gặp mặt này. Đây là tâm nguyện rất lớn của tôi với tư cách là ĐBQH. 
Cách đây khoảng 9 tháng, trên mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh người lính Mỹ cầm súng đứng cạnh bà mẹ đang cho con bú. Sau này tôi tìm hiểu kỹ thì bức ảnh không liên quan đến câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu thì tôi lại vô tình đọc được vài lời giới thiệu ngắn về bản vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” của cố soạn giả Trọng Nguyễn. Câu chuyện này gây cảm động trên mạng xã hội. Riêng tôi, tôi thật sự xúc động vì đó là một hình ảnh quá độc đáo, quá đặc biệt! Vì vậy, tôi muốn đến tận nơi để tìm hiểu. Và một khía cạnh nhỏ khác, bên cạnh những ý kiến khen ngợi, cho đó là sự thật, thì cũng có những ý kiến cho rằng câu chuyện này không có. Cá nhân tôi linh cảm đây phải là sự thật thì mới có một bản vọng cổ như vậy. Cho nên tôi quyết tâm làm việc này. 

GS Nguyễn Anh Trí thắp nhang trước di ảnh liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Ảnh: H.T

Tôi liên hệ được với anh Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu. Anh Thái đã kết nối để có cuộc gặp ngày hôm nay. Mục đích của tôi là muốn nghe lại thật trung thực câu chuyện, đồng thời phải có những hình ảnh cụ thể trên mảnh đất anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Như lời bài hát, liệt sĩ Nguyễn Thị Tư trước lúc giặc bắn đã cho con bú, bà đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ: đó là nhiệm vụ của tình mẫu tử và nhiệm vụ bảo vệ cánh mạng, tôi cho đây là hai nhiệm vụ rất to lớn! Và, hình ảnh này, việc làm này đâu đó trên đất nước Việt Nam thời chiến tranh cũng sẽ có, nhưng mà điển hình và có thật là ở Bạc Liêu. Đây sẽ phải là hình tượng điển hình được lan tỏa rộng hơn để làm đẹp hơn nữa hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Đây là mục đích quan trọng hơn cả! Tôi xin hứa, nếu làm được điều gì bằng uy tín cá nhân, bằng trách nhiệm của một ĐBQH thì tôi sẽ làm để đạt được mục đích này. 
Buổi tiếp xúc cử tri lần này là buổi kể chuyện về một tấm gương anh hùng. Một buổi kể chuyện sâu sắc để chúng ta ký nhận lại, cho nên cần hết sức trung thực. Những nhân chứng tuổi đã rất cao, chúng ta có trách nhiệm làm việc này càng nhanh càng tốt, nếu không sẽ không kịp. Mẹ Suốt ở Quảng Bình nếu không được làm cho lan tỏa thì cũng chỉ là một bà mẹ chèo đò, chị Võ Thị Sáu nếu không có người viết, kể lại câu chuyện thì cũng không ai biết đến. Cho nên tôi cho đây là một trách nhiệm, phải làm cho hình ảnh đại diện nhất của người phụ nữ Việt Nam này được rõ hơn, đẹp hơn, lan tỏa hơn. 
PV: Thưa GS, sau khi đã gặp gỡ, tìm hiểu từ những nhân vật liên quan, GS đánh giá như thế nào về buổi làm việc đặc biệt này tại Bạc Liêu?
GS. Nguyễn Anh Trí: Đây là một buổi làm việc nghiêm túc, trang trọng với khá nhiều nhân chứng, đồng đội, gia đình của chị Tư, đặc biệt là nhân chứng tại địa điểm địch đã bắn chị Tư. Trong không khí làm việc nghiêm túc, lấy tính trung thực làm căn bản, tôi rất hài lòng! 
Câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Thị Tư đã có nhiều bài viết, đã có bản vọng cổ nhưng sự lan tỏa chưa nhiều, nhiều điểm chưa được sáng tỏ. Điều tôi hài lòng nhất là những điều mà xã hội tranh luận thì giờ đã được sáng tỏ. Qua hệ thống lại câu chuyện đã khẳng định, chị Nguyễn Thị Tư là một cán bộ cơ sở cách mạng mật và là một người rất có trách nhiệm với công việc đó. Chị đã bằng mọi cách để cung cấp thông tin, tiếp tế cho cán bộ trong điều kiện rất nguy hiểm, chính những đồng chí lãnh đạo thời kỳ đó đã khẳng định điều này. Chị Tư bị bắt, bị bắn là có chỉ điểm chứ không phải tình cờ. Một điều nữa là chị đã bị tra tấn rất dã man trước khi bị bắn. Chị Tư là một người có trách nhiệm với chồng, con đến lúc trước khi chết, thể hiện rõ nhất là hình ảnh rất thật trong “Giọt sữa cuối cùng”.
Nếu những thông tin của hôm nay được hệ thống lại để viết thành lịch sử chính thức và nếu chúng ta bằng mọi phương tiện, loại hình làm lan tỏa hình tượng này thì tôi cho rằng rất giá trị! Và việc trước mắt cần làm nhanh là thực hiện các thủ tục để truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đối với liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Những hy sinh, đóng góp của chị rất xứng đáng! 
PV: Thưa GS, được biết tuy đã nghỉ hưu nhưng GS rất bộn bề công việc. Vậy sau khi cất công vào tận nơi và khẳng định như trên, GS dự định sẽ làm gì để giúp Bạc Liêu lan toả hình tượng liệt sĩ Nguyễn Thị Tư? 
GS. Nguyễn Anh Trí: Tôi rất cảm kích tấm gương của chị Nguyễn Thị Tư. Vì vậy, khi vừa đọc trên mạng những thông tin này, tôi đã liên hệ ngay với Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu để có buổi làm việc hôm nay. Cho nên, tất nhiên tôi không dừng lại ở phạm vi buổi tiếp xúc này. Tất cả những việc làm được tôi sẽ làm. Chẳng hạn như viết bài, làm phim ảnh, sáng tác ca khúc (GS. Nguyễn Anh Trí là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã sáng tác hàng trăm bài thơ, khoảng 45 ca khúc - PV). Chủ đề này thực sự đang nóng bỏng trong tôi! Tôi hứa sẽ có một bài hát về liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Và nếu Bạc Liêu, Đoàn ĐBQH tỉnh có những hoạt động để đạt được những mục tiêu xung quanh việc làm này, cần đến tôi thì tôi, với uy tín xã hội và trách nhiệm của một ĐBQH, xin sẵn sàng tham gia.
PV: Qua tấm gương liệt sĩ Nguyễn Thị Tư và những gì GS từng biết đến Bạc Liêu, xin GS cho biết cảm nhận chung của ông về đất và người Bạc Liêu?
GS. Nguyễn Anh Trí: Đây là lần thứ hai tôi đến Bạc Liêu. Ngay từ lần đầu tiên khi được gặp các đồng chí lãnh đạo tỉnh, làm việc với các đồng chí ở Sở Y tế, tôi đã có cảm tình sâu sắc với người Bạc Liêu. Giọng nói, cách đối xử… tất cả những dấu ấn đó không bao giờ quên. Người Bạc Liêu trung kiên, nhân hậu thể hiện rõ hơn nữa qua hình ảnh chị Nguyễn Thị Tư. 
Tôi rất ấn tượng về Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu khi đến đây lần đầu. Tôi đã nói với đồng chí Lê Thị Ái Nam (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, lúc đó đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh - PV) rằng, việc một tỉnh đề cao văn hóa, cụ thể là nghệ thuật Đờn ca tài tử và một nhạc sĩ là rất hiếm, cả nước này chưa có. Điều đó chứng tỏ đẳng cấp văn hóa của người Bạc Liêu rất khác biệt, có tầm cao và có chiều sâu. Tượng đài liệt sĩ, tượng đài anh hùng nhiều nơi có, nhưng tượng đài của một nhạc sĩ đồng quê thì tôi khẳng định cả nước chỉ mới có Bạc Liêu làm. Tôi thật sự ấn tượng về điều đó!
PV: Xin chân thành cảm ơn GS!
Cẩm Thúy (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.