Nhà cũ

Thứ Hai, 11/12/2017 | 15:48

Cuối cùng thì căn nhà sau của ông Tư cũng đã được xây mới đúng như ý nguyện của đám con cháu trong nhà. Nói “nhà sau” là vì nằm phía sau nhà trước chứ nhìn tổng thể, nó như một căn nhà mới. Nhà mới có đủ tiện nghi, 3 phòng ngủ đều được gắn máy lạnh. Hai phòng đã được mấy đứa con cháu ở chung dọn vô. Còn phòng to nhất là của hai vợ chồng già, thế mà ông Tư nhất quyết không ở. Ông Tư vẫn ở trong nhà cũ…

Nhà cũ có tấm tranh treo ở ngay giữa gian nhà chính, trên tấm tranh có đề dòng chữ thư pháp “Gia hòa vạn sự hưng”. Bức tranh này cùng tuổi thọ với ngôi nhà, gần 20 năm rồi. Bốn góc khung tranh đã ngã màu thời gian, nhưng dòng chữ vẫn vẹn nguyên. Ông Tư đã nhờ người ta vẽ tâm nguyện của ông vào đó: gia đình phải hòa thuận thì vạn sự mới khởi phát được. Gần 20 năm ấy, gia đình của ông Tư luôn giữ được hòa khí, tất nhiên đôi lúc cũng có vài tranh luận về những việc lớn trong đại gia đình có đến gần 30 người từ con đến cháu chắt. Thế nhưng, đến khi bàn chuyện dỡ bỏ ngôi nhà cũ để cất lại ngôi nhà mới, thì gia đình đã có những chuyện không… hòa! 
“Ba nhìn đi, bà con hàng xóm mình, nhà nào cũng cất nhà tường hết rồi, cái nhà này ba ở đã gần 20 năm mà không chịu cất lại, con cháu lâu lâu dẫn bè bạn về chơi, nhà ông bà nó cũ kỹ, tụi nó cũng mất mặt với bạn bè”. Người con thứ hai trong nhà với cương vị “quyền huynh” đã thay mặt mấy đứa em bày tỏ quan điểm khi ông Tư không chịu cất nhà mới. Ông Tư điềm tĩnh phân trần: “Ngôi nhà này nó tuy cũ nhưng còn ở được mà. Ba thích ở nhà cũ, nó rộng rãi, mát mẻ, cất nhà mới rồi chia năm xẻ bảy phòng này phòng nọ, ở trong phòng tù túng lắm, ba không quen. Để từ từ, ba trăm tuổi già rồi tụi bây muốn làm gì làm”.


Nhưng tuổi trẻ đã muốn thì phải làm, không “từ từ” được. Mấy đứa con không thuyết phục được ba thì quay sang giục má. Bà Tư vốn là người phụ nữ hiền từ, ai nói gì bà cũng ậm ừ đồng ý. Cho nên, trong chuyện này, bà mới là người khổ nhất. Nghe lời chồng thì đám con phản đối, bằng ngược lại thuận theo con thì sợ phật ý chồng. Ngày bà Tư được con dâu Út chở lên thị xã tìm nhà ông thầy bói coi chuyện cất nhà, bà phải nói gạt chồng: “Tui đi đám giỗ”. Rồi đêm đó sau một hồi trằn trọc, bà thủ thỉ: “Hay là mình cất lại nhà đi ông, tui với ông đâu còn sống bao lâu, để tụi nó làm theo ý tụi nó đi”, ông Tư im lặng hồi lâu, lát sau quay sang phía bà: “Thôi bà ngủ đi, mai tính”.
Không biết ông tính kiểu gì mà không nói không rằng, đến ngày lành tháng tốt ông thầy bói phán, đùng một cái, ông Tư quyết cái rụp: “Tao nói là không được dỡ căn nhà này, tụi bây muốn cất nhà mới thì cất kế bên đi, đất đai tao còn bên đó đó!”. “Rồi chẳng lẽ cất nhà xong, vợ chồng thằng Út ra riêng, ba má ở trong nhà cũ hả?”. Chị Ba thay lời của cả đám con đang nhốn nháo, thậm chí có đứa tỏ vẻ bất mãn trước quyết định như đinh đóng cột của “ông già Tô Ánh Nguyệt” (vì ông khó tính như ba của chị Tô Ánh Nguyệt trong vở cải lương cùng tên, nên mấy đứa nhỏ đặt cho ông cái biệt danh này). Ông Tư bỏ mặc, chắp hai tay sau lưng, bước vô nhà ngồi uống trà, không nói thêm tiếng nào.
…Sau đó chừng 3 tháng, ngày “dỡ đất” để chuẩn bị động thổ cất nhà, ông Tư lom khom đi ra phía nhà sau, đứng nhìn mấy tấm tôn lần lượt được tháo xuống. Nơi chái bếp, miếng tôn đóng một vệt vàng ố, là khói bếp mà bà Tư đã đứng đó nấu mấy mươi năm rồi. Cái vách nối nhà sau với nhà trước là chỗ để chiếc giường của thằng cháu đích tôn, nó vẽ ngoằn ngoèo hình chú mèo Đô-rê-mon, kế bên còn có hình ông bà nội nắm tay cháu (là nó) đi chơi. Tấm vách được gỡ xuống, chú thợ mạnh tay làm bể nát, không biết ông Tư tiếc miếng tôn hay vì lẽ gì mà đôi mắt ươn ướt. Nhà cũ, kỷ niệm ở đâu cũng có, giờ tan tành hết rồi. 
Ông Tư quyết định cho cất nhà không phải chìu ý tụi con cháu, mà vì thương vợ. Sau cái lần ông quyết định không cho cất nhà dù bà đã đi coi ngày tháng, con cái đã chuẩn bị tiền nong sẵn sàng ấy, tối nào bà cũng thủ thỉ chuyện cất nhà với ông. “Ông à, tôi tính như vầy nè, ông cho tụi nó dỡ cái nhà sau cất lại nhà mới đi, còn nhà trước này, mình để nguyên, tui với ông sẽ ở trong nhà cũ của mình” - cái đêm bà nói mà như van lơn, ông Tư đã xiêu lòng.
Ngôi nhà mới được cất kiểu nhà thành thị, lộng lẫy nhất nhì trong xóm, ai đi ngang cũng tấm tắc ngợi khen. Có điều, 3 căn phòng gắn máy lạnh, phòng khách thì sợ bụi bẩn nên tối ngày đóng kín mít. Đám cháu thích thú vì được ở trong mát, lại có tivi cùng đầu thu kỹ thuật số, điện thoại thông minh phục vụ cả ngày. Nhưng, cũng từ đó, sự gắn kết giữa những thành viên trong gia đình đã không như trước nữa. Hồi trước, ở nhà cũ, đến giờ cơm là tề tựu đủ mặt ra nhà sau cơm nước; bây giờ, đứa nào cũng thích ăn cơm trong phòng máy lạnh nên bới tô mà ăn. Cha mẹ đứa nào lo cho đứa đó nên muốn có đủ mặt ăn cơm cùng lúc cũng khó… Hàng xóm láng giềng muốn sang chơi cũng ngại vì cửa đóng then cài…
Đó là những lý do khiến ông Tư không muốn cất nhà. Nhà cũ không chỉ là nơi chứa nhiều kỷ niệm của mấy mươi năm dài mà còn là di vật của đồng quê trong suy nghĩ của một người quê cố cựu như ông. Ông đã cố giữ lại một góc quan trọng của di vật ấy! Gian nhà cũ cất bằng cây gỗ, máy tôn liền kề ngôi nhà sau “hoành tráng”, thấy không đồng thanh đồng thủ cho lắm. Nhưng, đó là một góc không thể biến mất, có thể trừ khi ông Tư trăm tuổi già mai này.
Ông Tư thường mắc cái võng phía trước nhà cũ, nằm một mình ở đó nhìn người qua lại để mà chào hỏi, chuyện trò hoặc mời vô uống trà hàn huyên chuyện xóm làng, chuyện xưa cũ. Bữa nào trong người không khỏe, ông vô trong chiếc giường đặt kề cửa sổ để hóng ra ngoài nhìn trời. “Ở trong nhà mới cứ như cái hộp, tù túng lắm, nó cách ly mình với bà con láng giềng đó bà”, ông Tư hay nói với vợ điều đó. Còn một câu nữa, ông Tư nói tới nói lui hoài: “Nhà không chỉ là nơi để ở. Tiện nghi chưa chắc đã làm người ta vui”. Không biết cuộc sống bây giờ, có ai còn nghĩ những điều… mông lung giống như ông Tư?!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.