Một trang đời​ mở ra

Thứ Tư, 21/04/2021 | 15:02

(tiếp theo số báo 3454)

Vùng Nam bây giờ phát triển hơn xưa rất nhiều nhờ chủ trương nâng nó lên thành vùng kinh tế động lực và cũng nhờ đưa điện gió, du lịch ra. Đồng thời, giai đoạn 2010 - 2014 có nhiều giải pháp, quyết tâm đẩy mạnh nghề khai thác biển và nghề làm muối, thương hiệu quốc gia về muối Bạc Liêu cũng được thực hiện từ năm 2014.

Còn vùng Bắc Quốc lộ 1A của Bạc Liêu (vùng II) là một vùng đất mang đậm hơi thở của đời sống thuần nông. Vùng này có diện tích tự nhiên là 157.224ha, trong đó quỹ đất nông nghiệp là 143.930ha. Thông qua một chủ trương là Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XIV, vùng Bắc Quốc lộ 1A đã được quy hoạch, đầu tư phát triển toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội.

Từ chủ thể là cây lúa trên vùng đất này, những mô hình lúa - tôm kết hợp, mô hình nuôi tôm càng xanh xen lúa, mô hình đưa màu xuống ruộng, mô hình nuôi cá bống tượng, cá sấu có giá trị thương phẩm cao đã xuất hiện một cách nở rộ trên vùng II vào thời kỳ 2010 - 2014. Nhưng trên hết vẫn là con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Sau 4 - 5 năm, toàn vùng Bắc Quốc lộ 1A đã chuyển lên sản xuất lớn, với cánh đồng mẫu lớn ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo mô hình VietGAP với nhà máy chế biến bao tiêu sản phẩm cho nông dân, có công suất 200.000 tấn/năm. Đó cũng là vùng sản xuất những hạt gạo có thương hiệu nổi tiếng như: Một bụi đỏ, Tài nguyên và cả giống lúa Sỏi chịu mặn nổi tiếng.

Diện mạo nông thôn mới huyện Phước Long. Ảnh minh họa: T.L

Cũng tại vùng II này, Phước Long được Trung ương chọn làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước. Sự quyết liệt trong chỉ đạo của thời kỳ 2011 - 2014 đã đạt được những tiêu chí cơ bản và đến năm 2017, Chính phủ đã công nhận huyện Phước Long đạt chuẩn nông thôn mới.

Một điều thú vị rằng, tại vùng Bắc Quốc lộ 1A này, trước khi Chính phủ quyết định thành lập trung tâm tôm công nghệ cao của cả nước tại Bạc Liêu thì trước năm 2013 tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao (đối tượng ứng dụng là lúa đặc sản, lúa chất lượng cao, hoa kiểng, sinh vật cảnh, rau, đậu thực phẩm, các loại cua biển, cá kèo, tôm sú, tôm thẻ, cá chẽm, nghêu, sò…).

Ngoài ra, Bạc Liêu cũng đã chuyển giao thành công một số quy trình sản xuất tại vùng Bắc Quốc lộ 1A và vùng Nam Quốc lộ 1A như: Quy trình sản xuất cá thát lát cườm, tôm càng xanh, thử nghiệm nuôi cá kèo thâm canh với mật độ khác nhau nhằm tăng năng suất và hiệu quả, nuôi cá rô đồng toàn cái, sản xuất tôm sú sạch bệnh; thử nghiệm ương cá chình bông ở môi trường nước ngọt và nước lợ, mô hình tôm sú - cua biển; nuôi sò huyết trong ao lắng; nuôi vịt an toàn sinh học; công nghệ làm mắm cá trắm cỏ; trồng nấm rơm, rau an toàn, măng tây, ngò rí, hẹ; nuôi một số động vật hoang dã như: cá sấu, ba ba, rắn các loại…

Thời kỳ 2010 - 2014 là giai đoạn Bạc Liêu nhạy bén ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên sản xuất phát triển rất nhanh.

Thế nên, người dân ở vùng ngọt hóa nông thôn ngày nay vẫn không mất đi cái chất thật thà, đôn hậu nhưng làng quê của họ đã dần mất đi cái cảnh nghèo khó, gieo neo. Nhiều làng xóm trở nên giàu có, ngày xưa chỉ có một ấp nhà lầu mà nay có nhiều ấp nhà lầu, làng tỷ phú.

Và người ta cũng nhận ra rằng, thời kỳ 2011 - 2014 không chỉ thay đổi về đời sống nông thôn mà mọi mặt ở Bạc Liêu đã có sự phát triển vượt bậc. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông là một thí dụ.

Trong 4 năm, từ 2011 - 2014 Bạc Liêu đã đầu tư hơn 6.366 tỷ đồng cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Hầu hết các công trình trọng yếu mà hôm nay người dân Bạc Liêu đang thụ hưởng đều hoàn thành trong thời gian này như: đường Vĩnh Mỹ - Phước Long, Giá Rai - Gành Hào, Cầu Sập - Ninh Quới, An Phúc - Gành Hào, Giồng Nhãn - Hiệp Thành, cầu Giá Rai, cầu Phước Long 2, cầu Phó Sinh 2.

Trung ương chấp nhận 3 tuyến đường Gành Hào - Giá Rai - Phó Sinh - Cạnh Đền, Hộ Phòng - Chủ Chí - Chợ Hội, Cầu Sập - Ninh Quới - Ngan Dừa - Quốc lộ 63 thành tuyến nhánh nối vào đường Hồ Chí Minh; đưa 8 dự án giao thông của tỉnh vào dự án phát triển giao thông ĐBSCL góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh Bạc Liêu và kết nối được với mạng lưới giao thông của vùng ĐBSCL…

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.