Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII - Bạc Liêu 2017: Những dư âm lắng đọng

Thứ Hai, 20/11/2017 | 16:44

Một không gian đậm chất văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ, sự lan tỏa rộng rãi đến nhân dân và sự khám phá đầy thú vị về văn hóa đã mang về những ngày hội vui trên đất Bạc Liêu. Tóm lược vậy cũng đủ thấy rằng, những ngày qua, các hoạt động “mở hội” trên đất Bạc Liêu của đồng bào Khmer Nam bộ đã thành công rực rỡ!

“Một cái tết văn hóa đầm ấm”, chúng tôi xin nhắc lại lời nói cũng là gửi gắm thiết tha của ông Nguyễn Kiều Linh, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VH-TT&DL tại TP. HCM, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VII - Bạc Liêu 2017 cách đây hơn 1 tuần - thời điểm chuẩn bị diễn ra những hoạt động của ngày hội. Nhắc lại để khẳng định rằng, đúng là những ngày qua, Bạc Liêu đã thật sự sống trong không khí, không gian tết vui vầy, hội tụ bản sắc văn hóa rực rỡ của đồng bào Khmer Nam bộ.

Một tiết mục giao lưu thắm tình đoàn kết của các đơn vị tham gia ngày hội tại đêm bế mạc. Ảnh: H.T


Những người trong Ban tổ chức đã thống kê lượng khách đến với lễ hội lần này là hơn 100.000 lượt người, trong đó có  khoảng hơn 50.000 lượt khách lưu trú. Đó là một con số ấn tượng, nhưng chúng tôi cho rằng, mỗi hoạt động tổ chức tại ngày hội, dù quy mô lớn hay nhỏ, dù tổ chức ở trung tâm TP. Bạc Liêu hay ở tận vùng sâu thì đều thu hút sự tham gia và thưởng lãm, sự tìm hiểu đầy hứng khởi của đông đảo nhân dân, đó mới chính là thành công lớn nhất!
Đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, người dân Bạc Liêu nói chung đã nhận về cho mình những giờ phút mãn nhãn khi chứng kiến những đường đua quyết liệt của hàng trăm vận động viên đua ghe Ngo của các đơn vị tham gia ngày hội; khi đắm chìm vào những giai điệu độc đáo của nhạc ngũ âm, của những bài song ca đối đáp à-dây tình tứ hát về quê hương đổi mới, nông thôn mới trên phum sóc mình; khi thích thú nhìn những cô gái Khmer múa yểu điệu, mềm dẻo bên cạnh những nhân vật chằn trong bài múa cổ truyền của nghệ thuật Khmer… Đắm chìm thưởng thức rồi như tự thốt lên trong tâm rằng văn hóa Khmer Nam bộ thật phong phú, quá đậm đà bản sắc; dù cuộc sống hiện đại, phát triển đến đâu, đồng bào vẫn giữ cho mình những nét đẹp văn hóa cổ truyền riêng có, không chịu sự lai căng, biến dạng…
Quảng trường Hùng Vương, nơi diễn ra các hoạt động chính của ngày hội mấy ngày qua đông vui, nhộn nhịp như tết. Tiếp xúc với nhiều người đến với ngày hội, chúng tôi nhận thấy một điều: Khách quan mà nói, không rành về ngôn ngữ, tiếng nói, văn hóa đồng bào Khmer, nên nhiều người đến với lễ hội ban đầu chỉ là do tính hiếu kỳ. Nghe, thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về ngày hội, họ đến để tìm hiểu, coi xem ngày hội có gì. Nhưng khi đến nơi, họ đã thật sự bị cuốn hút bởi vẻ đẹp, chiều sâu của văn hóa đồng bào Khmer! Chúng tôi bắt gặp, khi là những người chỉ âm thầm đứng nhìn, đọc những dòng chú thích hoặc chụp ảnh về những hiện vật lao động, dụng cụ làm nghề truyền thống hay những bộ trang phục của đồng bào Khmer, khi là những dòng người trong vai trò khán giả đường phố chen chúc nhau xem những tiết mục hòa tấu nhạc ngũ âm, múa Khmer, ca hát vui tươi trong mỗi không gian văn hóa riêng của từng tỉnh, thành tại khu vực trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật, tái hiện nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Ban ngày cũng như ban đêm, tiếng trống, kèn, nhạc hòa điệu làm rộn ràng cả không gian như mời gọi mọi người đến với ngày hội, trong sân khấu sáng đèn, những tiết mục được đầu tư, dàn dựng công phu tại hội thi biểu diễn nghệ thuật truyền thống thu hút khán giả bởi những ngạt ngào sắc hương, thì ngoài đường phố, khu vực triển lãm hình ảnh,  hiện vật, nghề truyền thống (mà chúng tôi cho rằng dùng từ chung chính xác hơn cả phải gọi là “không gian văn hóa Khmer Nam bộ”) đã thu hút khán giả bởi chính bản chất văn hóa vốn có của đồng bào! Hơn 1.000 hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào trưng bày không gian Ngày hội đã làm cho nhiều người hiểu về văn hóa dân tộc Khmer nhiều hơn!
Gìn giữ để phát huy bản sắc văn hóa Khmer Nam bộ ở ngày hội là dư âm lắng đọng sâu sắc nhất! Và không thể không nhắc đến một yếu tố quan trọng khác, một xuất phát điểm khiến cho ngày hội đầy ấn tượng nữa, đó chính là tinh thần đoàn kết của toàn thể những nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên của các tỉnh, thành tham gia - những người trong vai trò “chủ tiệc” mang về những bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc; và sự cộng đồng trách nhiệm, sự hỗ trợ nhiệt tình của Bộ VH-TT&DL cùng các cơ quan trực thuộc, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ! Tình hình an ninh, trật tự được thắt chặt, an toàn giao thông được bảo đảm trong những ngày hội vui dù Bạc Liêu đón một lượng người khá đông… Tất cả cùng hòa quyện đã khiến cho ngày hội “Để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân, du khách, nhất là đồng bào Khmer Nam bộ nói riêng, cả nước nói chung… Nét độc đáo riêng của từng hoạt động hòa quyện với nhau tạo nên một không gian ngày hội rất sôi động và đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ” như lời phát biểu trong lễ bế mạc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam, Trưởng Ban tổ chức ngày hội.
Chia tay nhau tại đêm bế mạc, anh em, bè bạn 12 tỉnh, thành Nam bộ còn dành cho nhau những giây phút khó quên khi cùng nhau chan hòa trong điệu múa lời ca thắm tình đoàn kết; hẹn nhau 5 năm nữa lại cùng nhau mang những tinh túy độc đáo nhất của đồng bào Khmer Nam bộ cho Ngày hội lần thứ VIII trên đất Sóc Trăng. Những hiệu ứng tốt đẹp từ giây phút khai màn cho đến khi khép lại cho thấy lần thứ VII tổ chức tại Bạc Liêu, Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ đã thực hiện đúng chủ đề “Bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước” và thành công rực rỡ!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.