Nâng tầm liên kết phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Hai, 16/12/2019 | 16:05

Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vì sự phát triển chung của du lịch (DL) 14 địa phương đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp đóng góp trong hội nghị liên kết hợp tác phát triển DL TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL lần thứ II - năm 2019, diễn ra tại Bạc Liêu.

* Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Đây là cột mốc quan trọng cho sự phát triển DL

Để triển khai thành công, hiệu quả kế hoạch hành động năm 2020 và thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển DL 14 địa phương giai đoạn 2020 - 2025, vai trò của TP. Hồ Chí Minh là rất quan trọng. Bởi, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm thu hút khách DL của cả nước mà còn là trung tâm trung chuyển, đưa khách DL đến vùng và kết nối ĐBSCL với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước. TP. Hồ Chí Minh với số lượng các doanh nghiệp lữ hành đứng đầu về cả số lượng và chất lượng sẽ là “cầu nối” giúp các địa phương trong vùng phát triển tua tuyến hiện có, xây dựng các chương trình DL mới.

Diễn đàn kết nối DL TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL lần thứ I - năm 2019 tại TP. Hồ Chí Minh đã thể hiện quyết tâm thay đổi để tạo bước đột phá cho DL. Và hội nghị lãnh đạo 14 địa phương lần thứ II tại Bạc Liêu được tin tưởng và kỳ vọng là cột mốc quan trọng cho sự phát triển DL của toàn vùng.

Những năm qua, việc liên kết DL TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL đã hình thành nhưng chưa đi vào chiều sâu nên hiệu quả không cao. Do đó, để nâng tầm và chất lượng liên kết DL cần ưu tiên giải quyết vấn đề kết nối giao thông; mỗi địa phương phải xây dựng, phát triển các sản phẩm DL mang tính đặc thù. Đồng thời, thúc đẩy sự liên kết này lan tỏa trên nhiều lĩnh vực khác như: văn hóa, kinh tế… để các địa phương cùng nhau phát triển. Đặc biệt, các địa phương cần tranh thủ, chung tay đề xuất, kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư cho DL, nhất là hạ tầng giao thông để từng bước xóa khoảng cách giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL.

* Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist: DL ĐBSCL còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển

Thế mạnh của DL ĐBSCL là DL sông nước, sinh thái, nông thôn, các di tích lịch sử, văn hóa, DL cộng đồng, DL biển đảo. Sự phát triển của DL ĐBSCL trong thời gian qua đã mang lại sự lựa chọn thú vị cho du khách, góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển DL Việt Nam. Saigontourist luôn xác định ĐBSCL là thị trường lớn, tuyến điểm hấp dẫn. Trong những năm gần đây, bình quân hàng năm hệ thống Saigontourist đóng góp cho DL ĐBSCL hàng trăm ngàn lượt khách, doanh thu trực tiếp hơn 500 tỷ đồng.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi luôn nhìn thấy DL ĐBSCL còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển. Vì vậy, Saigontourist mong muốn tiếp tục đồng hành, cùng khai thác hiệu quả, bền vững sản phẩm DL tại khu vực ĐBSCL từ việc cụ thể hóa chương trình liên kết hợp tác phát triển DL TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2025 trên những lĩnh vực như: Xây dựng, phát triển sản phẩm DL, đưa nguồn khách đến; quảng bá tiếp thị, tổ chức sự kiện DL; công tác đào tạo, sử dụng, phát triển nguồn nhân lực DL và công tác đầu tư. Trong đó, cụ thể như việc xây dựng, phát triển sản phẩm DL, đưa nguồn khách đến, Saigontourist sẽ nghiên cứu, xây dựng mở tua DL mới và đặt chỉ tiêu bình quân hàng năm đưa khách đến ĐBSCL tăng trên 10 - 20%; phối hợp tổ chức, đón các đoàn farmtrip, presstrip, blogger trong nước, quốc tế đến khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu và tuyên truyền về DL ĐBSCL. Còn về công tác thương hiệu - quảng bá tiếp thị, tổ chức sự kiện DL, Saigontourist sẽ hỗ trợ công tác quảng bá điểm đến, sản phẩm dịch vụ DL ĐBSCL ra thị trường toàn cầu thông qua mạng lưới các phương tiện truyền thông trong nước, quốc tế; quảng bá DL ĐBSCL thông qua kênh truyền hình cáp; thực hiện ít nhất 2 chương trình mới/năm trong chương trình “DL ẩm thực” trên kênh VTV4…

* Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty DL Vietravel: Xây dựng và phát triển một thương hiệu chung cho DL vùng ĐBSCL

Thiên nhiên ban tặng cho ĐBSCL tài nguyên dồi dào, khí hậu ôn hòa, vùng sông nước hữu tình kết hợp với tinh hoa văn hóa đặc sắc đến từ cộng đồng 4 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer đã tạo cho vùng ĐBSCL những nét đặc thù riêng về DL so với cả nước. Tuy nhiên, hiện nay, những lợi thế, tiềm năng đó lại chưa phát huy hết hiệu quả và chưa đạt được kết quả tương xứng. Đặc biệt, các sản phẩm DL của các địa phương trong vùng bị nhiều du khách đánh giá là thiếu sự đa dạng và bị trùng lắp giữa các địa phương; đa số khách DL quốc tế chỉ biết những nơi như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc, những địa phương còn lại đều được quy là “khu vực ĐBSCL”.

Để đưa ĐBSCL phát triển thành trung tâm DL cả nước và khu vực, một trong những chiến lược quan trọng cần quan tâm: trong quá trình thực hiện liên kết phát triển của 13 tỉnh và TP. Hồ Chí Minh là xây dựng và phát triển một thương hiệu chung cho DL vùng ĐBSCL. Chẳng hạn, đối với DL miền Trung có thương hiệu “Con đường di sản miền Trung”, còn đối với ĐBSCL thì có thể hình thành, phát triển thương hiệu chung nào? Logo như thế nào? Việt Nam với slogan “Vẻ đẹp bất tận”, còn ĐBSCL sẽ là slogan nào? Đó là vấn đề cần phải được giải quyết trước tiên.

Ngoài ra, chúng tôi mạnh dạn đề xuất nên định hướng quy hoạch sản phẩm DL ĐBSCL theo 3 trục sản phẩm như: Những nẻo đường phù sa gồm: (TP. Hồ Chí Minh - Long An (Happy Land) - Tiền Giang (cù lao Tân Phong) - Vĩnh Long (đệ nhất Homestay) - Cần Thơ (chợ nổi Cái Răng) - Hậu Giang (thanh bình Miệt Vườn) - Sóc Trăng (nét đẹp văn hóa Khmer) - Bạc Liêu (ngắm cánh đồng điện gió) - Cà Mau (chinh phục cực Nam Tổ quốc); Non nước hữu tình với: TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang (Mỹ Tho đại phố) - Bến Tre (thành phố dưới những tán dừa) - Trà Vinh (độc đáo văn hóa Khmer) - Cần Thơ (điểm sáng DL cộng đồng Cồn Sơn) - Bạc Liêu (ngắm cánh đồng điện gió lớn nhất Việt Nam) - Cà Mau (chinh phục cực Nam Tổ quốc); Tuyến DL theo hướng biên giới phía Tây tiếp giáp Campuchia: Sắc màu vùng biên (Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang)…

TUYẾT ĐÌNH - HỮU THỌ

(lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.