Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Hai, 25/01/2021 | 18:34

(tiếp theo số báo 3421)

Minh họa: B.T

Tôi xuống xe đoạn giữa hai xóm Cầu Mới - Thào Lạng rồi lội băng đồng thêm 2 cây số nữa mới về tới xóm Bờ Xáng của mình. Mới xa gia đình, làng quê có mấy tháng mà tình cảm tôi lúc đó rất lạ. Tôi ngồi trên đầu đất ngắm ngôi nhà cũ, làng quê cũ trong một buổi chiều dần buông. Bây giờ là gần tết mà vụ lúa mùa muộn trên đồng làng tôi vẫn chưa gặt xong. Đó là một cánh đồng xâm xấp nước, đứng trên bờ mẫu thấy cá lóc nhảy xồn xộn trong một chiều cuối năm, còn lúa thì thưa rỉnh thưa rảng, chen lẫn với cỏ nước mặn và cỏ năn. Tôi nghĩ năm nay năng suất của đồng làng tôi giỏi lắm cũng chỉ đạt 7 - 8 giạ mỗi công. Chỉ bấy nhiêu thôi tôi đã thấy xốn xang đến rưng rưng nước mắt.

Tôi bước vào nhà, má tôi giật mình chưng hửng rồi bà định thần và ngồi lặng lẽ khóc. Ba đứa em nhỏ thì đến bâu lấy tôi mừng rối rít. Má tôi khóc cũng phải, má tôi con thì đông nhưng lớp chết, lớp đi xa. Năm đứa con lớn không được gần bà, nên có ai về nhà thì bà mừng lắm. Niềm vui hóa thành nước mắt. Tôi ngó quanh quẩn tìm ba tôi, mấy tháng cách xa tôi nhớ ông lắm, nhưng má tôi bảo ba tôi qua ông Tấn gặt lúa mướn kiếm tiền lo tết.

Hoàn cảnh gia đình tôi sau giải phóng cùng chung thân phận của những gia đình bị những cuộc chiến làm cho không còn sinh lực. Ba má tôi có tám đứa con thì chị Hai tôi bị máy bay Mỹ bắn chết, anh Ba thì hy sinh, còn anh Sang, anh Hữu đi kháng chiến và bây giờ họ là người nhà nước. Sau giải phóng, tôi cũng lại ra đi. Thế là ba má tôi chỉ còn 3 đứa nhỏ. Lúc ấy con Diệu, em kế tôi mới có 12 tuổi, chưa thể giúp ích được gì, còn con Hiền, thằng Mỹ thì mới năm, ba tuổi. Cuộc chiến đã huy động của ba má tôi những đứa con trụ cột, nguồn sinh lực dồi dào nhất của gia đình. Vì thế mà hòa bình về, ba má tôi tiếp tục đội nắng dầm mưa, chịu mọi cực khổ để gánh vác việc gia đình. Nói ra thì tội, sau khi trải đời qua những cuộc chiến tranh ác liệt, với nhiều đau thương mất mát, ba má tôi xơ xác, còi cọc như đàn vịt đẻ cuối mùa. Lúc đó ba tôi hơn 50, còn má tôi thì hơn 40 tuổi mà trông họ già, cằn cỗi, xác xơ như là những người 60 - 70 tuổi, đầu tóc bạc hết, thêm nữa là tinh thần bất an, bất định. Tôi quản lý kho súng đạn nên khi về mang theo mấy trái khói màu và mấy trái lựu đạn. Nhà không có gì ăn, tôi xách lựu đạn xuống mé sông Bạc Liêu ném bắt cá. Trái lựu đạn nổ xong, con Diệu chạy xuống gọi tôi mặt đầy sợ hãi: “Hia ơi, má bị sao kỳ lắm”. Tôi chạy lên nhà thấy mặt mày má tôi xanh mét, thần khí hoảng loạn như nhập đồng và bà luôn miệng la to: “Xuống hầm con ơi, u bít tới rồi…”. Tôi rớt nước mắt ôm má tôi vỗ về: “Má ơi con ném lựu đạn nổ chứ có phải u bít đâu. Hòa bình rồi mà má ơi…”. Hồi lâu má tôi mới tỉnh lại.

Trái lựu đạn làm cho cá dưới bến sông nổi trắng, nhưng tôi không còn bụng dạ nào vớt chúng. Tôi đem hết mấy trái lựu đạn còn lại cho Xã đội rồi nằm ân hận.

Tôi trở về nhà đã 3 ngày mà ba tôi đi gặt mướn vẫn chưa về. Ngày thứ ba đó cũng là ngày 27 tháng Chạp. Chim én đã kéo về bay chấp chới trên đồng và gió xuân cũng bay nhảy ở đó. Ba đứa em tôi nôn tết bao nhiêu thì má tôi sốt ruột lo âu bấy nhiêu. Bà bắt 3 con gà mái đang đẻ để ra chợ Bạc Liêu bán và mua cho con Hiền, thằng Mỹ mỗi đứa một bộ đồ, mặc tết. Còn áo quần cho con Diệu, đồ ăn tết cúng kiến thì chờ ba tôi về.

Tờ mờ sáng, má tôi và con Hiền ra ruộng nhà gặt lúa. Còn con Diệu thì ở nhà giữ em. Thật ra phải gọi là đi mót lúa mới đúng. Lúa năm nay thất quá. Những bông lúa chắc nằm lẫn lộn trong đám cỏ năn, cỏ nước mặn… nên không tài nào cắt, gặt được, chỉ có thể thu hoạch chúng bằng tay. Ruộng nhà tôi và cả xóm Bờ Xáng vốn nằm kế mép sông Bạc Liêu. Mà sông Bạc Liêu thì 6 tháng mùa mưa nước ngọt, còn 6 tháng hạn thì nước biển từ cửa Mỹ Thanh dẫn vào nên mặn chát. Những người làm ruộng ở ven sông này phải be bờ đắp đập rất kỳ công để giữ ngọt cho ruộng thành thuộc. Thế rồi những năm chiến tranh bom pháo dội xuống làm bể bờ vỡ đập, làm cho nước mặn tràn về nuốt chửng cánh đồng. Nước mặn làm cho ruộng vườn thất bát liên miên. Muốn cho lúa trúng thì lại phải đắp bờ, giữ ngọt 7 - 8 năm sau đất mới thuần ngọt. Ngẫm ra chiến tranh thật là ác nghiệt. Di chứng của nó không chỉ làm kiệt quệ nguồn lực lao động của từng gia đình nông thôn mà đến ruộng vườn của họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, cả chục năm sau đó. Sau giải phóng, người ta hay nói cụm từ: “Hàn gắn vết thương chiến tranh”, văn chương báo chí cũng nói ra rả. Thế nhưng, có những vết thương sâu hoắm không thể nào hàn được.

Má tôi và con Hiền đi suốt một ngày trời mỗi người chỉ mót được “lùm lùm” một thúng táo. Chiều họ về, đập lúa ra rồi cho vào cối giã thành gạo. Sau đó mới thổi lửa nấu cơm và mâm cơm dọn lên khi đã đỏ đèn. Tôi ngồi vào mâm cơm ấy, và miếng cơm ấy với bao nỗi niềm. Mâm cơm chỉ có một tô mắm đồng kho lõng bõng ăn kèm với bông súng đồng mà má tôi tranh thủ hái lúc đi mót lúa ban chiều. Vậy mà 3 đứa em tôi vừa chan vừa húp soàn soạt, chúng ăn đói ăn khát. Mắt má tôi buồn hiu như mình có lỗi. Rồi bà nói: “Ráng chịu cực khổ, sang năm lúa trúng mùa má dẫn tụi con ra chợ Bạc Liêu chơi tết, sắm quần áo mới”. Chỉ vậy thôi mà mắt các em tôi lóng lánh niềm vui. Đời khổ ải đau thương, gia đình tôi sống bằng niềm mơ ước đơn sơ như thế.

(Còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.