Khu Quán âm Phật đài: Đồng hành cùng sự phát triển của du lịch Bạc Liêu

Thứ Sáu, 04/05/2018 | 17:07

Nhìn lại quá trình phát triển của tỉnh, Phật giáo Bạc Liêu với việc phát dương phương châm “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” đã có nhiều cống hiến đáng tự hào cho quê hương. Trên lĩnh vực du lịch, hệ thống Giáo hội Phật giáo (GHPG), đặc biệt là Khu Quán âm Phật đài (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đã góp phần giúp danh tiếng đất Bạc Liêu ngày một vươn xa, từng bước nâng tầm thương hiệu cho ngành “công nghiệp không khói” tỉnh nhà.

Khu Quán âm Phật đài là một trong những công trình văn hóa tâm linh tiêu biểu của Bạc Liêu. Mỗi khi về thăm quê hương bản “Dạ cổ hoài lang”, hầu hết du khách đều muốn tìm đến điểm du lịch này để chiêm bái, thưởng thức thắng cảnh. Hay cũng có thể nói, Quán âm Phật đài với sự linh thiêng nổi tiếng gần xa là “chất xúc tác” mời gọi du khách muôn phương về với Bạc Liêu.
Theo lịch sử Khu Quán âm Phật đài, thánh tượng Bồ tát Quán Thế Âm được định vị và xây dựng vào năm 1973. Thánh tượng với chân đế có chiều cao 13,5m nằm sát mé biển thuộc khóm Bờ Tây (phường Nhà Mát). Thuở sơ khai, thánh tượng như ngọn hải đăng được ngư dân vùng biển kính tin và nguyện cầu cho những chuyến ra khơi thuận buồm xuôi gió. Trải qua nhiều vụ việc đặc biệt, sự linh thiêng nơi này ngày càng đồn xa nên được phật tử khắp mọi miền đất nước tìm đến chiêm bái. 
Năm 2004, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án và cho phép Ban Trị sự GHPG tỉnh xây dựng Khu Quán âm Phật đài nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân và thực hiện chủ trương bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống Bạc Liêu. Đến nay, nhiều hạng mục công trình được đầu tư xây dựng với diện mạo khang trang như: Cổng tam quan, Điện Thiên thủ Thiên nhãn, Điện Địa Tạng, công trình 32 hóa thân Thánh tượng Bồ tát, sân lễ, hệ thống đường nội bộ, nhà khách, văn phòng làm việc, khu vực nội viện, nhà phát hành văn hóa phẩm Phật giáo, căn-tin, nhà vệ sinh...

Du khách về dự lễ hội tại Khu Quán âm Phật đài. Ảnh: H.T
Hàng năm, tại Khu Quán âm Phật đài diễn ra 3 kỳ lễ vía Bồ tát gồm: ngày 18 - 19 các tháng 2, 6 và 9 (âm lịch). Đặc biệt, lễ hội Quan âm Nam Hải vào dịp 22 - 24/3 (âm lịch) là lễ hội được UBND tỉnh công nhận từ năm 2008. Cứ đến mùa lễ hội, dòng người khắp nơi đổ về Khu Quán âm Phật đài đông đúc, làm bừng dậy sức sống cho bức tranh du lịch Bạc Liêu. Theo Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh, việc tổ chức các lễ vía, lễ hội tại Quán âm Phật đài nhằm tạo điều kiện chuyển tải đạo đức Phật giáo đến các tầng lớp nhân dân, hướng mọi người sống biết chia sẻ, yêu thương, cống hiến cho đời; sống tốt đời, đẹp đạo, chấp hành tốt những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; ra sức xây dựng, phát triển quê hương ấm no, hạnh phúc.
Tháng 6/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra Nghị quyết 02 về “Đẩy mạnh phát triển du lịch”. Đây là nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa bước ngoặt và là “đòn bẩy” để du lịch Bạc Liêu khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình. Hòa cùng khí thế sôi nổi đưa Nghị quyết 02 vào cuộc sống, Ban Quản trị Quán âm Phật đài đã nỗ lực trong đầu tư, hoàn thiện nhiều hạng mục, công trình như: Nhà vọng thờ các vị có công với Phật giáo Bạc Liêu và Quán âm Phật đài, nhà nghỉ cho chư tôn đức và du khách, hệ thống nhà vệ sinh, nhiều thánh tích, hệ thống cây xanh tạo mỹ quan... Đặc biệt là xin chủ trương UBND tỉnh cấp thêm đất để mở rộng diện tích phục vụ phát triển du lịch.
Từ khi được xây dựng khang trang, Khu Quán âm Phật đài ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của phật tử, lượt du khách đón tiếp cũng tăng qua từng năm. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, Khu Quán âm Phật đài chiếm khoảng 85% trong tổng lượng du khách đến với Bạc Liêu. Riêng năm 2017, điểm du lịch tâm linh này thu hút hơn 900.000 lượt khách đến tham quan, hành hương. Từ số liệu thực tế cho thấy, điểm du lịch này đóng góp rất lớn cho nguồn doanh thu du lịch Bạc Liêu. Ngoài ra, sự phát triển của Quán âm Phật đài còn kéo theo nhiều loại hình dịch vụ, thương mại nở rộ, giải quyết việc làm giúp cải thiện cuộc sống người dân địa phương.
Đặc biệt, nơi đây từng vinh dự đón tiếp nhiều nguyên thủ quốc gia như: nguyên Phó Chủ tịch nước - Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội - Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Thiện Nhân, Đại tướng Phạm Văn Trà, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, nhiều đoàn lãnh đạo các tỉnh trong nước, các đoàn khách nước ngoài. Vào năm 2015, Khu Quán âm Phật đài được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL thẩm định, chính thức công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung nhấn mạnh: “Trong những năm qua, GHPG tỉnh nhà với tinh thần “hộ quốc, an dân” đã không ngừng nỗ lực vươn lên, thể hiện ý chí hòa hợp, đoàn kết, thống nhất và phát huy tốt tinh thần gắn bó với dân tộc, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của quê hương Bạc Liêu. Nhiều ngôi chùa, nổi bật là Khu Quán âm Phật đài được tu bổ, tôn tạo khang trang góp phần bảo tồn nét văn hóa kiến trúc độc đáo của dân tộc và là điểm đến hấp dẫn của du khách”.

Khu Quán âm Phật đài nhìn từ trên cao. Ảnh: TTPG
Từng bước tạo ấn tượng đẹp với du khách, Ban Quản trị Quán âm Phật đài còn phối hợp với các ngành hữu quan, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch sắp xếp lại nền nếp mua bán, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, tổ chức các nghi lễ Phật giáo đảm bảo đúng quy định Nhà nước… Ngoài ra, thành lập các Tổ tự quản về an ninh trật tự và bảo vệ môi trường cho điểm du lịch. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, Tổ tự quản đã chung tay nâng cao ý thức và hành vi của người mua bán, du khách trong việc xây dựng môi trường du lịch theo hướng văn minh, an toàn và thân thiện.  
Thời gian tới, Ban quản trị Khu Quán âm Phật đài sẽ tăng cường phối hợp với Sở VH-TT&DL, UBND TP. Bạc Liêu tổ chức các lễ vía, lễ hội với nhiều nội dung phong phú, cải thiện chất lượng phục vụ du khách theo định hướng phát triển chung của du lịch tỉnh nhà. Phát huy tối đa truyền thống “phụng sự, yêu nước”, Khu Quán âm Phật đài sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh nhà chung tay thực hiện thắng lợi Nghị quyết 02 về “Đẩy mạnh phát triển du lịch”, làm cho hình ảnh vùng đất hiếu khách, văn minh thêm đậm đà trong lòng du khách. Qua đó khẳng định vị thế vững chắc, sắc màu riêng của Bạc Liêu trong dòng chảy du lịch ĐBSCL.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.