Hào khí tháng Tám…

Thứ Hai, 21/08/2017 | 16:48

Ngày 23/8/1945 - cột mốc lịch sử quan trọng của Cách mạng tháng 8 trên đất Bạc Liêu đã hòa cùng khí thế của toàn dân tộc đứng lên giành độc lập, chủ quyền Tổ quốc! Từ năm 2005, ngày 23/8 đã được Bạc Liêu chọn là ngày truyền thống cách mạng của tỉnh. Bạc Liêu cũng có con đường mang tên “23/8”… Hào khí tháng 8 lại ùa về mỗi mùa thu tới khi cả nước long trọng đón sự kiện cách mạng tháng 8 thành công viết nên trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.

…Cột mốc lịch sử trọng đại ấy còn góp phần cấu thành bản sắc văn hóa của một Bạc Liêu đôn hậu, nhân từ! Con đường cách mạng Bạc Liêu chiến đấu và chiến thắng mà rất đỗi nhân văn đã dệt nên một “Bạc Liêu ngày ấy ngày không nổ súng, ngày của tình người, ngày hội non sông” trong bản vọng cổ bất hủ “Bạc Liêu ngày ấy” của  soạn giả Trọng Nguyễn…

Thế hệ trẻ Bạc Liêu tiếp nối truyền thống cha ông lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: H.T


Lát cắt lịch sử thể hiện hào khí tháng 8 trên đất Bạc Liêu phải kể từ giai đoạn Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu được thành lập vào tháng 7/1945 theo chỉ đạo của cấp trên. Kể từ đây, phong trào cách mạng Bạc Liêu như có thêm đuốc sáng soi đường, liên tục những tổ chức cách mạng sau đó được thành lập, điển hình nhất là Mặt trận Việt Minh. Những ngày tiếp đó, một “Bộ phận công khai” với danh nghĩa đại diện cho Mặt trận Việt Minh đã đến gặp Tỉnh trưởng Trương Công Thiện đòi thực hiện một số yêu cầu phía cách mạng đặt ra, trong đó có yêu cầu giao nhà của một tên sĩ quan Pháp để ta làm trụ sở Mặt trận Việt Minh. Và sau đó ta đã lấy được nhà Carère làm trụ sở Mặt trận Việt Minh và Tỉnh ủy lâm thời Bạc Liêu.
Một đòn xoay chuyển tình thế thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của ta, đó là sự kiện bọn ngụy quyền đón tên khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm vào ngày 20/8/1945. Thay vì thực hiện lệnh tập hợp của Tỉnh trưởng Thiện là đón tiếp “đại thần”, Tỉnh ủy lâm thời đã biến cuộc tập hợp thành cuộc biểu tình lớn của ta ủng hộ Việt Minh giành lấy chính quyền. Đoàn biểu tình trương cờ đỏ sao vàng, băng, khẩu hiệu… kéo đến vây kín dinh tỉnh trưởng rồi hô vang khẩu hiệu: “Mặt trận Việt Minh muôn năm! Chính quyền về tay nhân dân!”.
Nắm bắt khí thế cách mạng đang hừng hực, lợi thế thuộc về ta, ngay buổi tối 20/8/1945, Tỉnh ủy và Ủy ban Mặt trận Việt Minh tỉnh họp liên tịch thành lập chính quyền cách mạng lấy tên gọi “Ủy ban Dân tộc giải phóng” tỉnh Bạc Liêu. Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, sáng 22/8/1945, Ủy ban Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh đã cử đoàn đại biểu đến gặp Tỉnh trưởng Thiện đòi giao chính quyền cho cách mạng, nhưng chúng vẫn nấn ná, trì hoãn. Trước tình thế đó, Tỉnh ủy huy động toàn bộ lực lượng gồm các tổ chức cứu quốc, nhân sĩ, trí thức, thanh niên tiền phong và binh sĩ trong đại đội lính Cộng hòa vệ binh..., đồng thời vận động đông đảo nhân dân vây dinh tỉnh trưởng đấu tranh buộc địch giao chính quyền cho cách mạng.
Hòa cùng khí thế cách mạng cả nước, sáng 23/8/1945, toàn bộ lực lượng của ta tiếp tục tập trung bao vây khép kín dinh tỉnh trưởng. Toàn bộ thành viên Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Việt Minh và Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh, tất cả cán bộ, đảng viên đều có mặt hòa trong biển người để kịp thời lãnh đạo và đối phó với mọi tình huống. Đúng 7 giờ sáng 23/8, đoàn đại diện của ta gồm các đồng chí Tào Văn Tỵ, Nguyễn Văn Năm và Trương Minh Cảnh tiến lên văn phòng tỉnh trưởng, Trương Công Thiện vẫn do dự chần chừ. Tỉnh trưởng dùng kế “hoãn binh” đi xuống phía dưới để chào cờ theo nghi thức hàng ngày thì chân đã đi không vững khi thấy đoàn người vây kín tòa hành chính. Đồng chí Tào Văn Tỵ thấy tấm băng-rôn có dòng chữ “Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Sâm vạn tuế” liền hô to: “Đả đảo Nguyễn Văn Sâm, đả đảo bọn bù nhìn tay sai Nhật!”. Tất cả lực lượng của ta hô vang: “Đả đảo, đả đảo!”. Cùng lúc đó, một đồng chí leo lên giật tấm băng-rôn xuống, tiếng hô càng vang dội: “Đả đảo bọn bù nhìn, chính quyền về tay nhân dân!”…
Trước khí thế cách mạng sôi sục, Tỉnh trưởng Thiện buộc phải đầu hàng. Đồng chí Tào Văn Tỵ thay mặt chính quyền cách mạng thông báo: “Chính quyền đã về tay nhân dân”. Lúc đó là 9 giờ 30 phút, ngày 23/8/1945. Liên tiếp những cuộc mít-tinh gây áp lực cho phe địch sau đó đã diễn ra, từ ngày 23 - 25/8 ở Bạc Liêu, chính quyền của địch từ tỉnh đến quận và cơ sở đã về tay nhân dân.
Một hào khí đấu tranh giành chính quyền về cách mạng rất quyết liệt, nhưng tuyệt đối không có súng nổ, máu rơi, đó là một Bạc Liêu rất đỗi nhân từ ngay trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, khi địch thất thủ. Cách đây hơn 70 năm, hào khí những ngày tháng 8 ấy của cả dân tộc Việt Nam nói chung, và thời khắc giành chính quyền không tiếng súng, không đổ máu của Bạc Liêu đã khiến cho lịch sử sang trang. Cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp diễn ngay sau đó, hàng hàng lớp lớp quân dân vẫn còn tiếp tục ra đi “theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”. Cách mạng tháng 8 đã để lại cho chúng ta hôm nay những bài học kinh nghiệm quý báu về tinh thần đấu tranh cách mạng! Bài học lớn nhất là tinh thần đoàn kết đồng lòng. Ôn cố tri tân, thế hệ trẻ hôm nay phải hiểu về lịch sử, hiểu rằng ngày truyền thống cách mạng của quê mình và một con đường mang tên tháng ngày, đó là biểu tượng đáng tự hào của đất và người Bạc Liêu!
Cẩm Thúy
(Bài viết có sử dụng tư liệu “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu tập 1, 1927 - 1975”)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.