Nhiều giải pháp bảo tồn văn hóa dân tộc Khmer

Thứ Tư, 02/05/2018 | 16:19

Đầu tư vật lực và đào tạo nhân lực được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa dân tộc Khmer nói riêng. Tại Bạc Liêu, vấn đề này được quan tâm và cộng đồng trách nhiệm từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống thông qua nhiều giải pháp thiết thực.
Tính đến cuối năm 2017, Sở VH-TT&DL đã hoàn tất việc hỗ trợ kinh phí cho 16 chùa Khmer trên địa bàn tỉnh có nhu cầu trang bị dàn nhạc ngũ âm (80 triệu đồng/bộ). Ngoài ra còn hỗ trợ một phần chi phí cho 9 chùa Khmer có điều kiện đóng mới, sửa chữa ghe Ngo. Đây là hành động thiết thực nhằm thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Khmer Bạc Liêu.
Không chỉ đầu tư về vật lực, ngành VH-TT&DL tỉnh còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để khai thác hiệu quả những di sản vật thể của đồng bào Khmer. Cụ thể là phối hợp với Ban Dân tộc, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh mời nghệ nhân mở các lớp dạy nhạc ngũ âm cơ bản, nâng cao. Không chỉ có các đội nhạc ngũ âm của chùa Khmer, đối tượng được tập trung đào tạo còn là học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Sắp tới, loại hình âm nhạc độc đáo này sẽ trở thành một môn học bắt buộc trong chương trình học của trường. Mục tiêu được đặt ra là mỗi học sinh dân tộc Khmer sau khi ra trường đều biết đánh một vài nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm.

Các chùa Khmer trong tỉnh tham gia giải đua ghe Ngo tổ chức tại huyện Hồng Dân. Ảnh: H.T
Song song đó, Sở VH-TT&DL cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cử huấn luyện viên trực tiếp xuống cơ sở trang bị kỹ thuật, chiến thuật đua ghe Ngo cho các chùa. Đây là việc làm cần thiết, bởi thành tích đua ghe Ngo Bạc Liêu tại các giải đấu khu vực đang có dấu hiệu giảm xuống. “Dàn nhạc ngũ âm và ghe Ngo được xem là “linh hồn” của phum sóc. Do đó, việc hỗ trợ kinh phí giúp các chùa đầu tư mua sắm những hiện vật này có ý nghĩa quan trọng, bước đầu tạo sinh khí phấn khởi trong sư sãi, đồng bào Khmer tỉnh nhà. Bước tiếp theo, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức các cuộc liên hoan biểu diễn nhạc ngũ âm, các giải đua ghe Ngo để những di sản vật thể độc đáo của đồng bào Khmer ngày càng thăng hoa”, bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết.
Thời gian qua, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh nói chung, vùng tập trung đông đồng bào Khmer sinh sống nói riêng có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, các lễ hội văn hóa truyền thống Khmer như: Chôl-chnăm-thmây, Đôn-ta, Oóc-om-bóc… được giữ gìn và phát huy giá trị, hình thức tổ chức đảm bảo đúng quy định Nhà nước, sự phát triển của xã hội hiện đại. Để có được kết quả phấn khởi này, Sở VH-TT&DL thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa, trưởng khóm/ấp các địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống được trang bị những kiến thức chuyên môn, kỹ năng về phát triển phong trào. Được đào tạo khá bài bản, đội ngũ cán bộ này đã và đang tích cực hỗ trợ Ban quản trị các chùa Khmer xây dựng nội dung chương trình lễ hội, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi phục vụ đồng bào dân tộc.
Cùng với ngành chức năng, chính quyền địa phương và các chùa Khmer trong tỉnh cũng chung tay đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc. Điển hình là nhiều chùa Khmer đã thành lập được đội văn nghệ; cho sư sãi trẻ học các lớp dạy kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc… Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng nên bản sắc văn hóa Khmer được đầu tư và bảo tồn. Ý thức được trách nhiệm của mình, chùa đã phối hợp với chính quyền địa phương ra sức tuyển chọn, tập hợp thanh niên có năng khiếu để đào tạo, thành lập đội văn nghệ, đội nhảy khỉ ngựa… Với việc hình thành lực lượng kế thừa đầy triển vọng, tin rằng những nét đẹp văn hóa truyền thống Khmer sẽ được thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy”.
TRỊNH HỮU

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.