Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”

Thứ Sáu, 17/09/2021 | 15:09

Bạo lực gia đình (BLGĐ) luôn là nỗi đau, nỗi ám ảnh của rất nhiều phụ nữ. Từ thực tế ấy, mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” (CLB GĐPTBV) ra đời đã góp phần đẩy lùi, ngăn chặn BLGĐ và hàn gắn những đổ vỡ do vấn nạn này gây ra.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc Khmer (ảnh chụp năm 2020).

XÂY DỰNG NHIỀU MÔ HÌNH GĐPTBV

CLB GĐPTBV và nhóm phòng chống BLGĐ có nhiệm vụ bảo vệ, trợ giúp các nạn nhân bị BLGĐ tại địa phương, tuyên truyền Luật Phòng chống BLGĐ và tác hại của BLGĐ, phê phán nạn bạo hành trong gia đình, những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân - gia đình. Đồng thời phổ biến kiến thức về kỹ năng làm cha mẹ, chăm sóc sức khỏe người già, phụ nữ và trẻ em, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, kỹ năng ứng xử khi gia đình có mâu thuẫn…

Sau 10 năm triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo gia đình các cấp trong tỉnh đã tăng cường chỉ đạo củng cố, duy trì tổ chức sinh hoạt và nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB GĐPTBV; cùng với đó, mô hình phòng chống BLGĐ ở các huyện, thị xã, thành phố cũng đã được thành lập. Đến nay, toàn tỉnh có 90 CLB GĐPTBV và nhóm phòng chống BLGĐ ở các địa bàn ấp, khóm trong tỉnh. Các địa phương trong tỉnh còn củng cố, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống BLGĐ các cấp, 46/64 tổ tư vấn, 64/64 đường dây nóng thông suốt với 192 số điện thoại và 64/64 nhóm phòng chống BLGĐ ở các xã, phường, thị trấn. Qua đó, đảm bảo thông tin liên lạc giữa nạn nhân bị BLGĐ và các thành viên nhóm phòng chống BLGĐ khi có vụ việc về BLGĐ xảy ra, giúp người bị BLGĐ hoặc người thân kịp thời báo tin cho cơ quan công an, UBND cấp xã, phường, thị trấn, hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư - nơi gần nhất xảy ra BLGĐ. Ngoài ra, các CLB còn xây dựng 5 địa chỉ tin cậy trong xã để khi có người bị bạo hành gia đình sẽ đến những địa chỉ này ở tạm thời, tránh những trận đánh đập, chờ sự can thiệp của cơ quan chức năng.

Pa-nô tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021. Ảnh: H.T

HIỆU QUẢ TÍCH CỰC

Ban đầu khi mới thành lập, các CLB GĐPTBV có nhiều tên gọi như: CLB Phòng chống bạo lực gia đình, CLB GĐPTBV, CLB Ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực gia đình trên cơ sở giới, CLB Gia đình hạnh phúc… Những CLB này sinh hoạt định kỳ hàng tháng, với các nội dung như: xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; nét đẹp, cách ứng xử trong gia đình; lên án, phê phán các hành vi BLGĐ và các biện pháp phòng chống; kiến thức chăn nuôi, phát triển kinh tế; thực hiện nội quy, quy ước khóm - ấp, khu dân cư... Thông qua hoạt động CLB, các thành viên trong gia đình tăng thêm hiểu biết, nhận thức, sống hòa thuận; tình làng nghĩa xóm càng gắn kết; an ninh trật tự được đảm bảo. Trong buổi sinh hoạt, các thành viên được giao lưu văn nghệ; nghe Ban chủ nhiệm CLB tuyên truyền, hướng dẫn những kỹ năng ứng xử trong gia đình, giới thiệu truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tác hại của BLGĐ, các biện pháp, kinh nghiệm trong phòng chống BLGĐ… Đặc biệt là tại những buổi sinh hoạt, các thành viên trong CLB sẽ có dịp trò chuyện, bày tỏ tâm sự của bản thân để được chia sẻ và tư vấn.

Hội thi kiến thức về bình đẳng giới góp phần nâng cao vị thế phụ nữ, trách nhiệm xã hội đối với phòng, chống bạo lực gia đình (ảnh chụp năm 2020).

Nhờ được sinh hoạt trong các CLB, người dân đã hiểu BLGĐ không chỉ đem lại nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cho người trong cuộc, mà đó còn là hành vi vi phạm pháp luật. Từ đó mọi người cởi mở hơn, chịu nói ra tâm sự của mình, và khi có BLGĐ xảy ra, họ báo với CLB để có sự can thiệp kịp thời. Báo cáo tổng hợp số liệu các vụ BLGĐ của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, trong năm 2009 đã có đến 1.001 vụ BLGĐ, năm 2015 xảy ra 139 vụ (giảm 86% so với năm 2009) và đến năm 2020 xảy ra 39 vụ (giảm 28% so với năm 2015). Đây là kết quả đáng mừng vì số vụ BLGĐ và tính chất, mức độ vi phạm giảm dần qua từng năm.

Ông Thái Quốc Lưu - Phó Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL, cho biết: “Sau khi thành lập mô hình điểm tại 13 xã trên địa bàn tỉnh, CLB GĐPTBV và nhóm phòng chống BLGĐ hoạt động rất hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 90 CLB sinh hoạt thường xuyên theo định kỳ, tùy vào điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, theo dõi hiệu quả hoạt động của mô hình để chấn chỉnh kịp thời những hạn chế. Có thể nói, mô hình này đã, đang và sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện ngày càng hiệu quả hơn công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh”.

DUY THANH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.