Múa khỉ - ngựa, nét đặc sắc trong lễ hội của đồng bào Khmer

Thứ Hai, 24/02/2020 | 16:24

Tại liên hoan Lân - sư - rồng mừng Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 do UBND TP. Bạc Liêu tổ chức, đơn vị xã Vĩnh Trạch Đông tham gia biểu diễn múa khỉ - ngựa. Điệu múa truyền thống này bắt nguồn từ sử thi "Riềm kê" là tác phẩm văn học dân gian của người Khmer Nam bộ, với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ trong dịp Tết cổ truyền.

Tiết mục múa khỉ - ngựa của đơn vị xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) tại Liên hoan Lân - sư - rồng. Ảnh: N.Q

Đội khỉ - ngựa tham gia liên hoan vào dịp Tết vừa rồi do chùa Xiêm Cán thành lập và duy trì hoạt động đều đặn cách nay hơn chục năm. Chính quyền khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ôn luyện, biểu diễn. Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán cho biết điệu múa khỉ - ngựa, còn gọi là múa Chằn bắt nguồn từ nghệ thuật biểu diễn Riềm kê, nhưng đơn giản hơn, chỉ chọn lọc một số đoạn để thể hiện. Riềm kê là tác phẩm văn học dân gian của người Khmer Nam bộ, cốt truyện được cải biên từ sử thi Ramayana của Ấn Độ do đạo sĩ Valmiki Muni sáng tác từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Ngoài nghệ thuật sân khấu, Riềm kê còn được thể hiện trong điêu khắc, trên bích họa của các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer.

Đội khỉ - ngựa thường múa mở đường diễu hành tại các lễ hội mừng năm mới (Chôl-chnăm-thmây), lễ Kathina (Dâng y), lễ cầu an (đám phước) tạo sinh khí rộn ràng, long trọng. Thứ tự đi như sau: khỉ đen, khỉ thần Hanuman (trắng, vua của các loài khỉ), cụ ông - cụ bà đi ngang nhau, krus (vua các loài chim), chằn, tiếp đến là đoàn người tham gia diễu hành. Trong tiếng trống, kèn, đàn 2 dây, tiếng chập chõa, đoàn diễu hành làm náo động cả phum sóc, trẻ con, người lớn chạy theo coi đông kín đường. Sư cả chùa Xiêm Cán lý giải ý nghĩa của đoàn diễu hành có hình tượng các con vật, con người: “Trong xã hội, không tách rời con người và muông thú, mà tất cả các sinh vật hỗ trợ nhau”.

Đội khỉ - ngựa chùa Xiêm Cán có 12 thành viên, đều là nam giới, do anh Lâm Chăm Bô Rây (29 tuổi, ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông) làm đội trưởng. Thường ngày, các thành viên của đội đi nhiều nơi mưu sinh, chỉ đến khi ra hạ, Tết chum (cúng ông bà), còn nửa tháng nữa là tới lễ Dâng y, toàn đội mới tập hợp luyện tập theo kiểu người trước chỉ người sau tại sân chùa cho quen dần các động tác nhảy múa. Anh Rây tham gia đội khi đi tu báo hiếu năm 16 tuổi tại chùa Xiêm Cán, và hiện tại anh có thể biểu diễn tất cả động tác của các nhân vật. Theo anh Rây, các động tác của nhân vật vua Chằn Krong Kriep là khó múa nhất nên chỉ người tham gia đội lâu năm mới được đóng vai nhân vật này. Mặt nạ và trang phục (quần áo, sneng - phụ kiện làm bằng vải, hình 2 mũi đao đeo trên vai, gậy, dao) các nhân vật đều do đội tự làm dựa trên mẫu sẵn có.

Ngoài chùa Xiêm Cán, nhiều ngôi chùa Phật giáo Nam tông khác trên địa bàn tỉnh cũng có đội múa khỉ - ngựa phục vụ phum sóc. Và hầu hết các thành viên trong đội múa khỉ - ngựa ở các chùa chưa bao giờ tiếp cận với tác phẩm văn học Riềm kê một cách chính thống. Điều này cho thấy sức sáng tạo trong cải biên, phóng tác, biểu diễn sử thi Riềm kê, đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào Khmer Bạc Liêu.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.