Ngày xuân, đôi dòng về “hạt ngọc của trời”

Thứ Sáu, 03/01/2020 | 17:16

Vào những ngày này - những ngày trước thềm xuân Canh Tý thì câu chuyện tại các quán cà phê sáng và các cuộc lai rai vào buổi chiều tối của người dân vùng ven biển Bạc Liêu vẫn còn bám theo nghề làm muối là bàn luận và dự báo về thời tiết theo kinh nghiệm được truyền lại hơn trăm năm của ông bà. Họ dự báo độ nắng, những cơn mưa bất chợt có thể làm phá tan những công sức tâm huyết của một vụ mùa. Và đặc biệt là họ dự báo giá cả của từng giạ muối mà từng thời điểm họ bán sẽ ở mức nào…

Ruộng muối Bạc Liêu vào những năm 30 của thế kỷ XX. Ảnh minh họa: B.T

Muối Bạc Liêu đã nổi tiếng cả nước cách đây cả trăm năm với cái tên từ thời khởi nguồn là “muối Ba Thắc”: “Nghĩa mặn mà lòng em đã đậm/ Xứ Bạc Liêu Ba Thắc muối ngon”. Đến nay, muối Bạc Liêu vẫn nổi tiếng là ngon nhất nước với vị mặn đậm đà, không có vị đắng như một số vùng khác. Đặc biệt, hàm lượng hóa học trong muối Bạc Liêu được các nhà khoa học phân tích: “Yếu tố chất lượng khác biệt của muối Bạc Liêu so với muối của các tỉnh khác chính là hàm lượng NaCl (%) cao vượt trội và hàm lượng MgCl2 trong muối thấp. Muối sản xuất tại Bạc Liêu có hàm lượng NaCl trung bình 96,6%, xấp xỉ với tiêu chuẩn muối thượng hạng Việt Nam (97%). Màu sắc: Trắng, trắng hồng, ánh xám; mùi vị: không mùi, vị mặn, không vị đắng; hình dạng bên ngoài: khô ráo, chắc”. Về hàm lượng MgCl2 trong muối Bạc Liêu, tỷ lệ này ở mức độ thấp (0,76 - 0,89%), hàm lượng CaSO4 cũng có tỷ lệ thấp (0.32%), ở mức chỉ tiêu của loại muối ăn hảo hạng…

Theo như các tài liệu ghi chép lại, ruộng muối của Bạc Liêu đã từng trải dài hàng trăm cây số ven biển từ bãi biển Vĩnh Châu đến cửa biển Gành Hào. Nghề muối Bạc Liêu xưa đóng góp rất lớn về tăng trưởng kinh tế cho tỉnh cũng như làm tăng thêm hầu bao cho những ông chủ diêm điền. Nhiều điền chủ lớn Bạc Liêu xưa hầu hết đều tham gia sản xuất, kinh doanh nghề muối như: Bá hộ Biết, Hội đồng Trạch, Hội đồng Điều, Châu Oai, đặc biệt là “nhà tư bản muối” Lý Trung Nguyên có đến cả ngàn công nhân… Hiện nay vẫn còn địa danh ở Bạc Liêu thể hiện sự phát triển của nghề truyền thống này như: Tu Muối nằm dọc dài gần cây số trên bờ sông Bạc Liêu (nay thuộc phường 2, TX. Bạc Liêu), hay kênh Dòng Me (nay là kênh 30 tháng 4) được đào để chuyên chở muối từ ven biển vào đến tận nội thành bán cho ghe hàng chở đi thương cảng tại Sài Gòn hay ngược dòng sông Hậu sang Campuchia.

Từ xưa, dân gian gọi muối là “hạt ngọc của trời”. Nhiều người nói nghề làm muối là cái nghề “nước lã mà vã nên hồ”. Thoạt nghe thì có vẻ cái nghề này đơn giản, chỉ cần lấy nước biển vào ruộng phơi là có muối, nếu như vậy thì không có những câu chuyện bi thương, đói khổ của diêm dân, mà hễ khi nói đến từ “diêm dân” người ta hình dung và cảm nhận đó là đối tượng nghèo khó, số phận lênh đênh… Bởi nghề muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vụ mùa của họ là mùa nắng, với bao nhọc nhằn từ khâu làm đất, lấy nước biển vào đến khi kết tinh thành những hạt muối “ngọc ngà”, nếu gặp cơn mưa trái mùa thì mất trắng.

Để có được hạt muối mặn mà từ nước biển, diêm dân Bạc Liêu đã có hơn 100 năm được truyền lại theo kinh nghiệm truyền thống gia đình và sự học hỏi kinh nghiệm trong từng khu vực làm gần nhau. Do không phải đất ở đâu cũng có thể áp dụng khuôn mẫu: lấy nước (được bỏ vào trảng), lắng qua các ô ruộng để làm tăng độ nước mặn (có nơi gọi là mẫu, là ô…), sau cùng là đưa lên sân kết tinh (sân cô đọng thành muối); có nơi để có hạt muối sạch hơn thì trước khi đưa vào sân kết tinh phải qua một ao lắng nữa. Bởi mỗi khu vực đất có độ hút nước khác nhau, mỗi khu vực đất khi đưa nước vào sẽ có độ bắt nắng khác nhau mà độ mặn tăng lên khác nhau và các yếu tố sinh thái khác ảnh hưởng đến làm tăng độ mặn… Vậy không thể nói diêm điền ở vùng đất này làm hiệu quả có thể chỉ dạy cho diêm dân ở khu vực khác, mà phải có thời gian trải nghiệm. Nên có một thời các kỹ sư nông nghiệp xuống chỉ dạy cho diêm dân bằng sách vở đều bó tay quay về…

Ngày xưa Bạc Liêu có diện tích muối lớn nhất nhì cả nước với hàng trăm héc-ta. Ngày nay diện tích đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn các vùng thuộc xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình) và Long Điền Đông, Long Điền Tây, Điền Hải (huyện Đông Hải) là còn làm muối. Theo thống kê năm 2019, diện tích làm muối là 1.664,7ha, với năng suất 31,9 tấn/ha, tổng sản lượng 25.476 tấn; giá bán từ 900 - 1.200 đồng/kg muối đen, 1.300 - 1.800 đồng/kg muối trắng.

Muối đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người. Hầu như mọi sinh hoạt, chế biến thực phẩm, dược phẩm, đồ dùng thiết yếu… đều có mặt của muối ở nhiều dạng khác nhau. Nhưng dù để chế biến hay sử dụng trực tiếp thì hàm lượng NaCl và ít các tạp chất trong muối là điều quyết định. Mà điều ấy muối Bạc Liêu thì đứng đầu cả nước. Nhìn nhận được giá trị của muối Bạc Liêu, tỉnh đã có nhiều giải pháp để phát triển nghề làm muối. Trong đó đáng chú ý là Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Muối ăn Bạc Liêu”, với tên khoa học Solar salt và công thức hóa học NaCl vào năm 2013, để khẳng định thương hiệu của muối Bạc Liêu.

Bạc Liêu đã có nhiều loại sản phẩm mang thương hiệu muối Bạc Liêu, đặc biệt mấy năm trước Bạc Liêu đã chọn muối làm vật phẩm dâng lên cúng Vua Hùng trong dịp Giỗ Tổ, được nhiều địa phương ngưỡng mộ và người Bạc Liêu xem đó là niềm tự hào, nhất là những diêm dân.

Hữu long

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.