Mùa báo hiếu…

Thứ Hai, 04/09/2017 | 16:28

Dân gian thường có cảm giác sợ bước vào tháng Bảy âm lịch, bởi ám ảnh những chuyện xui xẻo. Và mặc định tháng Bảy gắn với hai chữ “cô hồn”. Thế nhưng, tháng Bảy còn một đại lễ rất đẹp nữa, đó là Vu lan báo hiếu. 

Lễ Vu lan bắt nguồn từ truyền thuyết Mục Kiền Liên (Mục Liên) tìm mẹ. Ngài là đại đệ tử của đức Phật, có thần thông sau khi đã chứng quả A La Hán. Vì tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ mình như thế nào sau khi đã bị đày xuống địa ngục, nên dùng thần thông để tìm. Mẹ của Mục Liên vì gây nhiều nghiệp ác ở cõi trần, nên khi chết rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở. Quá xót xa khi chứng kiến mẹ bị ngục hình, Mục Liên quay về tìm đức Phật hỏi cách cứu mẹ. Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng trong 3 tháng an cư kiết hạ (ở một nơi để tụ họp). Rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cầu nguyện, mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ được siêu thoát”. Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. 

Công sinh thành, công dưỡng dục của cha mẹ sánh bằng trời bằng bể, bởi vậy phận làm con phải hiếu thảo với mẹ cha. Ảnh minh họa: B.T


Từ đó về sau, người dân thường tổ chức lễ cầu siêu cho người thân đã khuất vào rằm tháng Bảy. Cũng từ đây, ngày này được chọn làm lễ Vu lan. Ngày lễ nhằm nhắc nhở thế hệ con cháu phải luôn nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Từ câu chuyện hiếu đạo của Mục Kiền Liên Bồ tát, người đời còn hiểu rộng hơn đến giáo lý của nhà Phật, đó là từ - bi - hỷ - xả, làm nhiều việc thiện để tích đức và trả ơn thế hệ đi trước. Như vậy, ý nghĩa của lễ Vu Lan chính là ngày báo hiếu.
Có mấy ai kể xiết về công ơn trời biển của cha mẹ. Người đời đã mượn những vần thơ, câu ca… để chở tấm chân tình của mình đối với bậc sinh thành. Đó là những đêm khuya nhớ đến song thân nhưng chưa thể về thăm, người ta đã cảm tác thành những vần điệu như thế này: “Đêm khuya trăng rụng xuống cầu/ Cảm thương cha mẹ dãi dầu ruột đau”; hay đau đáu trước nỗi cơ cực, đức hy sinh của mẹ cũng bởi “Nuôi con chẳng ngại chi thân/ Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn”, cho nên phận làm con phải sống thật hiếu đạo. Công sinh thành, công dưỡng dục của cha mẹ sánh bằng trời bằng bể, nên dân gian cũng đúc kết được rằng: “Còn cha gót đỏ như son/ Một mai cha mất gót con đen sì”… Vậy mà đáng buồn thay, có những đứa con chỉ biết nghĩ đến lợi ích bản thân mà quên đi ơn nghĩa ấy! "Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày” - câu ca dao như cứa vào lòng người đời cho dù thực tế có rất nhiều trường hợp tính toán chi li với cha mẹ như thế.
Hiếu đạo với cha mẹ là việc làm của cả một đời người, chứ không chỉ đến rằm tháng Bảy. Một nghi thức trong ngày lễ Vu lan được nhiều người quan tâm (theo đạo Phật) chính là cài một bông hồng lên áo của mình. Ai còn mẹ thì sắc đỏ thắm của bông hoa sẽ là phản chiếu ánh tự hào lên ánh mắt. Những ai không còn mẹ dõi theo suốt quãng đời còn lại thì cài một bông hồng trắng. “Rủi mai này mẹ hiền có mất đi, như đóa hoa không mặt trời/ Như trẻ thơ không nụ cười/ Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm/ Như bầu trời thiếu ánh sao đêm...”, mới hay còn cha còn mẹ bên mình thì cuộc đời có ý nghĩa biết nhường nào!
“Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”, ai ơi hãy sống sao cho những giọt buồn đừng vương lên mắt mẹ, để những sợi bạc bớt đậu lên tóc cha!
Ngọc Trân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.