Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Hai, 10/05/2021 | 16:53

(tiếp theo số báo 3462 và hết)

Gia đình nhà văn Phan Trung Nghĩa. Ảnh do tác giả cung cấp

Tôi kết thúc quyển sách này trong một đêm trường tĩnh mịch. Ngoài cửa, gió chướng chớm mùa đã thổi về mơn man trời đất. Tôi ngồi lắng nghe tiếng gió lao xao ngoài đồng, trên ngọn lúa mà ngỡ nghe được tiếng hành quân xưa của đoàn quân đi mở đất. Đó không phải là một thứ tiếng của quân reo ngựa hí mà là tiếng của mái chèo khua nhẹ trong đêm trăng, những bước chân âm thầm, cơ nhỡ, lạc loài của người xưa về đây khẩn hoang lập nghiệp mà lập làng xây chợ.

Và cũng trong tiếng gió tôi mơ hồ nghe tiếng thét gào của lửa đạn chiến tranh, của bom pháo đầy trời. Ở đó, cha anh ta đã nhảy vào lửa đỏ đạn bom để giành lấy từng tấc quê hương mình cho tự do độc lập.

Rồi cũng là tiếng gió, gợi cho tôi cái âm thanh xạc xào mái lá ở hai đầu song nhà của một thời nghèo khó để tôi cảm được nỗi nhọc nhằn của quê hương với bao mồ hôi nước mắt để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng kinh tế sau ngày hòa bình. Tôi cũng cảm được nỗi khó khăn, vất vả để vượt qua đói nghèo cho Bạc Liêu đi lên khá giả mà tính đến chuyện nâng cao phẩm giá con người bằng bước đi mạnh mẽ và đầy quyết tâm.

Ôi, cuộc đời quanh tôi toàn những công đức, những nhân nghĩa ân tình.

Kính thưa bạn đọc, tôi khởi viết quyển sách này vào năm 2018. Năm đó tôi 58 tuổi, đến khi sách hoàn thành thì là đầu mùa xuân của năm Tân Sửu 2021, tôi đã 61 tuổi. 3 năm về hưu, tôi vật lộn với chữ nghĩa, có nhiều đêm thức trắng, đạt đến “cảnh giới” nhập đồng, giờ nhìn lại thấy đầu mình bạc trắng, khóe mắt rất nhiều dấu chân chim…

Thật ra đây là một cuộc dầm mình trong hoài niệm dài ngày, một kiểu trở về quá khứ của cuộc đời tôi. Tôi xuất thân từ giai tầng thấp nhất của xã hội, từ một làng quê đói nghèo mà đi ra. 20 tuổi tôi vác bút lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, làng quê hẻo lánh của Bạc Liêu, Cà Mau mà viết văn, làm báo. Hành trang mang theo không phải là một kiến thức cao rộng, uyên thâm mà là một tấc lòng của một con người nhỏ bé, luôn cảm rằng ta được sinh ra và lớn lên bởi công lao nuôi nấng của một bà mẹ nghèo, vất vả như thân cò lặn lội đồng sâu, của một đời cha nghèo vải rách vai, của một làng quê có cánh đồng chát mặn vẫn hoài thai hạt gạo ốm o nuôi ta nên hình, nên vóc. Bằng tấm lòng hàm ơn của mình, tôi ra đời, thấy quê hương đất nước của mình ở đâu cũng đầy những ân sâu nghĩa nặng, cuộc đời bày ra trước mắt tôi đầy những lẽ hay điều đẹp. Thế là chắt chiu, góp nhặt một cách thành ý, say mê và đầy vất vả để đưa nó vào tác phẩm của mình, góp phần làm đẹp cuộc đời.

Rồi một ngày đẹp trời, tôi nhận ra rằng, những lúc tôi sống trong điều hay lẽ đẹp của đất địa này cũng là lúc tôi đứng giữa trời đất mà vận nội công, hít linh khí của trời đất và rồi quê hương đã đáp trả, dạy dỗ, ban tặng cho tôi một tâm hồn, một trí tuệ và một nhân cách của hôm nay.

Cuộc đời riêng hôm nay của tôi là một cán bộ về hưu, sáng tôi chạy xe ra chợ Bạc Liêu uống cà phê, bù khú với bạn bè, trưa một tí tôi ghé nhà đứa con nào đó để ăn cơm trưa. Hễ tôi ghé nhà của đứa nào là tất cả những đứa còn lại xem đó là mâm cơm chung, ít khi đứa nào vắng mặt, kể cả mấy “chàng” rể, mà nhân sự còn được bổ sung thêm bốn đứa cháu nội, ngoại. Kia là chàng Vĩnh Phúc (con của thằng Kiên), nọ là gã Sĩ Thái (con của Ngọc Linh), này là công chúa Giáng Tiên (con của Ngọc Mai) và chàng cuối cùng là thằng Min (con của Ngọc Huyền). Xe tôi vừa ghé, là chúng ùa ra lôi tôi vào rồi hét lên: “Làm cọp đi ông ngoại (ông nội)”. Tôi phải phùng mang, trợn mắt, nhe nanh mà phục vụ. Tôi ngồi ăn một bữa cơm tưng bừng dậy giặc mà rưng rưng hạnh phúc của người già.

Chiều, nếu buồn, tôi cưỡi xe qua xã Vĩnh Trạch, quê cũ của mình, thế là kéo níu, mời gọi. Các cháu, các em đãi cho một bữa cơm canh chua, cá kho vừa mới đặt lú lên hay một nồi cháo gà thả vườn.

Cũng có khi rảnh rỗi, tôi rủ anh Bảy Chánh (nguyên Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh), anh Vũ Thanh (nguyên Giám đốc Đài TP-TH Bạc Liêu) đi xuống huyện. Ở đó, anh em vẫn còn quý, đãi ăn nhậu tưng bừng, rồi nhét cho một tí quà.

Đối với bạn nghề, mỗi lần tôi xuống Cà Mau, Đỗ Kiến Quốc - Giám đốc Đài PT-TH Cà Mau, Nguyễn Chiến - Tổng Biên tập Báo Cà Mau và nhiều bạn bè cũ, quý mình như người thân, họ ngồi với tôi có khi đến thâu đêm suốt sáng. Và có khi nhớ cơ quan cũ, tôi ghé Báo Bạc Liêu thì Hàn Ái Tiến - Tổng Biên tập, Lâm Anh - Phó tổng Biên tập, rồi Cẩm Thúy, Kim Phượng và nhiều em, cháu vẫn quý mến mình như thuở nào.

Tôi ra đường cảm thấy cuộc đời thật vui, ở đó còn nhiều lắm những ánh mắt nồng ấm gửi cho mình.

Mỗi người có sự nhận diện và nhu cầu về hạnh phúc, sự thành đạt rất khác nhau. Với tôi, những hạnh phúc giản dị, những thành công khiêm tốn của nghề mà tôi đang được hưởng đã làm tôi đã cảm thấy rất mãn nguyện. Như thế là đủ cho một kiếp người.

Và đất địa này đã ban cho tôi những hạnh phúc đó, sự vững vàng cho một đời người đó. Xin được một lần cúi đầu trước quê cha đất tổ và quyển sách này thay cho một tấc lòng thành kính với nguồn cội quê hương.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.