Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Sáu, 15/01/2021 | 17:49

(tiếp theo số báo 3417)

Minh họa: B.T

Đầu mùa sa mưa, cây me già trước nhà tôi thay lá, cứ chiều chiều má tôi ra gốc me ngồi ngóng về phía Vàm Lẽo. Ở đó là một chân trời rất xa, có sấm chớp nhì nhằng của mưa đầu mùa xen lẫn với ánh chớp của lửa đạn. Mắt má tôi buồn nhớ con trai và lo sợ cho nó đến quằn quại. Không biết từ bao giờ nỗi sợ hãi ám ảnh má tôi rồi biến thành căn bệnh “liệu”. Hễ có tiếng súng hoặc ai làm rớt vật gì ở gần là má tôi “liệu”: “Mô phật, mô phật”. Tháng Giêng, má tôi lấy chiếu, đệm bao ví ngoài sân rồi đốt mấy chục ngọn đèn cầy mà lạy Trời, lạy Phật van vái cho hòn đạn mũi tên có con mắt biết tránh anh Ba tôi. Má tôi làm chuyện ngược đời, người ta thì: “Tháng Giêng con thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Còn má tôi thì cầu nguyện cho con, vì sợ cái cảnh “tre già phải khóc măng non”. Chiến tranh càng ác liệt, tóc má tôi ngày càng bạc trắng.

Vậy mà nỗi sợ lớn nhất của chị Cưởng và ba má tôi rồi cũng xảy ra. Đó cũng là một buổi hừng đông. Cũng trên chiếc tàu Thành An chạy từ Vàm Lẽo vào, hôm đó nước sông Bạc Liêu ròng sát kiệt, chị Cưởng để nguyên quần áo nhảy xuống bãi sình, lội lên nhà tôi. Mới không gặp chị 2 tháng mà tôi thấy chị đổi khác vô cùng, người hốc hác, xanh xao, tóc tai bù xù… như già đi 10 tuổi. Chị đổ sụp vào người má tôi rồi bất tỉnh sau khi nói kịp có một câu: “Má ơi, anh Ba hy sinh rồi!”.

Ba má tôi như chết đứng, rồi nỗi đau chảy ra theo những giọt nước mắt. Tôi nhìn vào bốn hố mắt già nua của hai người mà bắt gặp một nỗi thống khổ tột cùng của kiếp nhân sinh. Ba tôi ngồi đó như sụp xuống, má tôi quằn quại đau đớn, uất ức. Tất cả chúng tôi đều không dám khóc to. Anh Ba tôi chết, gia đình cũng không dám làm đám tang, không dám dựng bàn thờ tang cho anh, bởi vì vùng tôi ở là vùng kềm “ngày quốc gia, đêm cộng sản”. Trước đây, ba má tôi trả lời với tề ngụy rằng anh Ba tôi lên Sài Gòn làm hãng tàu, giờ nếu để họ biết được anh đi làm cách mạng thì làm sao mà sống nổi ở đất này.

Mười ba buổi, tôi cảm được nỗi đau đời. Tôi ra bờ đìa ngồi khóc một mình khi chiều xuống. Tôi nhìn về phía Vàm Lẽo, ở đó ráng chiều bầm tím một góc trời, rồi tôi nhớ anh Ba tôi khôn xiết. Nhớ mỗi lần giữ trâu về thăm nhà là anh dúi cho tôi cái ống thụt, cái giàn ná. Tôi lớn tồng ngồng mà anh ôm tôi hôn chùn chụt… Tôi thương anh Ba tôi quá, thương cho đời trai trẻ của anh! Hồi nhỏ thì cơ cực, lớn lên bôn ba nơi hòn đạn mũi tên, chưa biết sung sướng một ngày. Cả đời anh chỉ mơ ước đến ngày độc lập để về cày ruộng nuôi má, nuôi em, để được làm đám cưới với chị Cưởng cho cha mẹ nở mày nở mặt. Tôi nhớ anh ra chợ Bạc Liêu được đôi lần. Một lần, dịp giáp tết, cô tôi cho một ít tiền, anh dẫn tôi và anh Hữu ra chợ Bạc Liêu vào tiệm chụp hình Hồng Kông để 3 anh em chụp một tấm hình. Hình lấy về, ai cũng đẹp, vậy mà má tôi ngồi buồn xo. Bà lấy hình giấu đi vì bà có sự mê tín rằng: chụp hình 3 người sẽ chết một. Vậy mà cái niềm tin dân dã đó lại đúng một cách đau đớn như thế.

Chị Cưởng nằm vật vã trong buồng má tôi 3 ngày, rồi đi liêu xiêu xuống tàu về quê như kẻ mộng du. Chị bảo đi tìm mộ anh Ba.

Từ ngày anh Ba hy sinh, chị Cưởng đến ở nhà tôi nhiều hơn. Nhìn chị, tôi cảm được nỗi đau góa phụ của đời người phụ nữ như thế nào. Chị ngày càng tiều tụy, sức sống và sự tươi trẻ tuột mất khỏi đời chị. Chị lầm lũi “cơm dâng nước rót” cho cha mẹ chồng, chăm sóc em chồng. Tối, chị ôm má tôi âm thầm chảy nước mắt. Ngày, chị làm việc nhà quần quật. Chị để đầu trần mà đi thất thểu rồi ngồi giữa trưa nắng để chẻ củi, giặt đồ cứ giống như một cô gái điên, như thể chị rước lấy cực khổ để quên niềm đau.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.