Gieo chữ Khmer cho trẻ em làng cá

Thứ Sáu, 14/07/2017 | 16:22

Theo chân ông Thạch Quết - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, tôi tìm đến “ngôi trường” của trẻ em nghèo xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Băng qua hàng thốt nốt đại thụ trong chùa Xiêm Cán, âm thanh đánh vần chữ Khmer càng vang vọng rõ, gây cho tôi sự hiếu kỳ đặc biệt. Như một “thuyết minh viên”, ông Quết cho hay: “Hầu hết bà con ở làng cá là người Khmer, cho nên hè đến là tụi nhỏ vào chùa học viết, học đọc chữ Khmer để hiểu về văn hóa, nguồn cội của dân tộc mình”.
GÌN GIỮ “HỒN CỐT” dân tộc
Chiều một ngày tháng Bảy, mưa dầm như không ngớt hạt. Con đường đến lớp học của trẻ em làng cá khá nhọc nhằn. Có em băng mình trong cơn mưa, có đứa phải xắn quần lội qua con đường đất trơn trượt, có em còn bồng thêm em nhỏ… để đến lớp. Tất cả chỉ vì không muốn bỏ dở buổi học chữ Khmer. Trẻ em làng cá là vậy, chúng có thể nghèo cái ăn, cái mặc nhưng lại sợ mù chữ dân tộc. Chúng cho rằng, người Khmer mà không biết đọc, biết viết chữ Khmer là điều xấu hổ. Vì thế, những lớp học chữ Khmer ở chùa Xiêm Cán luôn râm ran suốt 3 tháng hè.

Sư Thạch Đen (chùa Xiêm Cán) dạy trẻ em viết chữ Khmer. Ảnh: H.T

 

Ghé vào lớp 1A, căn phòng chỉ có vỏn vẹn chục cái bàn mà hơn 30 em chen chúc ngồi học. Trên những gương mặt đen nhẻm vì sớm lam lũ mưu sinh, tôi bắt gặp nhiều ánh mắt tròn xoe chăm chú, say sưa cùng những nét chữ uốn lượn. Chuyền mắt quanh lớp, đập vào mắt tôi là một cậu học trò với đầu tóc ướt nhèm, quần áo cũ rách, đi chân trần. Tôi lại nhanh chóng quên đi hình ảnh đó vì bị cuốn hút bởi những con chữ tròn trĩnh, vuông vắn trên trang vở của em. Mỗi ngày, Thạch Hoàng Em (12 tuổi) đều cùng chị gái và em trai đến chùa học chữ Khmer. Từ ngày khai giảng đến nay, 3 chị em chưa vắng mặt buổi nào, bất kể ngày nắng hay mưa. “Vì nhà nghèo, 3 chị em con phải phụ cha mẹ chăm sóc rẫy, có khi vào rừng phòng hộ mò cua, bắt ốc, đến chiều lại vào chùa học chữ dân tộc. Dù khó khăn thế nào, chúng em cũng ráng học thật giỏi chữ Khmer để hiểu được bản sắc văn hóa, gìn giữ “hồn cốt” của phum sóc”, Hoàng Em quyết tâm.
Mục tiêu đâu chỉ có vậy, việc học chữ Khmer còn nuôi dưỡng trong những ánh mắt trẻ thơ kia biết bao mơ ước. Giáo viên, bác sĩ, công an, cán bộ xã hoặc một người hữu ích cho phum sóc… là những mong ước thật đẹp, thật hồn nhiên, trong sáng. Dẫu hành trình để chinh phục nó còn rất dài, nhiều chông gai, nhưng học chữ Khmer sẽ là một trong những nền tảng giúp trẻ em nghèo làng cá có thêm nghị lực để tiếp bước trên đường tương lai.

NHỮNG “NGƯỜI THẦY” TẬN TỤY

Hỏi thăm nhiều cụ già trong phum sóc, không ai biết rõ chùa Xiêm Cán bắt đầu dạy chữ Khmer cho trẻ em nghèo từ khi nào. Nhiều cụ nay đã ngoài 70 - 80 tuổi chỉ nhớ những lớp học đặc biệt này đã có từ cái thời họ tụm năm, tụm bảy vào chùa chơi bắn đạn keo, đánh kol, có người từng là “cựu học sinh” của chùa. 
Vì sao gọi là những lớp học đặc biệt? Vì lớp dạy hoàn toàn miễn phí, phòng học mang nhiều nét kiến trúc Khmer, học trò cũng chẳng mặc đồng phục… Đặc biệt, người dạy không phải là thầy giáo, cô giáo mà là những vị sư sãi của chùa. Trải qua mấy mươi năm, việc đứng lớp dạy chữ Khmer cứ được các thế hệ sư sãi của chùa tiếp nối. Lịch sử ghi chép của chùa cũng không thống kê chính xác bao nhiêu vị sư đã từng đứng trên bục giảng.  
Ngồi trong ngôi sala, nhấp từng ngụm trà trong buổi chiều mưa, Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán, hồi tưởng: “Khoảng năm 1984, sư được trụ trì giao cho đứng lớp khi mới là một Tì kheo. Ngày đó, lớp học dạy trong chính ngôi sala này nhưng lụp xụp chứ đâu có bàn ghế, bục giảng đàng hoàng như bây giờ. Tụi nhỏ ngồi dưới nền xi-măng, sư thì viết chữ trên một miếng gỗ lớn. Khó khăn là vậy nhưng người dạy, người học vẫn lên lớp đều đặn vì yêu ngôn ngữ dân tộc, không ít trẻ em nghèo đã trở thành người trí thức, giúp ích cho phum sóc”.
Cơn mưa chiều vẫn chưa dứt hạt. Phòng học lớp 1B tiếp tục “gồng mình” trong cảnh mưa dột. Một miếng ngói trên nóc đã bị mất từ khi nào để lộ ra khoảng trống bằng cái bình bát. Nước mưa theo những cột kèo rơi lách tách xuống mặt bàn của sư Thạch Đen. Lấy chiếc khăn đặt ngay giọt nước, vị sư trẻ lại nắn nót viết từng nguyên âm, phụ âm Khmer trên cái bảng đen. Phòng học thiếu sáng do bóng đèn đã đứt, sư Thạch Đen đến từng bàn, nhẹ nhàng dùng tay ôm lấy những bàn tay nhem nhuốc o từng nét chữ cho các cô, cậu học trò nhỏ. Rồi dùng cành cây khô, sư vừa đọc vừa chỉ vào con chữ để cả lớp cùng đọc theo. Trong tiếng mưa, tiếng đánh vần của trẻ em nghèo làng cá cứ râm ran như xua đi vẻ ảm đạm của buổi chiều ẩm ướt.
Nhìn đám học trò nghèo nô đùa ra về như đàn ong vỡ tổ, vị sư trẻ bùi ngùi: “Đám học trò này nhà nghèo lắm, nhất là mấy đứa ở khu làng cá. Vậy mà đứa nào, đứa nấy cũng ham học, nhiều đứa chưa đủ tuổi cũng đến dự thính. Sợ tụi nhỏ mù chữ dân tộc nên các sư luôn dạy bằng cái tâm, xem như em út, con cháu trong nhà. Thấy em nào vắng mặt vài ba hôm là đến nhà cho gạo, tập viết để vận động trở lại lớp. Mong sao tất cả các em gìn giữ được tiếng “mẹ đẻ” là các sư mừng lắm!”.
Không trải qua những trường lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm, cũng chẳng có thù lao dạy học, các vị sư chùa Xiêm Cán vẫn miệt mài sớm chiều gieo chữ Khmer cho trẻ em dân tộc. Chỉ những người hết lòng vì phum sóc, yêu thương học trò nghèo, không quản nhọc nhằn mới làm được như thế. Việc làm của họ thật cao quý, thật xứng đáng với cách gọi thân thương “những người thầy” tận tụy!
HỮU THỌ      

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.