Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Hai, 30/11/2020 | 16:24

(tiếp theo số báo 3397)

Nhà văn Sơn Nam, trong một bài thơ rất xưa cũ, ông đã truyền cho tôi cảm hứng thật sự khi viết về công đức xây dựng đời sống tinh thần nơi đất mới của tiền nhân:

“Trong khói sóng mênh mông

Có bóng người vô danh

Từ bên này sông Tiền

Qua bên kia sông Hậu

Mang theo chiếc độc huyền

Điệu thơ Lục Vân Tiên

Với câu “Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã”

Tới Cà Mau, Rạch Giá

Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng”.

Trong cảm thức của tôi, những người vô danh xưa đi mở đất đã mang theo cây đàn và câu thơ - chính là hành trang văn hóa dân tộc của họ để về nơi xa xôi này mà cất chòi, thắp lửa đời sống tinh thần cho đất mới.

Khi nghiên cứu đời sống tinh thần của Bạc Liêu, tôi đã cảm thấy rất thú vị vì phát hiện ra những gì đã được kết tinh thành văn hóa đều do những người khẩn hoang trực tiếp hoặc con cháu của họ sáng tạo ra. Ông Nhạc Khị được mệnh danh là Hậu Tổ cổ nhạc, người sáng tác và hiệu đính 9 bài tổ nhạc (ba nam, sáu bắc), những làn điệu cổ nhạc cơ bản cho đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ. Rồi ông Cao Văn Lầu cha đẻ của “Dạ cổ hoài lang” - bài ca vua của sân khấu cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ và giờ đây Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành dòng văn nghệ đỉnh cao bằng một công nhận của UNESCO năm 2014, nó là đại diện văn hóa phi vật thể của nhân loại; cho đến Thái Đắc Hàng, người sáng tác điệu nói thơ Bạc Liêu nổi tiếng cả nước vào nửa đầu thế kỷ XX… đều là những người xuất thân “Từ bên này sông Tiền, qua bên kia sông Hậu”.

Từ rất xưa Bạc Liêu là tỉnh mệnh danh có bề dày truyền thống văn hóa. Bạc Liêu là đất trẻ, trên dưới 300 năm xây dựng, đồng thời những người đi xây dựng nơi đây phần lớn xuất thân từ thân phận hèn mọn, cuộc đời cơ nhỡ, tha phương cầu thực… vậy mà rồi họ đã gầy dựng cho quê hương mới của mình một bề dày văn hóa rất đáng kính trọng.

Cảnh sinh hoạt văn hóa tại Bạc Liêu thời Pháp. Ảnh: T.L

Tôi nghĩ theo chủ quan của mình, tôi cho rằng hiện tượng văn hóa Bạc Liêu “Chứng tỏ sức sống trường tồn của văn hóa dân tộc. Nó thể hiện sức đề kháng mạnh mẽ trong môi trường của một đời sống đầy xung khắc dữ dội và được nâng lên nơi đất mới”. Ông bà ta xưa chẳng đã nói “Địa linh nhân kiệt” đó sao. Địa có linh thì nhân mới kiệt. Địa linh Bạc Liêu của chúng ta thuở tiền khẩn hoang vốn là một vùng đất đầy xung khắc dữ dội. Đất hoang thì mênh mông, muốn khai phá bao nhiêu cũng được nhưng đồng thời đó cũng là đất của địa chủ; đất là đất phì nhiêu “làm chơi ăn thiệt” nhưng cũng là đất đầy chim chuột, muỗi mòng, đỉa vắt và cũng lắm phèn chua, nước mặn; đất là đất rộng người thưa nhưng cũng nhiều loạn đảng, trộm cướp, loạn lạc… Thế cho nên, muốn trụ được trên đất mới, không chỉ cần có kinh nghiệm tổ chức sản xuất mà còn phải tổ chức xã hội.

Một gia đình đến đất hoang khai phá rồi tổ chức cấy lúa giữa một khu rừng chồi mênh mông, đến mùa gặt, chim chuột “hằng hà sa số”, rồi heo rừng, khỉ, sóc… đua nhau, bâu đến phá sạch. Và cái gia đình ấy, nếu làm ăn khá lên mà ở “cu ki” như thế thì trộm sẽ rình nhà, ăn cướp sẽ đến đánh, mà còn cho gia chủ hay trước “bối sông” sẽ lấy mất chiếc xuồng… Ngược lại, nếu ở đông thành làng, thành xóm thì chuyện đời sẽ đảo ngược lại, thú rừng sẽ lánh xa, trộm cướp không dám bén mảng. Cùng lúc cấy hàng ngàn công lúa thì sự phá hại hoa màu của chim chuột, thú rừng bị phân tán, thiệt hại mỗi gia đình không đáng là bao. Ở đông người sẽ hội đủ các điều kiện đỡ đần cho nhau khi hữu sự,“trái gió trở trời”. Nên nhớ hồi đó không có bệnh viện, cũng chưa có chợ búa, thiếu thốn mọi bề, sống được là nhờ sự đùm bọc lấy nhau. Bởi thế nên đất mới có thành ngữ “bà con xa không bằng láng giềng gần”, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Thế cho nên ở đông người, thành xóm làng là một nhu cầu sống còn nơi đất mới. Hồi đó không chỉ có địa chủ, hương chức hội tề chiêu mộ lưu dân nhằm khai thác đất trong điền mình nhanh, để tăng địa tô hoặc để làm trưởng làng, trưởng thôn mà tá điền, người nghèo đến “cắm dùi” trước cũng rất cần người đến sau về ở với mình. Thế là những người có tiền cho người mới đến thuê ruộng, cho vay tiền, vay lúa giống, lúa ăn, cho mướn trâu cày ruộng… Nói chung là địa chủ, ít thấy họ ác độc, hà khắc với tá điền. Còn người nghèo, chỉ có tấm lòng vô tư của một người đến trước và đó cũng là những con người mang theo trong tâm hồn mình một thứ hành trang của nền văn hóa dân tộc, nó định khung thành tư chất của họ: “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”… tố chất ấy gặp nhu cầu thiết thân, sống còn “phải ở đông người” nơi đất mới nên nó đẩy lên giống như chuyện tự nhiên phải thế, người cũ gặp người mới là mừng, là đùm bọc, chỉ đất tốt cho người mới khai khẩn, cho mượn trâu làm mùa. Giữa người cũ và người mới không có mâu thuẫn quyền lợi vật chất. Hồi đó đất hoang mênh mông hằng hà, mặc tình khai phá, cá mắm thì vô số kể, việc chứa khách trong nhà không phải vất vả lo miếng ăn như sau này. Việc người cũ giúp người mới một cách vô tư, chí tình, chí nghĩa dần dần ổn định theo năm tháng, trở thành lối sống của con người, nếp sống của làng quê Hậu Giang. Để bây giờ các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng cái tính phóng khoáng, hào hiệp hồn nhiên như cây cỏ của người Hậu Giang đậm đà hơn nhiều vùng miền khác.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.