"Nhân vật" quần chúng: Góp phần làm nên thành công cho ngày hội văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ

Thứ Tư, 22/11/2017 | 16:25

Hơn 100.000 người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đã tham gia, thưởng lãm và vui chơi, giải trí trong thời điểm diễn ra Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ - Bạc Liêu 2017. Đó thật sự là một con số ấn tượng! Bên cạnh vai trò của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức - những người có trách nhiệm trực tiếp tổ chức ngày hội - thì sự tham gia đầy hứng khởi của “nhân vật” quần chúng đã góp phần làm nên thành công của lễ hội văn hóa đặc sắc này.

Trước khi ngày hội diễn ra gần 1 tháng, những tấm pa-nô tuyên truyền đã được treo khắp phố phường của Bạc Liêu, đặc biệt là khu vực trung tâm tổ chức các hoạt động lễ hội - Quảng trường Hùng Vương (TP. Bạc Liêu). Chúng tôi nhiều lần nhìn thấy những người dân buổi sáng đi tập thể dục ngang Quảng trường Hùng Vương, họ dừng chân rất lâu bên những tấm pa-nô. Dừng để đọc, để tìm hiểu xem tỉnh mình chuẩn bị tổ chức ngày hội gì, quy mô ra sao và các hoạt động diễn ra ở đâu. Có lần khi dừng chân chụp ảnh, tôi còn được một vài người hỏi thăm cụ thể về các hoạt động và địa điểm diễn ra lễ hội. Những đứa trẻ nhỏ hỏi người lớn về đua ghe Ngo, về nghề truyền thống của đồng bào Khmer là như thế nào, thế là các phụ huynh ấy sẵn sàng tâm thế để nhập cuộc cùng lễ hội, trước là để chìu theo ý thích muốn đi xem hội của trẻ nhỏ, sau cũng là để tự mình mở mang vốn văn hóa đồng bào Khmer mà hiếm có dịp nào được biết nhiều đến vậy.
Vào hội. Chúng tôi đến với từng hoạt động không chỉ chú ý những nét đẹp văn hóa ngày hội mang đến, mà còn lưu tâm đến thái độ tiếp cận, thưởng thức của người dân trong vai là “người thụ hưởng” những tinh hoa văn hóa ấy. Ở hội thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng Khmer Nam bộ, từng buổi diễn, hàng ghế khán giả luôn đông kín. Ngoài lực lượng cổ động viên cho từng đơn vị thì còn có rất nhiều người dân đến thưởng thức. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết chị Lý Sang (ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đến xem hội thi sau khi đã bán gần hết gánh cơm rượu vòng quanh chợ phường 3. Chị cho biết, ban đầu bước chân vào nhà hát sang trọng cũng thấy ngại lắm, nhưng vì mê coi múa hát mà… liều! Chị kể bằng chất giọng lơ lớ: “Tôi mê những truyền thuyết, điệu múa Khmer từ hồi nhỏ nhưng ít khi được coi, lâu lâu mới thấy trên đài truyền hình, nhưng vẫn không thích bằng nhìn trực tiếp trên sân khấu”. Với “động cơ” như vậy, chị đã tranh thủ đến xem nhiều buổi thi diễn. 

Đông đảo người dân Bạc Liêu xem biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer tại ngày hội. Ảnh: H.T


Người dân tộc Khmer am hiểu và thích thú khi thưởng thức những “bữa tiệc tinh thần” cũng là bình thường, bên cạnh đó, có rất nhiều bạn trẻ là người dân tộc Kinh, Hoa cũng phấn chấn tham gia xem hội. Những chiếc áo xanh của đoàn viên - thanh niên, những áo dài tím của sinh viên Trường đại học Bạc Liêu, các em học sinh phổ thông, kể cả những nhóm bạn tuổi teen trong hàng ghế khán giả…, đa số đều rất chăm chú, trật tự để thưởng thức. Sự ồn ào, náo nhiệt của giới trẻ khi vào rạp hát thường thấy đã không tái diễn ở hội thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng Khmer Nam bộ lần này. Những tràng pháo tay nồng nhiệt và sự gật gù thích thú cho thấy văn hóa nghệ thuật dân tộc Khmer truyền thống đã lan tỏa thành công để mọi người cùng tự hào rằng, từng nét đẹp văn hóa của mỗi tộc người đều là vốn quý để đồng hành trên chặng đường dung nạp, tích lũy cho văn hóa Việt Nam. 
Ở không gian triển lãm, trưng bày hình ảnh, hiện vật, nghề truyền thống đồng bào dân tộc Khmer, tưởng chừng đó là “không gian tĩnh”, nhưng không phải vậy! Lúc đông đảo, khi thì ít người hơn chứ không khi nào đìu hiu, vắng lặng. Những người đến tham quan có đủ mọi lứa tuổi, thành phần. Những em sinh viên đang theo học những ngành học có liên quan đến văn hóa đã “mừng như bắt được vàng” khi đứng trước không gian văn hóa độc đáo này. Các em hí hoáy ghi chép, chụp ảnh từng hiện vật và hỏi thăm những người “chủ” trưng bày từng không gian để hiểu biết thêm về văn hóa Khmer từng tỉnh, thành phố có gì khác biệt với nhau. Riêng những tiết mục trình diễn hòa tấu, múa hát, múa khỉ ngựa, múa chằn… thì luôn làm náo nhiệt cả khu vực! Người ta chen chúc nhau để xem, người lớn cõng trẻ nhỏ lên để chúng được nhìn thấy. Thưởng thức thích thú đến mức tiếng vỗ tay cũng gần như là phản xạ tự nhiên, xong màn diễn thì khán giả xin được chụp hình cùng diễn viên. Trên cả tinh thần giao lưu, học hỏi giữa các tỉnh, thành phố, những tiết mục biểu diễn đường phố đã nhận về sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả, đặc biệt là công chúng Bạc Liêu. Người dân Bạc Liêu không chỉ thể hiện sự hiếu khách, lịch thiệp, nghĩa tình như bản chất Bạc Liêu bấy lâu nay khi đón bè bạn gần xa, mà còn thể hiện thái độ, sự quan tâm đặc biệt đến những gì thuộc về văn hóa dân tộc.   
Góp vào sự thành công của ngày hội, bên cạnh tinh thần nỗ lực từ phía những người tổ chức, còn có thái độ tiếp nhận của những “người thụ hưởng” trong 3 ngày hội ấn tượng!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.